Không lơ là, chủ quan trước dịch tả lợn châu Phi

N.ĐỒNG – S.THÙY – K.CHI – P.HIẾU

VHO - Dịch tả lợn châu Phi hiện đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Dịch bệnh này không chỉ gây thiệt hại lớn đối với người chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Không lơ là, chủ quan trước dịch tả lợn châu Phi - ảnh 1
Dịch tả lợn châu Phi hiện đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước

Bùng phát dịch ở diện rộng

Tại Quảng Ngãi ngày 27.6, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xảy ra tại xã Nghĩa Giang. Đến ngày 21.7, dịch bệnh đã xảy ra tại 1.685 cơ sở chăn nuôi ở 243 thôn thuộc 34 xã, phường trong tỉnh. Tổng số heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy hơn 9.600 con với tổng khối lượng gần 580 tấn.

Trước sự lây lan nhanh, cơ quan chức năng bên cạnh công tác phòng chống dịch, khoanh vùng dập dịch cũng đã đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin đối với dịch tả heo Châu Phi và một số dịch bệnh khác trên gia súc, gia cầm.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phân bổ hơn 7.600 liều vắc xin dịch tả lợn Châu phi và hóa chất để tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh.

Không lơ là, chủ quan trước dịch tả lợn châu Phi - ảnh 2
Vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại

Cùng với đó, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại các xã, phường Xuân Phú, Sông Kôn, Quảng Phú, Thăng Trường, Tiên Phước, Quế Sơn Trung, Quế Sơn… (TP Đà Nẵng) làm hàng trăm con lợn mắc bệnh chết và buộc phải tiêu hủy.

Ông Nguyễn Minh Nam, Chủ tịch UBND phường Quảng Phú, TP Đà Nẵng cho biết: “Khi nhận được thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại nhiều nơi trên địa bàn phường, địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch. Vận động và tiêu hủy đàn lợn bệnh còn lại của các hộ nói trên, hướng dẫn các hộ xử lý vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, rắc vôi khu vực chuồng trại và xung quanh vườn, tuyệt đối không tái đàn trong thời gian tới”.

Chính quyền các địa phương đang khẩn trương triển khai biện pháp khoanh vùng, tiêu độc khử trùng, hỗ trợ người dân tái đàn và khôi phục chăn nuôi. Tuy nhiên, do khối lượng lợn nhiễm bệnh quá lớn nên công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Tình trạng người dân vứt heo chết nghi mắc bệnh dịch tả ra sông, suối, kênh mương nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước nghiêm trọng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian đến là rất cao.

Không lơ là, chủ quan trước dịch tả lợn châu Phi - ảnh 3
Gia Lai siết chặt kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi tại các cửa ngõ trọng yếu

Nguy cơ từ vận chuyển lợn liên tỉnh

Ngày 23.7, Trạm Cảnh sát giao thông Tuy Phước (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai), phối hợp với Công an xã Tuy Phước, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra xe tải biển kiểm soát 36H-044.36. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe vận chuyển 54 con lợn, lái xe không xuất trình được giấy kiểm dịch động vật, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc số lợn trên.

Đáng chú ý, số lợn trên xe đều có các triệu chứng nghi ngờ mắc dịch tả lợn châu Phi như: lờ đờ, suy nhược, xuất huyết ở da và tiêu chảy. Cơ quan chức năng đã tạm giữ phương tiện và toàn bộ số tang vật. Mẫu bệnh phẩm cũng đã được lấy để giám định, xác định chính xác chủng loại dịch bệnh, từ đó có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Qua đó, đã kịp thời ngăn chặn một lượng “thịt bẩn” để đưa vào các tỉnh phía Nam để tiêu thụ.

Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi, phối hợp Công an xã Nghĩa Hành phối hợp lực lượng chức năng phát hiện một cơ sở thu mua lợn trên địa bàn xã Nghĩa Hành do bà Trần Thị Thùy D. (trú xã Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ đang thu gom, vận chuyển lên một xe tải số lượng lợn lớn.

Qua kiểm tra, có 72 con lợn (trên xe có 69 con, trong đó có 5 con đã chết) và 3 con đang nhốt trong chuồng trại. Làm việc với công an, bà D. không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc và kiểm dịch số lợn trên. Bà D. khai 72 con lợn trên được mua thu gom của các thương lái. Số lợn trên được mua từ hộ dân ở xã Nghĩa Hành - địa phương đang có dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh.

Số heo này nếu công an không phát hiện sẽ được vận chuyển vào Gia Lai và Đồng Nai để giết, mổ và bán lại cho các cơ sở chế biến thực phẩm (lạp xưởng).

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ngãi lấy ngẫu nhiên 22 mẫu máu, hạch, lách lợn để xét nghiệm. Kết quả 21/22 mẫu dương tính dịch tả lợn châu Phi (ASFV). Cơ quan chức năng đã tiêu hủy số lợn bệnh theo đúng quy định, đồng thời hoàn tất hồ sơ xử phạt bà D..

