Nâng cao năng lực, trình độ để chị em thích ứng với chuyển đổi số

NGUYỆT MINH

VHO - Trung ương Hội LHPN Việt Nam vừa phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo quốc gia về “Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam” tại Hà Nội và kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.

Nâng cao năng lực, trình độ để chị em thích ứng với chuyển đổi số - ảnh 1

 Phụ nữ được quyền bình đẳng tham gia vào quá trình chuyển đổi số

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn thế giới, là yêu cầu cấp thiết, khách quan đối với sự phát triển của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào quá trình chuyển đổi số không chỉ là vì mục tiêu bình đẳng giới mà còn mang lại lợi ích kinh tế và hiệu quả cho chuyển đổi số khi quá trình này có được quan điểm, kinh nghiệm của tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội.

Thực tế cho thấy, bên cạnh khoảng cách giới về lực lượng lao động trong ngành công nghệ và công nghệ số thì còn có không ít các vấn đề kinh tế - xã hội khác đang đặt ra đối với phụ nữ trong tiếp cận, sử dụng và thụ hưởng từ công nghệ số. Chẳng hạn, một bộ phận lao động nữ chưa được đào tạo kỹ năng nghề để đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hiện đại; phụ nữ nông thôn, cao tuổi, vùng sâu, vùng xa, dân tộc khó và chậm tiếp cận công nghệ thông tin; quan hệ gia đình lỏng lẻo, thiếu tương tác giữa các thế hệ do khoảng cách số; vấn đề an toàn thông tin, nguy cơ tiếp cận các thông tin sai lệch, độc hại; tình trạng bảo mật thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư bị xâm phạm; phụ nữ, trẻ em gái bị xâm hại trên không gian mạng...

Theo bà Hương, trong thời gian tới, các Bộ, ngành cần phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tổ chức các buổi tọa đàm để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho chị em phụ nữ, nâng cao năng lực, trình độ để chị em thích ứng với chuyển đổi số. Để rút ngắn khoảng cách về bình đẳng giới, công nghệ có thể được coi như một cầu nối để phụ nữ trau dồi kiến thức, hòa nhập với lợi ích tập thể, cá nhân và gia đình. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các nhóm phụ nữ yếu thế, đặc thù...

Tại Hội thảo, các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học đã chia sẻ, trao đổi thông tin liên quan đến hai chủ đề chính: Những vấn đề lý luận và bối cảnh chung của chuyển đổi số hiện nay và Chuyển đổi số trong hoạt động Hội LHPN Việt Nam. Đặc biệt, Hội thảo tập trung cung cấp các thông tin quan trọng cả về lý luận và thực tiễn để xây dựng Đề án hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số đến năm 2030 trình Chính phủ phê duyệt, góp phần thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia.