Sẵn sàng hiến đất để xây dựng quê hương

VHO - Nhìn từng bước chân vững chãi của già làng Quỳnh Rêh, ít ai tin rằng cụ đã gần 100 tuổi. Từ người lính tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cụ trở về quê nhà khai hoang, lập nghiệp và nuôi dạy con cháu cùng góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Sẵn sàng hiến đất để xây dựng quê hương - Anh 1

Trường Mầm non Bắc Sơn được xây dựng khang trang trên diện tích đất già làng Quỳnh Rêh tự nguyện hiến tặng

Trong căn nhà truyền thống của đồng bào Pa Cô ở thôn A Đeeng Par Lieng 2, xã Trung Sơn, huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), hai vợ chồng cụ Quỳnh Rêh đang say sưa trò chuyện, kể về niềm vui khi những đứa trẻ trong xã bắt đầu tựu trường. Ngôi nhà của già làng Quỳnh Rêh nằm cách Trường Mầm non Bắc Sơn không xa, và đó là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm của gia đình cụ.

Năm 2016, khi xã Bắc Sơn cũ (nay là xã Trung Sơn) may mắn có được chủ trương về việc đầu tư xây dựng một ngôi trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia, thay cho trường cũ chật chội đã xuống cấp, hư hại. Tuy nhiên, địa phương không có quỹ đất phù hợp đạt chuẩn để xây trường, bởi địa hình xã xung quanh là những dãy núi, diện tích đất bằng phẳng rất ít, thậm chí còn không đủ đất ở cho dân cư địa phương.

Ông Lê Văn Nghiếu, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn kể rằng: Già làng Quỳnh Rêh là đảng viên lâu năm, là người có uy tín và tiếng nói trong cộng đồng thôn, xã. Khi chúng tôi bày tỏ tâm tư, nguyện vọng tìm đất xây trường cho các cháu nhỏ, cụ đã không  ngần ngại mà đồng ý luôn. Diện tích hơn 1ha xây trường phần lớn là đất ở, đất vườn của gia đình già làng Quỳnh Rêh và con cháu cùng một số hộ dân lân cận. Không chỉ tự nguyện hiến đất, cụ cũng đã đến tận nhà các hộ dân khác trao đổi, động viên để hiến đất thuận lợi cho việc xây dựng trường.

“Dù tuổi đã cao nhưng trong những năm qua, già làng Quỳnh Rêh đã không ngần tiên phong gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách. Công tác giải phóng mặt bằng được triển khai nhanh chóng trên không gian đất của cụ, rồi các gia đình xung quanh cũng hiểu và tự nguyện làm theo. Sự đóng góp của cụ và bà con là thuận lợi rất lớn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã”, ông Nghiếu thông tin.

Sẵn sàng hiến đất để xây dựng quê hương - Anh 2

Vợ chồng già làng Quỳnh Rêh vui vẻ chia sẻ về những mong muốn đóng góp cho công cuộc xây dựng quê hương

Già làng Quỳnh Rêh nói với chúng tôi rằng, khi cách mạng tháng Tám năm 1945, cụ đã theo Cách mạng. Rồi sau đó lại tiếp tục làm bộ đội Trường Sơn tham gia chống Mỹ. Những năm tháng chiến tranh gian khó, nguy hiểm đó không làm cụ chùn bước thì việc hi sinh một phần đất của mình có là gì. Nhìn con cháu, những trẻ em trong xã có môi trường học tốt hơn, văn minh hơn lòng càng vui mừng và hạnh phúc.

“Khi cán bộ xã trao đổi, tôi đã quyết định hiến đất luôn mà không cần tổ chức cuộc họp gia đình, con cái gì cả. Sợ họp rồi mỗi người mỗi ý, mất thời gian cho việc triển khai công trình. Vậy nhưng sau đó con cái ai cũng đồng tình, hưởng ứng…”, già làng Quỳnh Rêh kể.

