Hiểm hoạ mất an toàn từ những cây cầu xuống cấp ở Nghệ An
Sử dụng nhiều năm, thiếu kinh phí bảo dưỡng nên phần lớn những cây cầu treo trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị xuống cấp, hư hỏng. Nguy hiểm rình rập từ những cây cầu ‘tử thần’ này nhưng người dân vẫn liều mình để qua lại mỗi ngày.
Người dân hai đầu cầu treo sông Giăng, thuộc xóm Chợ Chùa, xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến vụ tai nạn ô tô tông xe máy rồi lao xuống sông khiến 5 người tử vong (trong đó 4 thi thể dưới sông, 1 người ở trên cầu). Không khí tang thương bao trùm 5 ngôi nhà nhỏ ở 2 xã nghèo của huyện Thanh Chương là xã Thanh Nho và xã Thanh Liên. Tiếng khóc thảm thiết của những người bà, người mẹ, người vợ khiến cho ai có mặt cũng không cầm được nước mắt. 5 nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn đều ở tuổi đời còn rất trẻ, là lao động chính và là trụ cột của gia đình.
Vào khoảng 19h50 ngày 4.10 trên cầu treo sông Giăng (nối xã Thanh Liên - Phong Thịnh, huyện Thanh Chương), xe ôtô mang BKS 30A-93.553 do Nguyễn Thế Tuấn điều khiển chở theo Lê Đình Anh và anh Lê Đình Quyết đã va chạm với xe máy BKS 72 G1- 135.79 do Đào Văn Nam (xã Thanh Liên) điều khiển, chở theo Hoàng Anh Tuấn (SN 1992). Hậu quả, xe ô tô rơi xuống sông Giăng, các nạn nhân tử vong. Nạn nhân ít tuổi nhất là anh Đào Văn Nam (27 tuổi), nạn nhân nhiều nhất là anh Lê Văn Quyết (44 tuổi). Những người còn lại lần lượt là Hoàng Anh Tuấn (28 tuổi), Lê Thế Anh (37 tuổi) và Nguyễn Thế Tuấn (39 tuổi). Từ công tác khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng đã xác định nguyên nhân sơ bộ dẫn đến tai nạn do người điều khiển ô tô không làm chủ tốc độ. Thêm vào đó, do cây cầu treo đã xuống cấp, có tuổi thọ trên 30 năm, nên khi xe đi tốc độ cao đã xảy ra có rung lắc làm tăng thêm nguy cơ dẫn đến tai nạn.
Cầu treo sông Giăng đã đưa vào sử dụng 33 năm xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết: Cầu treo sông Giăng (Thanh Chương, Nghệ An), nơi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc khiến 5 người tử vong đã được xây dựng từ 33 năm trước. Mặc dù đã xuống cấp nhưng hàng ngày cây cầu vẫn phải gồng mình “gánh” một lượng phương tiện rất lớn lưu thông trên quốc lộ 46C. Cầu treo sông Giăng là cây cầu dân sinh quan trọng phục vụ đi lại, sản xuất của bà con nhân dân 10 xã vùng Cát Ngạn với trung tâm huyện. Trải qua hàng chục năm sử dụng, đến nay cầu treo sông Giăng rất yếu, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Cơ quan quản lý đường bộ cũng đã lắp biển cảnh báo, hạn chế tải trọng qua cầu. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp tu sửa cầu hoặc xây cầu mới để người dân đi lại thuận lợi, an toàn hơn”.
Năm 2017, cầu treo sông Giăng được chuyển giao cho Cục Quản lý Đường bộ II (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) quản lý. Cục QLĐB II đã có văn bản đề nghị cho phép sửa chữa cầu theo dự án cấp bách sửa chữa thay thế cầu yếu do JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) hỗ trợ vốn nhưng không được phê duyệt. Do cầu rất yếu nên đơn vị đã cho cắm biển hạn chế tải trọng chỉ cho phép xe dưới 7 tấn lưu thông, đồng thời cắm biển cảnh báo cầu yếu, làm thanh chắn giới hạn khổ phương tiện, nguy cơ mất an toàn giao thông luôn tiềm ẩn.
