Khó khăn như ở Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng

NGUYỄN LINH

VHO - Cách đây 16 năm, dự án Làng thanh niên lập nghiệp đã thu hút nhiều gia đình trẻ đến với vùng đất mới mang theo khát vọng lập nghiệp, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, khác với kỳ vọng ban đầu, các hộ dân nơi đây đang lâm vào tình cảnh khó khăn, túng bấn, thiếu thốn mọi bề, nhiều người đã phải bỏ làng ra đi.

Cách đây 16 năm, dự án Làng thanh niên lập nghiệp đã thu hút nhiều gia đình trẻ đến với vùng đất mới mang theo khát vọng lập nghiệp, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, khác với kỳ vọng ban đầu, các hộ dân nơi đây đang lâm vào tình cảnh khó khăn, túng bấn, thiếu thốn mọi bề, nhiều người đã phải bỏ làng ra đi.

 Dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng do Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phê duyệt đầu tư vào tháng 10.2007. Năm 2008, dự án được Tỉnh đoàn Thanh Hóa khởi công xây dựng trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) với tổng vốn đầu tư hơn 32 tỉ đồng, trên diện tích hơn 600 ha.

Khó khăn như ở Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng - ảnh 1
Nhà không người ở, bỏ hoang xuống cấp, hư hỏng tại Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng

Nhọc nhằn ở làng lập nghiệp

Mục tiêu đề ra của Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng là động viên, thu hút một bộ phận thanh niên xung phong tình nguyện đến lập nghiệp lâu dài tại dự án. Đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động và vốn ngân sách hỗ trợ để xây dựng kinh tế gia đình phát triển bền vững; xây dựng khu dân cư mới góp phần phát triển kinh tế, xã hội trong vùng.

Dự án tuyển hồ sơ được 141 hộ là những cặp vợ chồng trẻ xung phong tới lập ấp, mở làng sinh sống, hăng hái thi đua sản xuất, trong đó có 34 hộ thuộc diện tái định cư tại chỗ (tiền thân là công nhân Lâm trường Sông Chàng, nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng). Mỗi hộ khi tham gia dự án sẽ được cấp 400m2 đất ở, 3,2 ha đất sản xuất và nhiều chính sách hỗ trợ khác. Thế nhưng, sau 16 năm, mục tiêu của dự án vẫn chưa đạt được.

Con đường vào làng dù đã được bê tông hóa nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Cổng chào cao to với dòng chữ “Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng” lọt thỏm buồn hiu hắt không một bóng người qua lại. Xa hơn một chút là những ngôi nhà cấp bốn xuống cấp, hư hỏng, cỏ mọc um tùm giữa núi đồi điệp trùng. Nhiều hộ dân đã bỏ đi không quay lại, một số hộ dân thi thoảng mới trở về nhà để xem nhà cửa rồi sau đó tiếp tục đi nơi khác làm thuê kiếm sống. Thực trạng này khiến một số cặp vợ chồng sau khi chuyển lên Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng sinh sống đã phải bỏ về nơi ở cũ. Theo tìm hiểu của Văn Hóa, trong số bốn cụm dân cư được hình thành thì chỉ có cụm dân cư số 1 là còn đông thanh niên bám trụ, sinh sống (11/14 hộ), còn ba cụm còn lại, nhiều hộ thanh niên đã bỏ làng quá nửa, thậm chí có cụm giờ chỉ còn 2, 3 hộ bám trụ.

Kể với chúng tôi về hành trình từ khi dự án triển khai đến nay, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Niên, tiền thân là dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng Trần Quốc Tuấn chia sẻ: “Mục tiêu của dự án là rất khả thi, ngày đó, làng rất nhộn nhịp, vui vẻ vì toàn gia đình trẻ. Cảnh hỗ trợ nhau xây dựng nhà cửa, khai hoang đất rừng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, đầu tư xây dựng nhà cửa... trên nền diện tích được giao rất phấn khởi”. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, giá mía giảm mạnh; cao su cho lượng mủ ít, thu nhập của người dân không được như kỳ vọng. Điều này khiến cho nhiều hộ vốn đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của, song không đạt được như mong muốn. Bên cạnh đó, việc người dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cũng tạo tâm lý thiếu ổn định và hạn chế một số nhu cầu cấp thiết của người dân, như không được thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư sản xuất. Trong khi nguồn vốn là điều các hộ gia đình đang mong đợi.

