Kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số xanh cấp tỉnh của Quảng Nam

THU HOÀI

VHO - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số xanh của tỉnh trong năm 2024 và giai đoạn 2025-2030 nhằm mục đích cải thiện và nâng cao kết quả đánh giá chỉ số xanh của tỉnh một cách bền vững.

Đồng thời tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng về ý nghĩa và tầm quan trọng của chỉ số xanh cấp tỉnh (Provincial Green Index - PGI ).

Duy trì và cải thiện kết quả, thứ bậc xếp hạng chỉ số PGI của tỉnh, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường đảm bảo phát triển bền vững tại tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới.

Kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số xanh cấp tỉnh của Quảng Nam - ảnh 1
Triển lãm kêu gọi ngưng ăn thịt thú rừng trong khuôn khổ Năm phục hồi đa dạng sinh học tổ chức tại Quảng Nam năm 2024

Theo kết quả do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI công bố), chỉ số PGI năm 2023 của tỉnh Quảng Nam là 22,84 điểm, xếp vị trí thứ 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và vị trí thứ 3/14 tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải miền Trung. So với kết quả xếp hạng năm 2022 thì chỉ số PGI năm 2023 tăng 9 bậc.

Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) là bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng chất lượng quản trị môi trường địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh cũng như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường; mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể đặt ra cải thiện điểm số, duy trì vị trí xếp hạng chỉ số PGI của tỉnh thuộc thứ hạng trong nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và vị trí nhóm 5 các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải miền Trung. 

Một số giải pháp cải thiện chỉ số PGI như xanh hóa sản xuất, thương mại, dịch vụ và tiêu dùng; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số xanh cấp tỉnh của Quảng Nam - ảnh 2
Cộng đồng chung tay thu gom rác thải nhựa tại các bãi biển ở Quảng Nam

Nghiên cứu xây dựng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, giảm phát thải cac-bon, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả về năng lượng, tài nguyên; sử dụng các nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu thân thiện với môi trường.

Thu hút đầu tư phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh doanh tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên; quan tâm xúc tiến dự án đầu tư có tính thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh,…

Kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số xanh cấp tỉnh của Quảng Nam - ảnh 3
Hoạt động thu gom, đổi rác thải nhận quà tặng

Quy hoạch và phát triển khu công nghiệp, khu đô thị theo hướng sinh thái; Phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ thân thiện với môi trường.

Chỉ số PGI được xây dựng dựa trên cách thức sử dụng dữ liệu từ các nguồn chính thức đã được công bố của Bộ, ngành và dữ liệu từ khảo sát doanh nghiệp được VCCI bắt đầu triển khai từ năm 2022 và tổ chức công bố hàng năm.

Tăng cường các giải pháp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao các Sở, Ban, ngành, địa phương chủ trì nhiệm vụ cải thiện từng chỉ tiêu thuộc các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số PGI.

Trong đó giao Sở VHTTDL tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy phát triển du lịch xanh trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu tiềm năng, lợi thế để xây dựng những sản phẩm du lịch xanh đặc trưng gắn với thương hiệu du lịch Quảng Nam.

Nghiên cứu các chính sách khuyến khích tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và các dịch vụ du lịch với những điều kiện cụ thể ở mỗi địa phương.

Kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số xanh cấp tỉnh của Quảng Nam - ảnh 4
Di sản Mỹ Sơn đạt chứng nhận du lịch xanh ở hạng mục điểm tham quan, mức 3/3 lá sâm Ngọc Linh theo tiêu chí Bộ Du lịch xanh tỉnh Quảng Nam

Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng gắn với không gian tự nhiên sông biển và chăm sóc sức khoẻ, du lịch cộng đồng, nghiên cứu văn hóa kết hợp trải nghiệm.

Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là chuỗi liên kết du lịch đáp ứng bộ tiêu chuẩn du lịch quốc tế, đi đôi với bảo tồn, phát triển di tích, di sản, cảnh quan thiên nhiên, quảng bá hình ảnh, văn hóa con người Quảng Nam.