Cô Trần Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bắc Sơn chia sẻ: Trường cũ trước đây có diện tích nhỏ hẹp lại xuống cấp, hư hại, khó khăn cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Đến năm 2021, cô và trò của trường rất vui mừng được bước vào ngôi trường mới tại thôn A Đeeng Par Lieng 2, với không gian rộng rãi, khang trang và đầy đủ các phòng học, phòng chức năng. Từ đó, Hội đồng sư phạm nhà trường cùng các phụ huynh cùng nhau góp công góp sức xây dựng cảnh quan xung quanh trường, tạo dựng các không gian vui chơi, góc trải nghiệm cho trẻ… Không lâu sau, trường đã đón bằng đạt chuẩn Quốc gia.

“Để có được ngôi trường “cổ tích” này, già làng Quỳnh Rêh và một số hộ dân đã tự nguyện hiến đất xây trường. Chúng tôi rất biết ơn và luôn tri ân sự đóng góp của già làng Quỳnh Rêh. Nhờ có ngôi trường này, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng được nâng cao, đội ngũ giáo viên yên tâm công tác. Các cháu được vui chơi, học tập trong môi trường sạch đẹp, an toàn, giúp trẻ phát triển toàn diện…, góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục tại huyện A Lưới”- cô Trần Thị Hà nhấn mạnh.

Sẵn sàng hiến đất để xây dựng quê hương - Anh 3

Già làng Quỳnh Rêh cho biết cụ rất vui và hạnh phúc khi thấy trẻ con của thôn bản được học ở ngôi trường đạt chuẩn

Đây không phải là lần đầu tiên già làng Quỳnh Rêh hiến đất xây trường học, mà trước đó từ năm 2005, khi công trình đường Hồ Chí Minh qua huyện miền núi A Lưới được hoàn thành, cụ và những người em ruột đã tự nguyện hiến một phần lớn diện tích đất trồng trọt của các gia đình để mở một con đường. Con đường dài 700m, nối từ khu dân cư ra đường Hồ Chí Minh, giúp bà con đi lại thuận lợi hơn; và con đường đó cũng đi ngang qua Trường Mầm non Bắc Sơn sau này.

Già làng Quỳnh Rêh đứng vào hãng ngũ của Đảng từ năm 1968, đến nay đã tròn 55 năm tuổi Đảng, và cũng là một trong những người tiên phong trong các hoạt động của địa phương để phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Nông thôn mới, làm cầu nối đoàn kết giữa các dòng họ, cộng đồng dân cư trên địa bàn. Sau khi đất nước giải phóng, cụ được phân công về làm cán bộ ở xã rồi giữ chức xã đội trưởng, cho đến năm 1990 thì nghỉ hưu. Vậy nhưng, với sự tận tâm của một người bộ đội cụ Hồ, cụ vẫn tiếp tục lan truyền những giá trị văn hóa, kết nối đồng bào, vận động nhân dân đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Những khúc mắc, tranh chấp đất đai, nương rẫy giữa các dòng họ được già làng Quỳnh Rêh kịp thời hòa giải. Nắm được những khó khăn của các hộ gia đình, cụ nhanh có mặt chia sẻ, động viên, giúp đỡ; góp phần giữ gìn bình yên cho thôn bản… Với nhiều người dân ở địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ, già làng Quỳnh Rêh là “tấm gương” để cộng đồng học tập, noi theo.

Nhiều năm qua, già làng Quỳnh Rêh đã được chính quyền các cấp trao tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen, Huân chương… Năm 1996, cụ vinh dự được Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì vì đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; cùng những Bằng khen của Trung ương, địa phương về những đóng góp, cống hiến của già làng Quỳnh Rêh… Bây giờ, có 2 người con ruột của cụ đã nghỉ hưu, và tiếp bước trao truyền, dạy bảo con cháu, cùng nhau tiên phong thực hiện các phong trào của địa phương.

Nhờ già Quỳnh Rêh tiên phong hiến đất làm đường, xây trường học mà thời gian qua địa phương đã huy động bà con nhân dân tự nguyện đóng góp hàng ngàn ngày công lao động và hiến tặng hơn 5 ha đất để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi phục vụ xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, 100% hộ dân ở xã đều có đường bê tông từ đường liên thôn vào tận nhà, bộ mặt nông thôn mới của địa phương đã có nhiều khởi sắc.

Bài, ảnh: SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc