Khí chất người lính giữa thời bình

PHƯƠNG NGHI

VHO - Cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của dân tộc, lập nên nhiều chiến công hiển hách, khi trở về cuộc sống đời thường, những thanh niên ưu tú ngày xưa và nay là những cựu chiến binh (CCB) vẫn tiếp tục tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

 Khí chất người lính giữa thời bình - ảnh 1
CCB Ngô Văn Bá phát triển mô hình kinh tế gia đình hiệu quả

 Tổ quốc sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối, dù mất đi một phần thân thể hoặc mang thương tật vĩnh viễn, song với khí chất người lính Cụ Hồ, họ luôn nỗ lực phấn đấu trên mặt trận mới, trở thành những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”.

Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình

5 năm qua, phong trào thi đua “CCB gương mẫu” đã trở thành động lực để thúc đẩy cán bộ, hội viên Hội CCB Bạc Liêu phát huy phẩm chất người lính, tiếp tục cống hiến sức lực cùng Đảng bộ, nhân dân xây dựng và gìn giữ quê hương.

Đều đặn vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng, 34 hội viên Chi hội CCB ấp Hoàng Quân 1 (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) đến nhà một đồng đội sinh hoạt. Những công việc trong tháng được điểm lại, đánh giá và đưa ra định hướng hoạt động cho tháng liền kề. Trong buổi sinh hoạt tháng 7, Chi hội đã chọn phần việc xây dựng tuyến đường nối giữa lộ bờ bao sang ấp Hoàng Quân 2 trở thành tuyến đường “Sáng - xanh - sạch”, chung sức cùng Đảng bộ và người dân xây dựng Hưng Thành trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng chí Nguyễn Hồng Tính, Chủ tịch Hội CCB xã Hưng Thành cho biết: “Những năm qua, Hội vận động đóng góp quỹ được 285 triệu đồng, từ nguồn vốn này đã cho 173 lượt hội viên mượn để xoay vòng, hỗ trợ xây 36 ngôi mộ cho đồng đội. Cũng từ nhiều chương trình, chính sách ưu đãi của Nhà nước, hội viên CCB đã dựng được 30 căn nhà theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ…”.

Đồng chí Đinh Hoàng Thơm, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Trên mặt trận kinh tế, thực hiện phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, các cấp Hội CCB đã duy trì quỹ Hội và quỹ hùn vốn ở 514/514 chi hội (100%). Quỹ hùn vốn được 7,4 tỉ đồng, đã hỗ trợ giúp vốn hội viên CCB khó khăn có điều kiện sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống; quỹ Hội lũy kế được 1,8 tỉ đồng đã thực hiện tốt chính sách trong Hội như thăm hỏi hội viên ốm đau, từ trần, hoạn nạn... Ngoài ra, một số Chi hội tổ chức quỹ xây mộ đồng đội, vận động đóng góp được 225,8 triệu đồng, hỗ trợ xây 96 ngôi mộ. Nhờ vậy, trong năm 2023 đã giảm được 123 hộ CCB nghèo, hiện còn 113 hộ (chiếm 0,95%), hộ cận nghèo giảm được 166 hộ CCB, hiện còn 228 hộ (chiếm 2,43 %)”.

 Khí chất người lính giữa thời bình - ảnh 2
Chi hội CCB ấp Hoàng Quân 1 chăm sóc hàng rào cây xanh tạo cảnh quan môi trường “Sáng - xanh - sạch”

Chung tay xây dựng quê hương, đất nước

Trong cuộc sống và công tác, CCB Nguyễn Tấn Phước (ấp Bà Chăng, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) luôn nêu cao phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, tiên phong gương mẫu đi đầu, vì vậy ông được bà con quý mến, tin tưởng. Ở tuổi thanh xuân, thanh niên Nguyễn Tấn Phước tham gia vào lực lượng giao liên; đến khi đất nước thống nhất, ông lại năng nổ trong công tác chính quyền và đảm nhận nhiều vị trí quan trọng; sau khi về hưu (2020), ông được tín nhiệm bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Hội CCB TP Bạc Liêu. Tuy thời gian tham gia chưa lâu, nhưng ông đã có nhiều đóng góp cho Hội, trong đó phải kể đến việc thành lập CLB Doanh nhân CCB, cùng nhau hùn vốn mở công ty biểu diễn nghệ thuật và quảng cáo, nhằm tạo điều kiện cho hội viên phát triển sản xuất - kinh doanh, lợi nhuận thu được sẽ dùng vào việc hỗ trợ hội viên khó khăn. Đồng thời, thông qua đó nhằm bảo tồn văn hóa phi vật thể và đào tạo nghệ nhân Đờn ca tài tử.

Ngoài ra, ông Phước còn thiết kế, in ảnh Bác Hồ, sau đó phối hợp với Hội CCB TP Bạc Liêu tuyên truyền, vận động tất cả hội viên treo ảnh Bác. Ông Phước cho biết: “Thời gian tới, CLB sẽ thực hiện nhiều hơn nữa các hoạt động an sinh xã hội như tặng quà, xây mới, sửa chữa nhà cho hội viên gặp khó khăn, hỗ trợ vốn cho hội viên thực hiện mô hình kinh tế… Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần, tiếp tục phát huy tính gắn kết, tiên phong của người lính Cụ Hồ”.

Thoát ly gia đình tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, sau ngày đất nước giải phóng, CCB Ngô Văn Bá, Chi hội phó Chi hội CCB ấp 2A (xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) đã gây dựng cho gia đình mình mô hình kinh tế tôm - cua - cá hiệu quả, cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm. Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông còn tìm cách giúp những đồng đội cùng vươn lên thoát nghèo. Mỗi năm, ông bỏ tiền túi và vận động người thân, bạn bè đóng góp mua quà tặng hội viên CCB, người có công, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong ấp. Chỉ tính riêng năm 2023, ông Bá đã vận động tặng trên 240 suất quà và hiện ông vẫn đang tiếp tục duy trì công tác này.

Thông qua các phong trào hành động cách mạng ấy đã xuất hiện nhiều gương sáng CCB. Đó là ông Nguyễn Hiền Long, Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Bến Bào (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân) vận động cán bộ, hội viên và người dân trong ấp tự làm lộ bê tông với số tiền hơn 70 triệu đồng; trong đó, 32 hội viên CCB góp trên 50 ngày công lao động; ông Lê Thành Năm, Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Ninh Hiệp (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) tự nhận trách nhiệm vận động 42 hộ dân nạo vét 2 kênh thủy nông, nội đồng dài gần 2.700m...

Toàn tỉnh hiện có 7 tổ chức Hội cấp trên cơ sở, 76 cơ sở Hội, 514 Chi hội CCB ở khóm, ấp, với gần 12.000 hội viên. Dù ở cương vị công tác nào, các CCB luôn là lực lượng tiên phong, gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Chính những năm tháng gian khổ, ác liệt trong kháng chiến đã tôi luyện ý chí và nghị lực vượt khó vươn lên của họ hôm nay.