Chuyển đổi năng lượng xanh – kinh tế xanh trong ngành công nghiệp
VHO - Chiều 24.5 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh đã diễn ra Diễn đàn “Thực trạng và giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh – kinh tế xanh ngành công nghiệp”.
Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh – kinh tế xanh. Chương trình do tỉnh Bắc Ninh phối hợp Báo Xây dựng tổ chức.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng Biên tập Báo Xây dựng cho biết: Chuyển đổi năng lượng xanh đang là xu thế tất yếu của thế giới nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ đưa mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net zero). Có thể thấy, quá trình chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, tăng thị phần, doanh thu và khả năng giữ chân khách hàng, đối tác. Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong chuyển đổi xanh, tạo lợi thế cạnh tranh để phát triển.
Đây sẽ là Diễn đàn chuyên sâu nhằm đưa ra những phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc phát triển kinh tế tuần hoàn; cung cấp kiến thức cho doanh nghiệp về các phương pháp, tiêu chuẩn kiểm kê; tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp...về sử dụng dữ liệu phát thải, phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp công nghiệp, xây dựng và cơ sở hạ tầng.
Thông tin tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, theo số liệu kiểm kê, tổng phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014 là 59,91 triệu tấn CO2 tương đương và năm 2022 là 101,89 triệu tấn CO2 tương đương. Sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng sử dụng năng lượng và lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, đất sét.
Bên cạnh đó, việc phát thải từ quá trình sử dụng điện lưới cho các hoạt động sản xuất, thương mại đã được tính đến trong hệ thống kiểm kê quốc gia thuộc nhóm sản xuất năng lượng và được xem là phát thải gián tiếp. Việc giảm nhu cầu sử dụng điện trong hoạt động sản xuất cũng sẽ đóng góp vào giảm nhu cầu sản xuất năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Vào cuối năm 2022, Việt Nam đã công bố “ Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đối năng lượng công bằng” (JETP) và triển khai các hoạt động hợp tác song phương và đa phương khác nhằm thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế cho các hoạt động đầu tư vào nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính cho phát triển sản xuất công nghiệp. Hệ thống văn bản pháp luật, các quy định, hướng dẫn kỹ thuật đang dần được hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh hướng đến phát thải ròng bằng “ 0 ” vào năm 2050.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, để giải quyết các vấn đề nêu trên trước mắt và lâu dài, cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh kiến tạo thể chế, chính sách cho tăng trưởng xanh đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 ở Việt Nam. Tăng cường đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo; xây dựng chính sách, công cụ về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh và bảo hiểm xanh; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh. Và cuối cùng là nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh.
Tại Diễn đàn, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trựcUBND tỉnh Bắc Ninh thông tin, Bắc Ninh có quy mô nền kinh tế GRDP đạt 220 nghìn tỷ đồng - đứng thứ 9 cả nước; thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 10, Xuất nhập khẩu đạt 73,6 tỷ USD – đứng thứ 2. Phát triển công nghiệp của tỉnh đã và đang “là khâu đột phá”, quy mô công nghiệp tăng nhanh.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, đứng thứ nhất cả nước; thu hút FDI đứng thứ 7 cả nước, đạt trên 26 tỷ USD, Đã thu hút nhiều tập đoàn lớn như: Samsung, Canon; Goertek, Amkor …) đã đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Công tác quy hoạch được triển khai theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 60,3%. Bắc Ninh đang tập trung hoàn thiện các tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
Cùng với mục tiêu phát triển KT-XH, tỉnh Bắc Ninh cũng đã sớm định hướng cùng với tăng trưởng kinh tế là quan tâm đến bảo vệ môi trường, quan tâm đến văn hóa xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.Trong quá trình thực hiện, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo công bố đánh giá chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố vào tháng 4.2023, Bắc Ninh đứng thứ 3 cả nước.
Tuy nhiên, ông Vương Quốc Tuấn cũng thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh nói chung và vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh trong ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế (ví dụ như vấn đề ô nhiễm công nghiệp làng nghề, vấn đề chuyển đổi công nghệ cao, công nghệ sạch của doanh nghiệp…).
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học đã nêu lên thực trạng, giải pháp về phát triển bền vững, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh , sản xuất xanh. Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) trình bày về xu hướng phụ thuộc vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu ngày càng tăng; PGS.TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh – Biến thách thức thành cơ hội cho doanh nghiệp…
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã có những thảo luận, trao đổi về một số nội dung liên quan đến thúc đẩy tài chính bền vững tại Việt Nam; Xu hướng chuyển đổi năng lượng sạch; Phát thải khí nhà kính – Những tác động của khí nhà kính và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; Gia tăng hiệu suất và lợi ích ESG cho các KCN...