Keng Đu - Nơi sừng sững hai “cổng trời”

VHO- Trải qua bao biến cố, vượt qua bao khó khăn, vất vả, đồng bào các dân tộc ở xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn bám trụ trên mảnh đất tổ tiên, giữ vững từng tấc đất, mảnh rừng nơi biên giới. Từ một vùng heo hút, xa xôi miền Tây xứ Nghệ, giờ đây đến với Keng Đu, du khách gần xa không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của đồng bào Thái, Khơ Mú nơi “cổng trời”…

Keng Đu - Nơi sừng sững hai “cổng trời” - Anh 1

 “Cổng trời” Huổi Lê mờ ảo trong mây

 Đến với đại ngàn

Theo con đường độc đạo chạy quanh những vách đá dựng đứng lên đến “cổng trời” Huồi Lê (cao hơn một nghìn mét so với mặt nước biển), ngoái nhìn lại, đường trông giống như một sợ chỉ đỏ uốn lượn ngang sườn núi. Càng lên cao, gió càng lồng lộng và tê buốt. Bí thư UBND xã Keng Đu Lương Văn Ngam hồ hởi ra đón chúng tôi: “Những ai vượt được cổng trời vào đây đều là khách quý của bản”.

Khí hậu ở Keng Đu khá khắc nghiệt, ngày nắng nóng như hun, đêm đôi lúc nhiệt độ xuống đến 0oC. Người dân Keng Đu tự hào bởi nơi đây được án ngữ bởi hai cổng trời Huồi Lê và Huồi Ling. Đứng trên cổng trời Huồi Ling có thể nhìn thấy rõ bản làng của nước bạn Lào. Trước đây, nhiều xã biên giới Kỳ Sơn là điểm nóng thẩm lậu ma túy từ bên kia biên giới sang, thì ở Keng Đu nhờ “cổng trời” Huồi Ling cao vút trấn giữ nên vẫn bình yên. Theo lời già bản, Keng Đu cắt nghĩa theo tiếng Thái là vùng đất của loài “mạy đu” (gỗ đinh hương), nằm gần thác nước thượng nguồn sông Nậm Nơn, cạnh đó là rừng đinh hương nguyên sinh bạt ngàn nên ghép lại thành tên gọi của xã bây giờ. Nay, rừng đinh hương trên dải đất này đã bị khai thác đến cùng kiệt, chỉ còn lại ba cây to gần thác nước “được giữ làm kỷ niệm”.

Bí thư UBND xã Keng Đu Lương Văn Ngam cho biết: “Ngày trước ở Huồi Lê, Huồi Pía hoa anh túc nở tím trời. Mùa thu hoạch nhựa, người đến Keng Đu nhộn nhịp như đi hội. Nhờ nhựa thuốc phiện, nhiều nhà mua được trâu, bò, ngựa, có người mua được cả xe máy... Nhưng thuốc phiện cũng khiến nhiều nhà điêu tàn vì nghiện ngập, nợ nần. Năm 1995, nhà nước có chủ trương xóa bỏ trồng cây thuốc phiện. Ngày đó, già Phò Học được giao làm tổ trưởng xóa thuốc phiện bản Huồi Lê. Kiên trì vận động, thuyết phục, sau bốn năm, Huồi Lê, Huồi Phuôn, Hạt Tà Vén, Huồi Ling, Kẹo Kơn… cũng phá bỏ được cây anh túc. Bà con ở đây đa phần người Khơ Mú, sinh sống bằng nghề đan lát. Trải qua bao thế hệ lưu truyền từ đời trước sang đời sau, đồng bào Khơ Mú đã đúc rút ra kinh nghiệm: Làm rẫy no ăn, đan mây ấm mặc”.

