Chuyên gia Hà Lan “hiến kế” xây đảo nhân tạo tại Cửa Đại
VHO- Phương án xây dựng đảo nhân tạo bên ngoài kè chắn nhằm bảo vệ bờ biển, kết hợp phát triển du lịch là đề xuất mà các nhà chức trách, chuyên gia Hà Lan đã đưa ra sau buổi khảo sát thực tế nhằm tìm ra giải pháp chống sạt lở bền vững cho bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam).
Chiều tối ngày 10.4, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà dẫn đầu cùng Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan – bà Cornelia Van Nieuwenhuizen, các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong việc chống xói lở đến từ Hà Lan đã có chuyến thực tế về tình trạng xói lở và bồi lấp diễn biến phức tạp tại khu vực bờ biển Cửa Đại.
Xói lở, bồi lấp kéo dài gần 15 năm
Thông tin tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, tình trạng xói lở và bồi lấp tại bờ biển Hội An bắt đầu từ năm 2004, diễn biến theo mùa và kéo dài đến nay. Hiện đã có 5/8 resort dọc bờ biển trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sạt lở.
Trước đây bãi biển thoai thoải dài ra phía ngoài 200m, nhưng vài năm qua đã bị sạt lở khá nghiêm trọng. Hiện tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở ước khoảng 8 km, trầm trọng nhất là 2 năm qua đã sạt lở với chiều dài 3 km. Như tại tuyến bờ kè kéo dài 714m từ khách sạn Sunrise đến Khách sạn Fusion Alya mà đoàn đi thực tế là tuyến bờ biển lâm vào tình trạng sạt lở nghiêm trọng vào tháng 1.2018. Xói lở đã khiến khu resort Fusion Alya bị sập một phần lớn và dường như bị bỏ hoang khi chưa đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, gần đây xuất hiện một cồn cát nổi lên tại vị trí cách bờ khoảng 1,4 km, diện tích khoảng 2 ha. Qua khảo sát toàn bộ khu vực này phát hiện diện tích khá rộng, ước gần 20 ha. Bước đầu các chuyên gia cũng nhận định các hiện tượng xói lở và bồi lấp này có mối quan hệ với nhau.
Các Bộ trưởng, chuyên gia Hà Lan và lãnh đạo tỉnh tại buổi khảo sát sạt lở biển Hội An chiều ngày 10.4
Tại sao không xây đảo nhân tạo?
Sau khi khảo sát thực tế vào chiều tối ngày 10.4, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan – bà Cornelia Van Nieuwenhuizen đề xuất: “Tại sao chúng ta không xây dựng các đảo nhân tạo ngay tại vùng biển này? Điều này là hoàn toàn khả thi và phù hợp”. Ngoài hệ thống trên cần làm thêm đảo nhân tạo bên ngoài đê ngầm để vừa ngăn sóng, đồng thời phát triển thành điểm du lịch để tạo nguồn thu bảo trì bờ kè. Một số nơi đã làm theo cách này và kết quả khá khả quan. “Ở Hà Lan cũng có rất nhiều đảo nhân tạo và các đảo này đã góp phần chống xói lở lẫn bồi lấp vô cùng hiệu quả”, bà Cornelia Van Nieuwenhuizen dẫn chứng. Nếu được đầu tư bài bản, xây dựng hệ sinh thái đa dạng, các đảo nhân tạo này cũng sẽ thu hút du khách. Khi ấy chúng ta đã có thể tạo nguồn thu nhập từ phát triển du lịch. Chính phủ Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ về mặt nhân lực để các bạn hiện thực hóa ý tưởng này.
Ông Dingeman Van Woerden, chuyên gia đến từ Royal IHC - Công ty nạo vét và đóng tàu lớn nhất ở Hà Lan cho rằng, câu hỏi lớn đặt ra ở đây chính là phải biết đâu là nguyên nhân khiến bờ biển Cửa Đại hứng chịu cả xói lở lẫn bồi lấp. Do tác động của tự nhiên hay do con người? Đồng quan điểm với bà Cornelia Van Nieuwenhuizen trong việc cho rằng Việt Nam cần thử nghiệm với việc xây dựng đảo nhân tạo tại vùng biển Cửa Đại. Việc xây dựng đảo nhân tạo là một ý tưởng hay nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục hồi bãi biển, khôi phục dòng chảy tự nhiên của cát, đặc biệt là bảo vệ lâu dài bờ.
Tuy nhiên ông Dingeman Van Woerden cũng nhấn mạnh, trước khi thực hiện xây đảo nhân tạo, địa phương cần bảo vệ, phục hồi nguyên trạng bờ biển Cửa Đại. Hiện luồng cát đang di chuyển một cách tự do, vì nó đã bồi lắng phía ngoài thay vì bên trong. Nếu không được bảo vệ thì phần bồi lắng sẽ bị mất đi, bồi lắng không đủ thì trong vài năm tới cát sẽ bị trôi ra bên ngoài. Nhưng để triển khai ý tưởng này thì cần rất nhiều kinh phí. Vì vậy, cần hợp tác với các nhà thầu, viện nghiên cứu trong nước bởi họ có tri thức, kinh nghiệm về địa hình bản địa. “Việc xây đảo nhân tạo đòi hỏi một nguồn đầu tư không nhỏ và đảm bảo tính bền vững. Vậy tại sao không thử hút cát từ bãi bồi đang nổi lên ở biển Cửa Đại để bù trám vào những vị trí đang xói lở. Chúng tôi có kinh nghiệm trong nạo vét và sẵn sàng hỗ trợ các bạn thực hiện”, ông Dingeman Van Woerden chia sẻ.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp của Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước cùng chuyên gia Hà Lan. Đồng thời cho biết, trước mắt cần tập trung giải quyết xói lở là hết sức quan trọng. Phương án lồng ghép xây dựng đảo nhân tạo bên ngoài kè chắn nhằm phát triển du lịch gắn với bảo vệ bờ biển là một ý tưởng táo bạo. Vấn đề này sẽ đưa ra phân tích tại một hội nghị khoa học để có thể đánh giá, từ đó lên phương án phù hợp khắc phục xói lở ở bờ biển Hội An.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đây là khu vực bị tác động rất lớn, đặc biệt lại nằm gần khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và khu Di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An nên việc tập trung ứng phó, giải quyết những vấn đề liên quan đến biển và sạt lở là rất quan trọng. Phương án xử lý phải có cơ sở khoa học rõ ràng. Phải giải quyết bài toán xói lở, đồng thời đánh giá tác động toàn diện tác động đến khu bảo tồn,… Nếu thành công đây sẽ là dự án tiêu biểu chống sạt lở không chỉ ở Hội An mà chiều dài bờ biển của Quảng Nam.
Liên quan đến việc xuất hiện cồn cát dài 3 cây số nổi lên giữa biển Cửa Đại được Văn Hóa phản ánh mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa có văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan rốt ráo triển khai các công việc cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tàu thuyền tại khu vực Cửa Đại. Cụ thể, giao UBND TP Hội An cắm biển báo cấm tại khu vực cồn cát. Đồng thời, thông báo cho các đơn vị lữ hành, chủ các tàu thuyền và người dân địa phương không tự ý tổ chức đưa người dân, du khách ra khu vực cồn cát hoặc triển khai các hoạt động tự phát trên cồn cát khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về giải pháp ứng phó cụ thể với cồn cát ngoài khơi biển Cửa Đại… |
KHÁNH CHI