Lan tỏa hình mẫu, lối sống đẹp đến giới trẻ

THÙY TRANG

VHO - Đoàn kiểm tra, khảo sát do Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thọ Truyền làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với Thành đoàn TP.HCM về đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong đoàn viên, thanh thiếu nhi (TTN) trên địa bàn thành phố.

 Lan tỏa hình mẫu, lối sống đẹp đến giới trẻ - ảnh 1

 Lễ hội Thanh niên là sân chơi với các hoạt động kết nối và chia sẻ kiến thức, kỹ năng

 Cuộc khảo sát nhằm nhận diện những kết quả, tồn tại sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 (2014-2024), qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong tình hình mới.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó ban Tuyên giáo - Đối ngoại Thành đoàn TP.HCM cho biết, để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết, tạo sự đồng bộ và hiệu ứng lan tỏa cao, Ban Thường vụ (BTV) Thành đoàn luôn quan tâm, đầu tư công tác định hướng, chỉ đạo, biên soạn tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền, triển khai các nội dung liên quan đến Nghị quyết. BTV Thành đoàn đã triển khai nhiều giải pháp giới thiệu các loại hình nghệ thuật, góp phần định hướng “Văn hóa thưởng thức”, tạo thói quen, kỹ năng và sở thích xem, nghe, đọc các loại hình giải trí, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị nhân văn, có tính giáo dục, cổ vũ lối sống đẹp trong đoàn viên, TTN…

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng quan tâm đến các loại hình văn hóa, nghệ thuật phục vụ giới trẻ, điển hình như các chương trình sân khấu học đường, chiếu phim cho thiếu nhi khu vực vùng sâu, vùng xa… Đoàn kiểm tra ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33 và Chương trình hành động số 45-CTr/TU của BCH Đảng bộ TP về thực hiện Nghị quyết số 33. T

heo bà Hoàng Yến, bên cạnh những mặt thuận lợi, kết quả đạt được thì việc thực hiện Nghị quyết 33 còn nhiều khó khăn như: Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa trong đoàn viên, TTN tại một số địa phương, đơn vị còn hạn chế. Thiết chế văn hóa cho TTN tại một số địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của đối tượng thụ hưởng; ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hóa dành cho TTN hằng năm chưa đảm bảo.

Theo ông Quách Hải Đạt, Giám đốc Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM, thời gian qua, đơn vị đã bám sát Nghị quyết 33, thực hiện rất nhiều chương trình liên quan đến văn hóa, nghệ thuật trong học đường. Các chương trình đều nhận được sự tham gia đông đảo, hào hứng của sinh viên.

“Do đó, nếu ai đó nói rằng sinh viên hiện nay không thiết tha với văn hóa dân tộc là không đúng. Tuy nhiên, chúng ta gặp khó ở chỗ nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc tổ chức không thường xuyên, làm giảm hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 33”, ông Đạt nói và minh chứng, trong hai năm 2023-2024, Nhà Văn hóa Sinh viên thực hiện thử nghiệm chương trình “Sử ca học đường” với 5 vở diễn là Thành Thăng Long thuở ấy, Yêu là thoát tội, Anh hùng Trần Bình Trọng, Câu hò đất mẹ, Chiếc áo thiên nga.

Các chương trình sân khấu này được biểu diễn trong nhà trường, được HSSV hưởng ứng rất nhiệt tình. Bản thân các trường cũng có hỗ trợ cơ sở vật chất để diễn, tuy nhiên, chương trình cũng không kéo dài do không đủ nguồn kinh phí.

Về chương trình chiếu phim 3D tại các Nhà thiếu nhi quận, huyện, được thực hiện từ năm 2018. Theo các đại biểu, chương trình ban đầu rất hiệu quả nhưng về sau trước tình trạng nguồn phim không có, thiết bị xuống cấp, phòng chiếu phim 3D tư nhân phát triển… nên công tác này hiện không còn thực hiện.

Liên quan đến định hướng lối sống cho giới trẻ, các đại biểu đã nhắc đến trường hợp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng diện phụ kiện “lạ” khi diễn. Bà Dương Cẩm Thúy, Phó Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật TP.HCM đề nghị Thành đoàn nghiên cứu, xây dựng các trang mạng để kết nối giới trẻ, định hướng lối sống tốt cho đoàn viên, TTN.

“Chúng ta cần đưa ra các hình mẫu tốt, lan tỏa lối sống đẹp đến giới trẻ. Bên cạnh đó, cần xây dựng các trang mạng để phản bác những luận điệu sai trái, chống phá, làm ảnh hưởng đến các bạn trẻ.

Bà Nguyễn Thị Nga, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP cũng đồng tình, cần tạo ra “trend” để định hướng các em đi đúng truyền thống văn hóa, thay vì các em chạy theo những trào lưu vô thưởng vô phạt, thậm chí tiêu cực. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thọ Truyền đồng thuận với các đề xuất, kiến nghị của Thành đoàn trong việc tạo điều kiện, môi trường để phát huy giá trị, đưa Nghị quyết 33 thực sự đi vào đời sống.

“Hiện nay Nghị quyết về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã được Đảng bộ TP.HCM ký ban hành. Thời gian tới, Thành đoàn cũng cần nghiên cứu để có chương trình hành động cụ thể. Việc học tập và làm theo Bác, việc triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng chính là những nội dung không nằm ngoài Nghị quyết 33”, ông Truyền chia sẻ và đề nghị Thành đoàn cần quan tâm đến lực lượng đoàn viên, TTN, đây là lực lượng có vai trò nòng cốt trong xây dựng phát triển đất nước.

Theo ông Truyền, Thành đoàn hiện có rất nhiều mô hình, phong trào, trong quá trình thực hiện, nếu mô hình, phong trào nào không hiệu quả thì mạnh dạn loại bỏ, tìm mô hình khác phù hợp hơn.

“Chúng ta có làm hiệu quả thì mới thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư cho văn hóa. Tôi nghĩ các lễ hội lớn mang đậm tính văn hóa của TTN lâu nay đã tổ chức tốt thì cần duy trì và cứ mạnh dạn đề xuất”, ông Truyền nhấn mạnh.