Tại cầu treo Phà Lài bắc qua thượng nguồn sông Giăng thuộc địa bàn xã biên giới Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An) nằm trên tuyến đường độc đạo vào 2 bản người Đan Lai cũng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, uy hiếp tính mạng người dân. Anh La Văn Tình, bản Xiềng vừa dẫn chúng tôi đi trên cầu vừa cho biết nên đi chậm khi mặt cầu này đã bị mục, nhiều mảnh ván đã rơi xuống sông để lại những lỗ hổng lớn trên mặt cầu. “Hằng ngày, tôi và bà con trong bản phải đi lại qua cầu này, ai đi qua cầu cũng sợ lắm, nhưng bà con trong bản vẫn phải đi qua cầu vì đây là tuyến đường độc đạo. Mỗi lần di chuyển người dân chỉ sợ trượt chân rơi xuống sông, nên khi đi qua cầu cần phải đi thật chậm để cầu không bị lắc mạnh”, anh Tình nói.
Cầu treo Phà Lài, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông được đưa vào sử dụng từ năm 2013, sau vài năm đưa vào sử dụng, chiếc cầu đã xuống cấp nghiêm trọng và nhiều lần phải sửa chữa. Thực trạng cho thấy, nhiều thanh sắt bảo vệ 2 bên lan can cầu đã bị kẻ gian lấy cắp, gây mất an toàn cho người và phương tiện khi đi qua cầu. Những tấm gỗ dùng để lát mặt cầu nay đã bị mục, nhiều mảnh ván đã rơi xuống sông để lại những lỗ hổng lớn trên mặt cầu. Hàng trăm đinh ốc, vít sắt cố định các tấm gỗ lát mặt cầu đã bị mất chỉ còn trơ lại khung, nhiều nẹp sắt bật lên gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Phần lan can yếu được buộc tạm bằng thép cầu sông Giăng
Nói về vấn đề này, ông Lương Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết: Mỗi ngày, cây cầu có hàng nghìn lượt người tham gia lưu thông. Chính vì vậy, việc cầu xuống cấp nghiêm trọng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho người dân, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Hiện cây cầu đang trong tình trạng báo động, đe dọa an toàn tính mạng của người tham gia giao thông nhưng vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, khắc phục nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Chứng kiến sự xuống cấp nghiêm trọng của cầu treo sông Giăng, cầu treo Phà Lài… chúng tôi không khỏi rùng mình: Các ván cầu đã bị gãy, rất dễ sập, mỗi khi có người đi qua, chiếc cầu rung lên bần bật... Thế nhưng, mỗi ngày vẫn có rất nhiều người và phương tiện qua lại cây cầu. Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 68 cầu treo dân sinh. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An đã tiến hành tổng kiểm tra và đánh giá, tính đến thời điểm hiện tại có hơn 30 cầu treo tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khi xảy ra tình trạng như: Mặt sàn bị xê dịch, hư hỏng, hoen gỉ, bong múi hàn, ốc bị rơi rớt, gãy lan can, cáp chủ bị khô; thiếu thanh chắn hạn chế chiều cao và biển cấm hạn chế trọng tải qua cầu…
Cầu treo Phà Lài xuống cấp
Trao đổi vấn đề này, ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá: "Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng trên cầu treo sông Giăng, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát chất lượng của các cầu treo dân sinh, có các biện pháp như cắm biển cảnh báo, hạn chế tải trọng phù hợp đối với các phương tiện lưu thông qua cầu, nhằm tránh các vụ tai nạn thương tâm tương tự xảy ra. Chúng tôi cũng đề nghị Cục Quản lý đường bộ II tiến hành thuê đơn vị kiểm định độc lập để kiểm định chất lượng cầu. Không phải do tai nạn xảy ra ta mới kiểm định, mà giờ cầu đã 33 năm nên cần kiểm định để xem chất lượng cầu. Khi có kết quả sẽ có căn cứ để đưa ra phương án như xây mới hoặc sửa chữa, hạn chế tải trọng xe. Trước mắt, khi cầu cứng chưa được xây dựng cần tiến hành ngay các giải pháp đảm bảo an toàn như lắp điện chiếu sáng, thiết bị phản quang, biển hạn chế tốc độ và đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con nhân dân.”
Phạm Ngân