Quảng Nam:

Khởi động dự án chống xói lở, bảo vệ bền vững bờ biển Hội An

THU HOÀI

VHO - Dự án "Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam" có tổng mức đầu tư 42 triệu euro từ nguồn vốn vay Cơ quan phát triển Pháp (AFD) sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng xói lở bờ biển, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân và thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

 Chiều ngày 3.7, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra buổi làm việc khởi động dự án "Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam" với nguồn vốn vay từ Cơ quan phát triển Pháp (AFD). 

Khởi động dự án chống xói lở, bảo vệ bền vững bờ biển Hội An - ảnh 1
Quang cảnh buổi họp khởi động dự án

Dự án "Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam" có tổng mức đầu tư 42 triệu euro. Trong đó AFD cho vay 35 triệu euro, Liên minh châu Âu (EU) tài trợ 2 triệu euro, còn lại 5 triệu euro là nguồn vốn đối ứng của tỉnh Quảng Nam.

Dự án này đã ký thỏa ước vay và viện trợ không hoàn lại vào tháng 12.2023; ký hợp đồng vay lại giữa Bộ Tài chính và Quảng Nam vào tháng 4.2024. UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt kế hoạch thực hiện tổng thể dự án vào ngày 15.4.2024.

Dự án gồm các hợp phần: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (nuôi bãi, đê ngầm giảm sóng); các biện pháp phi công trình và quản lý dự án. Dự án được triển khai tại tỉnh Quảng Nam sẽ nâng cao năng lực bảo vệ toàn bộ bờ biển và khôi phục các bãi biển một cách bền vững thông qua hai giải pháp chính.

Về hợp phần công trình sẽ đầu tư xây dựng tuyến đê ngầm giảm sóng có tổng chiều dài khoảng 2.090m (đê ngắt quãng chia làm 7 đoạn).

Dự án kết hợp các biện pháp bảo vệ công trình (kè chắn sóng, mỏ hàn) cho khu vực trải dài từ cửa sông đến khu nghỉ dưỡng Victoria dài 5km và giải pháp mềm, dựa vào thiên nhiên (nuôi bãi phục hồi bãi biển), đặc biệt là giải pháp nuôi bãi hy sinh tại khu vực mở rộng về phía bắc (khu vực bãi An Bàng), giúp khôi phục sự cân bằng trầm tích, duy trì bờ biển cục bộ và giảm nguy cơ xói lở sau công trình.

Đối với hợp phần phi công trình sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung cho lưu vực vùng bờ; xây dựng công cụ giám sát khai thác tài nguyên trên hệ thống sông và vùng bờ; củng cố các hệ thống quan trắc chất lượng nước, môi trường tự nhiên

Bên cạnh đó, cũng áp dụng chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ và vùng lưu vực sông, là cách tiếp cận bền vững cho toàn bộ vùng ven biển từ Sơn Trà (Đà Nẵng) đến Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam).

Dự kiến đến tháng 10.2024 sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thiết kế, nhà thầu xây lắp, bắt đầu khởi công đầu năm 2025 và hoàn thành trong năm 2026.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc