Ninh Thuận:

Huyện Ninh Phước quan tâm đào tạo nghề lao động nông thôn, vùng nghèo, khó khăn

XUÂN HƯỚNG

VHO - Phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững cho lao động nông thôn (LĐNT), nhất là vùng nghèo, khó khăn đang được UBND huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) quan tâm, nhân rộng. Thông qua đây, nhiều LĐNT, vùng nghèo, khó khăn vận dụng các kiến thức đã học, mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập hướng tới thoát nghèo bền vững.

Huyện Ninh Phước quan tâm đào tạo nghề lao động nông thôn, vùng nghèo, khó khăn - ảnh 1
Các đối tượng học nghề vui mừng hoàn thành chương trình học nghề tại huyện Ninh Phước

Theo đó, UBND huyện Ninh Phước giao Phòng LĐ,TB&XH chủ trì, phối hợp hướng dẫn các địa phương (xã, thị trấn) xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đào tạo nghề LĐNT, vùng nghèo, khó khăn; đôn đốc kiểm tra, giám sát và thực hiện báo cáo định kỳ cho UBND huyện và tỉnh; trực tiếp hướng dẫn công tác đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho LĐNT.

Có kế hoạch cùng với UBND các xã, thị trấn và các cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát các lớp học nghề, nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những hạn chế thiếu sót trong quá trình đào tạo, bảo đảm các lớp đào tạo đúng thời gian, đúng nội dung chương trình và bảo đảm chất lượng để sau khi đào tạo học viên có khả năng tạo việc làm hoặc áp dụng vào sản xuất kinh doanh tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.

 Báo cáo của UBND huyện Ninh Phước cho biết: Tính đến tháng 9.2024, đơn vị đã thực hiện giải ngân 14 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn (8 lớp nông nghiệp và 6 lớp phi nông nghiệp, 506 học viên (266 nữ; 111 người thuộc hộ nghèo; 315 người thuộc hộ cận nghèo; 257 người thuộc dân tộc thiểu số), kinh phí thực hiện 1,105 tỉ đồng.

Huyện Ninh Phước quan tâm đào tạo nghề lao động nông thôn, vùng nghèo, khó khăn - ảnh 2
Huyện Ninh Phước ngày càng đổi mới và phát triển

Từ nay đến hết năm 2024, UBND huyện Ninh Phước giao Phòng LĐ,TB&XH phối hợp với các xã, thị trấn tiếp tục mở thêm các lớp đào tạo nghề cho các đối tượng trên.

Cùng với đó, UBND huyện đã tổ chức Hội nghị gặp mặt và tư vấn đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài cho cho 609 quân nhân xuất ngũ và người lao động; các xã, thị trấn thực hiện điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm.

Đại diện Phòng LĐ,TB&XH huyện Ninh Phước cho biết: Đến nay, công tác giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững cho LĐNT, nhất là vùng nghèo, khó khăn trên địa bàn huyện triển khai đồng bộ và hiệu quả. Các đối tượng tại các lớp học nghề phần lớn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, NLĐ có thu nhập thấp; NLĐ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số; LĐNT theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17.10.2016 của Bộ Tài chính và Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 40/2019/TT-BTC ngày 28.6.2019 của Bộ Tài chính.

Huyện Ninh Phước quan tâm đào tạo nghề lao động nông thôn, vùng nghèo, khó khăn - ảnh 3
Nghề làm gốm Chăm ở huyện Ninh Phước

Trong khi đó, Nguyễn Thị Yến Thu, Trưởng phòng VHTT huyện Ninh Phước cho biết: Phòng VHTT thường xuyên phối các xã, thị trấn trong huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về đào tạo nghề cho LĐNT, vùng nghèo, khó khăn nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận nhất trí cao trong cả hệ thống chính trị và nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT, vùng nghèo, khó khăn.

Báo cáo công nhận kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021-2025 huyện Ninh Phước cho biết: Cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo 5,51% (2.188 hộ), hộ cận nghèo còn 8,82% (3.503 hộ). Đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm hộ nghèo giảm còn 1,84% (758 hộ), hộ cận nghèo giảm còn 5,70% (2.347 hộ). Đến năm 2024, tổng số hộ nghèo sau điều tra 474 hộ, chiếm tỷ lệ 1,15%, giảm 0,31% so với cuối năm 2023; tổng số hộ cận nghèo 2.068 hộ, chiếm tỷ lệ  5,01%, giảm 0,69% so với cuối  năm 2023. Với kết quả trên, công tác giảm nghèo bền vững UBND huyện Ninh Phước đã đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra.

Ông Ngô Khánh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm bền vững cho LĐNT, nhất là lao động vùng nghèo, khó khăn trên địa bàn huyện đạt được kết quả hôm nay là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt và thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Sở, ngành có liên quan.

Huyện Ninh Phước quan tâm đào tạo nghề lao động nông thôn, vùng nghèo, khó khăn - ảnh 4
Nhờ được hướng dẫn, nông dân ở Ninh Phước sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả

Cùng với đó, là sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp  của Huyện ủy, HĐND huyện; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời và tinh thần trách nhiệm cao trong triển khai tổ chức thực hiện của các cấp, ngành đã tác động tích cực đến hiệu quả của công tác giảm nghèo. Các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống và được Nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương vẫn còn một số khó khăn: Cán bộ phụ trách giảm nghèo ở một số xã, thị trấn còn kiêm nhiệm và luôn có sự biến động; công tác triển khai và thực hiện mở lớp dạy nghề còn chậm do đa số lực lượng lao động đều đi làm ăn xa, dẫn đến đối tượng tham gia học nghề ngày càng giảm; chưa có quy định cụ thể về hộ gia đình có thu nhập thấp,…

Trong thời gian tới, ngoài đào tạo nghề cho LĐNT, vùng nghèo, khó khăn, UBND huyện Ninh Phước sẽ yêu cầu các phòng, ban, xã, thị trấn tuyện huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khó khăn khác.