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi tại nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là các địa phương giáp ranh, tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng triển khai lập “nóng” 4 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật liên ngành tại các cửa ngõ trọng yếu.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, các chốt này nằm tại các điểm tiếp giáp với những tỉnh đang có nguy cơ cao bùng phát dịch như Quảng Ngãi và Đắk Lắk, hoạt động 24/24 giờ với sự phối hợp giữa lực lượng thú y và CSGT.

Tại đây, lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra giấy tờ, phun hóa chất tiêu độc khử trùng phương tiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển động vật và sản phẩm từ động vật.

Không lơ là, chủ quan trước dịch tả lợn châu Phi - ảnh 4
Bệnh nhân mắc liên cầu lợn điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế

Thịt lợn ế ẩm ở chợ truyền thống

Trong khoảng 2 tuần qua, sức tiêu thụ thịt lợn các chợ truyền thống trên địa bàn TP Huế giảm sâu. Theo ghi nhận của phóng viên Văn Hóa, tại các chợ ở trung tâm thành phố như Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu, Vỹ Dạ, Tây Lộc… số lượng nhập và bán thịt lợn đã giảm nhiều.

Một số tiểu thương cho biết, lượng thịt bán lẻ giảm khoảng 80%; nhiều chủ quầy ở các chợ cũng chủ động đóng cửa, tạm nghỉ bán một thời gian. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc liên tục từ tháng 6 đến nay có nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn phải nhập viện điều trị và đã có ca tử vong.

Chị L.T.D, một tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Hai Bà Trưng (phường Thuận Hóa, TP Huế) than thở: “Chúng tôi mua bán là nhập hàng của các lò mổ có nguồn gốc, có kiểm dịch của thú y hẳn hoi. Nhưng mấy ngày nay ai đi chợ cũng không dám mua thịt, tôi nhập nhập về 1,5 con lợn mà bán ế quá nên phải về chia phần bỏ tủ lạnh để bảo quản luôn”.

Theo ngành Y tế TP Huế, tính đến ngày 23.7, trên địa bàn có 39 trường hợp nhiễm liên cầu lợn. Trong đó có 2 ca tử vong và 3 trường hợp bệnh nặng xin về. Các ca mắc bệnh phân bố rải rác ở nhiều phường, xã; điều tra dịch tễ không thấy được mối liên hệ, không tìm được nguồn lây khiến công tác kiểm soát và khoanh vùng gặp khó khăn.

Nguồn lây bệnh liên cầu lợn ở người phần lớn là từ lợn bệnh, lây qua đường ăn uống, tiếp xúc khi bị vết thương hở…

Không lơ là, chủ quan trước dịch tả lợn châu Phi - ảnh 5
Nhiều chợ truyền thống “đứng ngồi không yên” vì thịt ế ẩm, tiêu thụ giảm mạnh

Tương tự, một số chợ dân sinh trên địa bàn Đà Nẵng, người tiêu dùng cũng khá “e dè”, sức mua thịt lợn cũng giảm hẳn. Nhiều tiểu thương bán thịt lợn đã than ế ẩm vì sức tiêu thụ giảm, một phần vì tâm lý lo ngại của người mua.

Chị Ngô Thị Bích Vân, chủ một quán cơm ở phường Hội An Tây, TP Đà Nẵng cho biết, dù trên địa bàn chưa phát hiện dịch bệnh, nhưng để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, cơ sở luôn chọn mua thịt tại các quầy bán có đóng dấu kiểm dịch đầy đủ, đảm bảo nguồn gốc, an toàn. Tuyệt đối không vì ham giá rẻ mà mua các loại thịt trôi nổi, mập mờ nguồn gốc.

Tại chợ trung tâm Quảng Ngãi, phường Cẩm Thành, TP Quảng Ngãi một trong những chợ lớn nhất tỉnh những gian hàng bán thịt lợn vốn tấp nập nay trở nên đìu hiu. Theo ghi nhận của phóng viên, chưa đến 9 giờ, nhiều quầy thịt đã thu dọn về sớm vì cả buổi chỉ lác đác vài khách ghé mua.

Bà Nguyễn Thị Xuân, tiểu thương bán thịt lợn hơn 10 năm tại chợ, buồn bã chia sẻ: “Trước kia tiêu thụ ổn định lắm, giờ dịch bùng phát, không có ai mua”.

Theo nhiều tiểu thương, dù đã chủ động hạ giá bán từ 20.000 – 30.000 đồng/kg để kích cầu, lượng tiêu thụ vẫn giảm tới 80% so với cách đây hơn nửa tháng. Họ vừa lo mất thu nhập, vừa lo nguồn hàng tồn đọng lâu ngày không tiêu thụ hết.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế khuyến cáo “Người dân không hoang mang trước tình hình dịch bệnh và cũng không được chủ quan, phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ, chế biến thực phẩm liên quan đến thịt lợn. Đặc biệt, không ăn tiết canh, thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra và truyền thông sâu rộng đến cộng đồng người dân”.