Keng Đu - Nơi sừng sững hai “cổng trời” - Anh 2

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Keng Đu thường xuyên tuyên truyền pháp luật, giúp đồng bào thực hiện nếp sống mới

Đánh thức Keng Đu

Chủ tịch Mặt trận xã Lương Phò Xơ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vui, trước đây đến đầu bản Huồi Khuôn là gặp ngay khẩu hiệu “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Keng Đu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” khiến ai cũng bật cười. Mục tiêu của Keng Đu là phải thay đổi tư duy, từng bước thoát nghèo, mỗi bản phải xây dựng được vài mô hình kinh tế chứ chưa thể nghĩ đến chuyện công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Cũng từ đó mà cán bộ xã Keng Đu từng bước thay đổi nhận thức, bắt đầu nghĩ đến chuyện thoát nghèo dựa vào điều kiện từng bản. Phong trào xây dựng các mô hình kinh tế bắt đầu nở rộ. Mô hình hiệu quả đầu tiên là gia đình ông Cụt Phò Lan ở bản Huồi Khuôn, ông Moong Phò Lư ở bản Huồi Phuôn 2... Với một con trâu, gia đình Phò Lan mạnh dạn vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội, mua thêm trâu giống về để nhân đàn. Lúc đầu, do theo tập tục cũ thả rông nên trâu bị bệnh dịch. Sau đó, ông học cách làm chuồng, nuôi nhốt, vỗ béo trâu rồi dựng trang trại nuôi tập trung. Từ 10 mô hình có sự hỗ trợ ban đầu của nhà nước ở 10 bản, đến nay người dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng trang trại, gia trại để nuôi trâu, bò, dê, lợn đen, gà thả đồi…

Keng Đu - Nơi sừng sững hai “cổng trời” - Anh 3

Đồng bào Khơ Mú ở Keng Đu được hỗ trợ giống ngô lai để phát triển kinh tế

Ông Lương Văn Ngam, Bí thư Đảng ủy xã Keng Đu cho biết: Keng Đu là xã tiếp giáp hai cụm bản Huồi Lôm, Bò Nhia của huyện Noọng Hét (Lào), đường biên giới dài 25km. Keng Đu có hơn 970 hộ, hơn bốn nghìn khẩu với 9/10 bản có 100% đồng bào Khơ Mú. Người Keng Đu đã dần quen với trồng ngô lai trên đất dốc, khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước ven khe suối. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống gần 65%, so với 90% như trước đây, quả là kỳ tích! Cuộc sống được cải thiện, phong trào văn hóa phát triển, xã đã xây dựng được 5 bản văn hóa. Keng Đu còn là điểm sáng về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của huyện. Bí thư xã Lương Văn Ngam khẳng định, cùng với việc thay đổi tư duy thì một trong những nhân tố để Keng Đu thoát nghèo là sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành từ huyện, tỉnh và Trung ương.

Thời gian qua, Đồn Biên phòng Keng Đu đã đồng hành, “cầm tay chỉ việc” hỗ trợ bà con nơi đây nâng cao chất lượng đời sống. Trung tá Trần Văn Thế, Chính trị viên Đồn biên phòng Keng Đu cho biết, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đã tích cực tham mưu và cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con nhân dân triển khai nhiều mô hình sinh kế, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Góp phần giúp học sinh vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với máy vi tính và Internet, từ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm, Đồn Biên phòng Keng Đu, BĐBP Nghệ An đã triển khai dạy miễn phí tin học cơ bản cho các em học sinh Trường PTDT bán trú THCS Keng Đu. Lớp học được duy trì vào các buổi chiều hằng tuần để các cháu có thời gian tham gia. Thiết bị máy móc, người giảng dạy đều do Đồn biên phòng Keng Đu bố trí, đảm bảo.

Từ cổng trời “Huồi Ling” trở về miền xuôi, chúng tôi nhớ lời Bí thư xã Keng Đu nói, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa từ hai cổng trời Keng Đu đã được Chính phủ mở, miền biên viễn trở nên sầm uất hơn, nhưng đường sá lưu thông nhiều bản còn khó khăn. Và cái khó nhất của người dân Keng Đu là thiếu nước sinh hoạt. Đúng là Keng Đu đã được “đánh thức”, nhưng để Keng Đu “tỉnh hẳn” thì vẫn còn phải nhiều việc phải làm. Hy vọng, trong tương lai miền biên viễn này sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn khám phá những vùng đất lạ.

PHẠM NGÂN

 

Ý kiến bạn đọc