Người chăn nuôi trắng tay vì dịch tả lợn Châu Phi bùng phát
VHO - Hiện tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi diễn biến phức tạp, khó lường. Thế nhưng nhiều nơi thiếu cán bộ thú y, khiến công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 83 cơ sở, ở 42 thôn, thuộc 11 xã, phường, với 529 con lợn mắc bệnh, bắt buộc phải tiêu hủy, với tổng trọng lượng gần 29,5 tấn.
Ngoài ra, có 8 xã đang xảy ra dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi gồm: Thọ Phong, Ba Gia, Trà Giang, Mỏ Cày, Tư Nghĩa, Sơn Tây Hạ, Vệ Giang, Trường Giang. Hiện các xã này đang phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y xử lý ổ dịch và tổng hợp, báo cáo số liệu.
Với nhiều người chăn nuôi ở tổ dân phố Độc Lập 1, phường Trương Quang Trọng, khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại khiến họ lại lâm vào cảnh trắng tay. Tuổi già, bà Trần Thị Quá đã dốc hết tâm sức và chút vốn liếng ít ỏi gầy dựng đàn heo. Thế nhưng, dịch bất ngờ ập đến khiến cả 4 con heo đều bị bệnh, đẩy bà vào cảnh trắng tay.
“Bao công sức, hy vọng của tôi đều tan biến sau khi đàn heo bị tiêu hủy”, bà Quá buồn bã nói.
Thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng đan xen làm cho sức đề kháng của vật nuôi suy giảm, dẫn đến phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Dịch chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng dịch, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trong việc triển khai quyết liệt các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch bệnh thì một số hộ gia đình đã đem heo ốm, chết vứt ra đường, kênh, mương, sông…, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh.
Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và làm tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh mà còn vi phạm phạm quy định Luật Thú y. Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng.

Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi được dự báo sẽ tiếp tục phát sinh và lây lan, các địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để sớm khống chế và dập tắt các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quang Trung yêu cầu các xã, phường, đặc khu thành lập các tổ triển khai các biện pháp chống dịch như: Tổ thực hiện khử trùng tiêu độc, tiêu hủy gia súc mắc bệnh, chết; tổ tiêm phòng vắc xin...., nhằm tránh trường hợp lây chéo dịch bệnh.
“Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ heo tại vùng dịch cũng như trên địa bàn, đảm bảo các hoạt động trên phải được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật về thú y. Thông tin rộng rãi về tình hình dịch bệnh thuộc địa bàn quản lý để người chăn nuôi biết, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, để hạn chế dịch bệnh phát sinh”, ông Trung nhấn mạnh.