Quảng Ngãi:

Cựu chiến binh đồng bào Hrê học và làm theo lời Bác

NHƯ ĐỒNG

VHO - Phát huy tinh thần người lính bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Phạm Thanh Mong (70 tuổi) ở thôn Trà Nô, xã Ba Tô, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), đã tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất của gia đình để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học.

Cựu chiến binh đồng bào Hrê học và làm theo lời Bác - ảnh 1

Ngôi nhà của vợ chồng ông Mong nằm trên một triền dốc cao thuộc xóm Di Dời, thôn Trà Nô, xã Ba Tô

Cựu chiến binh Phạm Thanh Mong sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 17 tuổi, ông đi theo tiếng gọi non sông, tham gia hoạt động cách mạng, trở thành chiến sĩ Tiểu đoàn 20, Tỉnh đội Quảng Ngãi. Đất nước giải phóng, hòa bình lập lại, ông trở về quê hương sinh sống. Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, ông hăng say lao động, phát triển kinh tế gia đình, tham gia tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội, phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông luôn là đảng viên gương mẫu, đi đầu thực hiện việc làng, việc nước, trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Tìm đến nhà ông Mong khi mặt trời đã ngã bóng, ngôi nhà sàn nằm ở trên một triền dốc cao thuộc xóm Di Dời, thôn Trà Nô, cách Quốc lộ 24 vài chục mét. Trong nhà, không có vật dụng nào có giá trị, nhiều nhất là những tấm bằng khen, giấy khen treo cẩn thận trên tường. Đó thành quả được các cấp, các ngành ghi nhận từ sự tiên phong, gương mẫu đi đầu của gia đình ông trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông Mong chia sẻ, trước đây, gia đình ông sống ở xóm Nước Ố, khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Sau đó, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện chuyển đến nơi ở mới an toàn, đó là xóm Di Dời, nằm cạnh Trường Tiểu học Ba Tô.

Cựu chiến binh đồng bào Hrê học và làm theo lời Bác - ảnh 2
Trường Tiểu học Ba Tô được đầu tư xây dựng khang trang

Về nơi ở mới, ông Mong chứng kiến cảnh giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Ba Tô đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thầy trò phải dạy và học trong ngôi trường tạm bợ, xuống cấp. Ông thầm mong có ngày được giúp đỡ nhà trường, như để đền đáp ơn Đảng, Nhà nước đã ưu ái cho gia đình ngày rời xa chốn cũ. Hình ảnh một ngôi trường khang trang, kiên cố dần hiện ra trong tâm trí ông.

Năm 2015, hay tin trường cần quỹ đất 600m2 để đầu tư xây mới, ông Mong không ngần ngại hiến ngay một phần đất sát Quốc lộ 24 trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. “Nếu tận dụng diện tích vốn có, nhà trường mất nhiều chi phí để san lấp mặt bằng do vị trí đồi núi chông chênh. Chính vì lẽ đó, Ban giám hiệu cứ đắn đo, suy nghĩ mãi. Rất may, già Mong ngỏ ý hiến đất nên ai nấy đều vui mừng khôn tả. Được già Mong tiếp sức, nhà trường từng bước xây mới khu rèn luyện thể thao, nhà hiệu bộ, phòng học, nhờ vậy chất lượng dạy và học cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây”, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Tô Trần Văn Xuân bày tỏ.

Nói rồi, ông Mong dẫn chúng tôi ra con đường bê tông khang trang chạy ngang trước nhà, đi vào xóm Mang Ka Rế. Ông bảo, con đường này là niềm ao ước, mong mỏi của biết bao thế hệ người dân ở địa phương. Trước đây, hằng ngày, người dân phải đi con đường mòn gồ ghề, dốc cao, vực thẳm để lên nương rẫy và đến trung tâm xã. Ngày mưa gió, người dân phải gửi nhờ xe máy cho người quen ngoài Quốc lộ vì chẳng ai dám đánh cược tính mạng khi lao xe trên cung đường trơn trượt, lởm chởm đá, rất dễ ngã xuống vực sâu.

Cựu chiến binh đồng bào Hrê học và làm theo lời Bác - ảnh 3
Con đường đi lại thuận tiện cho các hộ dân ở xóm Mang Ka Rế

Năm 2016, đảng ủy và chính quyền xã Ba Tô có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 30 hộ dân ở xóm Mang Ka Rế đi lại, giao thương. Trong quá trình đo đạc, cắm mốc, khoảng 1.200m2 đất vườn của gia đình ông Mong bị ảnh hưởng. Ông Mong chẳng một chút do dự, đồng ý hiến toàn bộ diện tích đất mà địa phương cần để mở đường. Tại cuộc họp dân hôm ấy, những tràn vỗ tay vang lên, ai cũng vui mừng khôn xiết. Vào năm 2018, ông tiếp tục hiến thêm 600m2 để mở rộng tuyến đường này. Trong những lần hiến đất, ông còn đốn hạ số lượng lớn cây keo, cau đang kỳ thu hoạch; tháo dỡ vật dụng trên đất với giá trị hơn 100 triệu đồng mà chẳng đòi hỏi kinh phí bồi thường.

“Từ ngày con đường được đầu tư bài bản đã mở ra biết bao cơ hội cho người dân. Nông sản theo những chuyến xe bon bon tới chợ. Lương thực, thực phẩm từ miền xuôi chở lên tận nơi. Nhờ đó mà các gia đình có của ăn của để, thoát khỏi cảnh thiếu đói. Thấy bọn trẻ tung tăng cắp sách đến trường, có chỗ học hành, vui chơi khang trang, nói thật là vợ chồng tôi ưng cái bụng lắm”, ông Mong bộc bạch.

Cựu chiến binh đồng bào Hrê học và làm theo lời Bác - ảnh 4
Cựu chiến binh Phạm Thanh Mong cảm thấy hạnh phúc khi đóng góp cho sự phát triển của quê hương

Ông Mong kể, lần nào hiến đất tôi cũng đều bàn bạc với vợ. Lần đầu, bà gật đầu cái rẹt, nhưng những lần sau thì tỏ ra tiếc, bởi vì giá trị đất và tài sản quá lớn. Điều đó cũng dễ thông cảm vì hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Các con nay đã trưởng thành, cần đất đai để an cư lạc nghiệp, cần vốn liếng để phát triển kinh tế. Đất thì ngày càng có giá. Thế nhưng, so với trước, bây giờ cái ăn, cái mặc phần nào cũng no đủ, hiến đất làm gương cho con cháu và vì việc chung của làng, xã thì cũng chẳng thiệt vào đâu. Nhiều nơi còn phải tự bỏ đất, góp tiền để làm đường. Mưa dầm, thấm lâu và có lẽ vì yêu thương, tin tưởng tôi nên cuối cùng bà cũng đồng ý. Thế mới thấy, công tác dân vận từ trong gia đình cũng là bài toán khó.

Ông Phạm Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Ba Tô cho biết: “Ba Tô là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 20% nhưng phong trào tình nguyện hiến đất được người dân hưởng ứng rất cao. Đặc biệt, gia đình ông Phạm Thanh Mong ở thôn Trà Nô tích cực hưởng ứng. Tuy chưa về đích xã nông thôn mới nhưng các tiêu chí về giao thông, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa trên địa bàn xã đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Có được điều đó, một phần cũng nhờ ông Mong làm cầu nối”.