Từ những nguyên nhân trên dẫn đến việc nhiều hộ dân phải khóa cửa, bỏ nhà đi làm ăn xa. Có hộ quay về địa phương cũ để làm ăn. Nhà không người ở, bỏ hoang xuống cấp, hoang tàn; diện tích canh tác trồng keo, tràm do thiếu sự chăm sóc, cây trồng kém phát triển... đang là thực trạng diễn ra những năm qua. “Bức thiết lớn nhất của bà con bây giờ là được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Đối với diện tích đất sản xuất có thể chưa cấp, nhưng đối với diện tích đất ở thì các cấp, ngành chức năng cần tạo điều kiện để bà con “an cư”. Bởi, có cấp giấy chứng nhận QSDĐ, người dân được công nhận quyền sử dụng lâu dài trên chính thửa đất được giao, đồng thời có thể thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất”, ông Tuấn cho biết.

Khó khăn như ở Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng - ảnh 2
Cổng chào Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng

Giải pháp nào cho những người lập nghiệp?

Đi chẳng được, ở chẳng xong là tình cảnh mà hàng chục hộ dân ở Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng đang phải đối mặt. Trái với mục tiêu ban đầu của dự án là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn thì người dân ở đây lại rơi vào cảnh thiếu việc làm, túng bẩn, phải bỏ làng ra đi.

Hộ gia đình anh Lê Đình Việt, quê ở xã Yên Hùng (Yên Định) cho biết: Do thu nhập bấp bênh, cuộc sống luôn “thiếu trước, hụt sau” nên nhiều hộ gia đình còn trụ lại tại đây đang rất khó khăn. Việc các hộ dân được cấp đất nhưng do không làm được “sổ đỏ” nên muốn thế chấp đất đai để vay vốn ngân hàng, hoặc giải quyết các vấn đề về tín dụng cũng rất khó. Người dân nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết. Chính vì thế, sau 16 năm di dời lên làng, kinh tế của vợ chồng anh Việt cũng chỉ phụ thuộc vào việc chăn nuôi gia cầm, trồng rau màu nên cuộc sống rất vất vả. “Dù các hộ gia đình đều cố gắng trồng trọt, chăn nuôi để tăng gia kinh tế nhưng không đủ sống, hiện tại, phần lớn lao động trong làng đều đi “thợ hồ, thợ xây”, ai thuê làm gì làm việc đó. Vì vậy, đời sống hiện tại của anh em trong làng hết sức khó khăn. Mong lãnh đạo các cấp tạo công ăn việc làm cho anh em ổn định cuộc sống chứ hiện tại, anh em ở đây không thấy gì mà chỉ thấy đói”, một người dân ở Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng chia sẻ.

 Bất cập nhất đối với người dân làng Thanh Niên là chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ dẫn tới không có điều kiện để thế chấp vay vốn, phát triển sản xuất... Bởi, theo quy định của Luật Đất đai, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ dân còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Xuất phát từ những bất cập trên, dẫn đến một số hộ dân đành khóa cửa, bỏ nhà đi làm ăn xa. Một số hộ khác quay về địa phương cũ để làm ăn. Nhà không người ở, bỏ hoang xuống cấp, hư hỏng...

(Ông LÊ VĂN TUYÊN, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa)

Ông Lê Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết, do các sản phẩm nông sản kém hiệu quả, giá bán thấp, thu nhập của người dân không được như kỳ vọng. Theo ông Tuyên, bất cập nhất đối với người dân làng Thanh Niên là chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ dẫn tới không có điều kiện để thế chấp vay vốn, phát triển sản xuất... Bởi, theo quy định của Luật Đất đai, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ dân còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Xuất phát từ những bất cập trên, dẫn đến một số hộ dân đành khóa cửa, bỏ nhà đi làm ăn xa. Một số hộ khác quay về địa phương cũ để làm ăn. Nhà không người ở, bỏ hoang xuống cấp, hư hỏng. Với cương vị Chủ tịch xã, ông Tuyên mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện các hộ gia đình được làm “sổ đỏ”, đồng thời có những hỗ trợ các mô hình kinh tế sản xuất phù hợp cho các hộ dân phát triển.

Được biết, để tìm lối thoát cho Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng, tháng 9.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định thành lập thôn Thanh Niên, xã Xuân Hòa trên cơ sở cụm dân cư Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng. Theo quyết định, thôn Thanh Niên có diện tích 600 ha, 124 hộ dân với 320 nhân khẩu. Tuy nhiên, việc này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, năm 2021 khi làm căn cước công dân gắn chíp điện tử và làm hộ khẩu VneID, thôn Thanh Niên chỉ có 90 hộ, trong đó 67 hộ thường xuyên ở địa phương, 23 hộ không thường xuyên sống ở làng, có 51 hộ chưa có hộ khẩu VNeID tại địa phương. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc