Định vị thương hiệu cho sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên miền núi Quảng Ngãi
VHO - Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đang tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, tạo lập được thương hiệu, xây dựng bản sắc để cạnh tranh và đưa vào hệ thống phân phối ra thị trường.
Vùng nguyên liệu chè xanh ở huyện Minh Long
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi có 61 xã, trong đó có 59 xã thuộc 5 huyện miền núi: Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Minh Long và 2 xã nằm ở 2 huyện đồng bằng: Bình Sơn, Tư Nghĩa. Khu vực này có 187 nghìn người là đồng bào các dân tộc Hrê, Ca Dong và Cor, chiếm hơn 15% dân số toàn tỉnh. Đây là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững, với diện tích đất rừng, đất ven sông lớn.
Xã Long Hiệp, huyện Minh Long là nơi có hàng trăm héc ta cây chè xanh - một loại chè bản địa rất được thị trường ưa chuộng. Mới đây, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã tổ chức tập huấn thực tế truyền thông, quảng bá sản phẩm chè xanh cho thanh niên tại huyện Minh Long.
Anh Đinh Văn Khó cho biết, anh đã lên ý tưởng và tập hợp nhiều thanh niên địa phương cùng lập nên HTX Dịch vụ Nông - Lâm nghiệp Thành Tiến, liên kết cùng các hộ dân mở rộng vùng nguyên liệu và chủ động đầu ra cho cây chè xanh. Đến nay, HTX chủ động được đầu ra hơn 40ha.
Hướng dẫn cách giới thiệu hình ảnh chè xanh Minh Long trên nền tảng mạng xã hội
Kể từ khi có HTX, thu nhập của các hộ dân trồng chè xanh ở Long Hiệp dần ổn định hơn, bởi giá thu mua của HTX luôn cao hơn thương lái từ 15 - 20%. Tuy nhiên, sau gần 3 năm khởi nghiệp, các thành viên của HTX vẫn còn nhiều trăn trở. Khát vọng đưa sản phẩm chè xanh Long Hiệp vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trên địa bàn tỉnh... vẫn chưa trở thành hiện thực.
“Chúng tôi lên ý tưởng về việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, đầu tư một xưởng sơ chế chè xanh... để cây chè xanh quê hương có cơ hội được vào siêu thị, nâng cao giá bán. Nhưng từ vốn cho đến kiến thức, kỹ năng để thực hiện những điều này, chúng tôi vẫn còn yếu và thiếu, chưa biết phải bắt đầu từ đâu”, anh Khó chia sẻ.
Theo anh Khó, qua lớp tập huấn lần này thanh niên địa phương được tiếp cận cách để quảng bá sản phẩm. Giúp người tiêu dùng nghĩ đến thương hiệu chè xanh Minh Long thân thiện với thiên nhiên, với trời đất và những điều này rất hoà hợp với xu hướng hiện nay.
Tập huấn Vedu về “nâng cao năng lực xây dựng các nội dung số trên nền tảng mạng xã hội” ở huyện Sơn Tây
Sơn Bua là xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Tây. Nhằm hỗ trợ cho địa phương phát triển kinh tế nâng cao đời sống người dân, năm 2018, Trung ương đoàn, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện dự án Làng thanh niên lập nghiệp. Đây cũng là một trong 15 làng thanh niên lập nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Với sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành cũng như Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, đến nay, dự án đã cho thấy hiệu quả khi có nhiều hộ làm kinh tế rất tốt. Nhiều gia đình đã áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm tải sức người và làm tăng chất lượng, sản lượng của cây trồng, vật nuôi. Một số sản phẩm nông nghiệp của làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua ngày càng hoàn thiện và có khả năng phân phối trên thị trường.
Cây ăn quả ở Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua
Tuy nhiên, thời gian qua, địa phương vẫn đang gặp phải khó khăn trong vấn đề đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Để tận dụng ưu thế về sản phẩm và vượt qua những thách thức này, vấn đề đặt ra là cần áp dụng những biện pháp đột phá trong quản lý sản xuất, tiếp thị và phân phối nhằm tiếp cận thị trường tiêu dùng nhanh chóng và mở rộng hơn nữa.
Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã phối hợp cùng các chuyên gia thực hiện chương trình tập huấn Vedu về “nâng cao năng lực xây dựng các nội dung số trên nền tảng mạng xã hội”; Bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Ngãi năm 2023.
Anh Nguyễn Hùng Cường, thành viên làng thanh niên Sơn Bua cho biết, trước đây, các đoàn viên trong làng thường dựa vào phương pháp truyền thống để quảng bá sản phẩm, chi phí trong công tác phân phối rất cao nhưng hiệu quả thấp. “Giờ đây, nhờ sự hướng dẫn của đội ngũ giảng viên chương trình, chúng tôi đã nắm vững cách tạo hình ảnh sản phẩm đẹp và chuyên nghiệp. Các thành viên còn biết cách quay ấn phẩm quảng cáo sản phẩm để tạo ưu thế, mở ra triển vọng bứt phá từ việc cải thiện sản xuất và tiếp thị sản phẩm, giúp tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn”, anh Cường nói.
Tập huấn Vedu đã mở ra một cơ hội, tiềm năng cho sự phát triển đột phát hơn của thanh niên miền núi
Theo đó, lớp tập huấn Vedu đã mở ra một cơ hội, tiềm năng tương lai cho sự phát triển đột phát hơn của thanh niên miền núi Quảng Ngãi. Đặc biệt là trong việc phân phối sản phẩm nông sản, quảng bá văn hóa địa phương ra khắp cả nước thông qua mạng xã hội. Một trong những điểm nổi bật của chương trình là sự đào tạo và áp dụng thương mại điện tử (e-commerce) và marketing online.
Ngoài ra, xu hướng này còn được kết hợp với việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Công nghệ đối với nông nghiệp không chỉ bao gồm việc quản lý sản xuất mà còn mở ra cơ hội đổi mới trong việc quản lý tài nguyên, quản lý dữ liệu và tự động hóa quá trình sản xuất. Các học viên sau khóa đào tạo đã biết cách sử dụng công nghệ thông tin để theo dõi dữ liệu sản xuất và tạo ra kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn. Điều này giúp họ nâng cao năng suất và giảm thiểu lãng phí, cải thiện cả môi trường sản xuất và hiệu suất kinh doanh.
Livestream bán nông sản tại phiên chợ thanh niên
Để hỗ trợ thanh niên miền núi khởi nghiệp, mới đây, Hội LHTN tỉnh đã thành lập CLB Thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh, với 30 thành viên. “Câu lạc bộ là nơi để các bạn trẻ ở miền núi cùng chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau xây dựng các sản phẩm khởi nghiệp đặc trưng của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao”, Chủ nhiệm CLB, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên Phạm Thị Trầm chia sẻ.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi Lê Văn Vin cho biết, đồng hành, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, miền núi là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của tổ chức đoàn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các huyện, thị đoàn, thành đoàn và đoàn trực thuộc thành lập CLB sáng tạo trẻ, CLB khởi nghiệp nhằm tạo điều kiện sinh hoạt, giao lưu, trao đổi kiến thức, cập nhật các thông tin về hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên. Các cơ sở đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nhiều hình thức như các trang mạng xã hội, cuộc thi, tọa đàm...
NHƯ ĐỒNG