Hài cốt liệt sĩ trở về đất mẹ sau hơn 50 năm
VHO - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay đặc biệt hơn đối với gia đình thiếu tá Nguyễn Thị Miến (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội).

Bởi suốt 54 năm “bặt vô âm tín” kể từ ngày bố của bà là liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng hy sinh năm 1971 tại mặt trận phía Nam miền Nam, nay hài cốt liệt sĩ đã được đưa về an táng gần gia đình.
Thiếu tá Miến chia sẻ, từ khi chào đời đến nay, bà chưa một lần được cảm nhận tình cha con máu mủ. Tuổi thơ của bà chỉ gắn bó quanh quẩn bên mẹ, bà ngoại.
Theo lời bà ngoại, bà là con đầu lòng của bố mẹ, khi được 7 tháng tuổi thì ông Nguyễn Văn Thưởng về thăm gia đình. Đó là lần duy nhất cha con gặp nhau chốc lát, rồi ông tiếp tục lên đường chiến đấu và mãi không về.
Năm 1971, khi bà Miến được 3 tuổi, gia đình nhận được tin báo ông Nguyễn Văn Thưởng đã hy sinh tại mặt trận phía Nam, nhưng không biết ở đâu để đưa hài cốt về quê.
Nửa tin nửa ngờ nhưng vẫn đau đáu tìm kiếm
Ngay sau khi nhận tin dữ, mẹ của bà Miến bỗng sinh bệnh vì buồn bã và nhớ thương chồng. Đến năm 1976, bà cụ cũng đi theo chồng. Thiếu tá Miến được bà ngoại nuôi dưỡng tới khi bà mất, sau đó tiếp tục được các bác bên nội chăm sóc.
Bước vào tuổi 18, cô gái Nguyễn Thị Miến nguyện theo con đường, lý tưởng bảo vệ Tổ quốc và gia nhập quân ngũ, công tác tại Kho J112 Cục xe máy - Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng).
Từ ngày khoác lên mình màu áo xanh bộ đội Cụ Hồ, bà Nguyễn Thị Miến bắt đầu nghĩ tới việc tìm hài cốt của bố để đưa về quê hương. Bà tìm đến Cục Người có công (trước thuộc Bộ LĐ,TB&XH, nay thuộc Bộ Nội vụ), Cục Chính sách – xã hội (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng), Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam... để hỏi thăm tin tức.
Đến bất cứ đơn vị nào mà đồng đội của bố nhắc tới, bà đều tìm đến. Suốt 39 năm, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ (27.7), bà và ông Lê Văn Quang (chồng bà) lại đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ từ miền Trung vào miền Nam, đến từng ngôi mộ để tìm tên liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng.
“Từ một số thông tin ít ỏi gom góp từ các đồng đội của bố, nhiều người nói rằng, bố tôi hy sinh trong một trận đánh bom của địch nên không thể tìm thấy mộ. Nửa tin nửa ngờ nhưng tôi vẫn đau đáu tâm nguyện tìm hài cốt của bố, chưa bao giờ hết hy vọng”, bà Miến nghẹn ngào.
Thấu hiểu nỗi niềm của vợ, trong khi sức khỏe bà lại yếu vì mắc bệnh tim nên ông Lê Văn Quang một mình rong ruổi trên hành trình tìm kiếm. Ông gõ cửa nhiều cơ quan, tổ chức hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, không bỏ sót nghĩa trang, ngôi mộ nào.
Rồi một ngày, hy vọng của cả gia đình bỗng loé sáng khi tên chiến sĩ Nguyễn Văn Thưởng có trong danh sách của Bộ Tư lệnh công binh. Liệt sĩ từng đi nghĩa vụ bên Lào, sau đó trở về Việt Nam tiếp tục làm nhiệm vụ và hy sinh trong trận bom của địch.
Trong trận bom ấy, có 6 chiến sĩ đã ngã xuống và được chôn cùng một địa điểm. Từ nguồn tin này, năm 2023, Đội quy tập hài cốt liệt sĩ năm 1989 đã phát hiện 6 liệt sĩ cùng hy sinh một ngày trong trận đánh ấy đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Mai Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Trong đó có một bia mộ đề tên liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng.

Xoa dịu nỗi đau của những người ở lại
Một lần nữa, niềm hy vọng lại bùng lên khi Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cùng các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ tiến hành khai quật mộ.
Trong 6 bộ hài cốt liệt sĩ chỉ có 2 bộ đảm bảo chất lượng xương đủ để xét nghiệm ADN, trong đó có hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng. Rất may mắn, cả 2 bộ hài cốt có kết quả trùng khớp với ADN của người thân tìm kiếm.
“Buổi tối có kết quả thông báo trùng huyết thống cha con, tôi mừng vô cùng, báo tin cho cả gia đình, họ hàng được biết. Cả đêm không ngủ vì hồi hộp, xúc động và nhiều cảm xúc lẫn lộn”, bà Miến tâm sự.
Theo bà Miến, từ khi có kết quả giám định đến lúc đưa được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng ra khỏi Nghĩa trang liệt sĩ Mai Thủy là cả một quá trình nghiêm ngặt với đủ các hồ sơ, giấy tờ. Gia đình may mắn được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam giúp đỡ nên mọi việc đều thuận lợi.
Ngày 15.4 vừa qua, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ, các đơn vị, nhân dân Tổ dân phố số 22 phường Ngọc Thụy, cùng gia đình đã trang trọng tổ chức Lễ đón nhận, an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng về Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lã, Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Buổi lễ có sự tham dự của đại diện Bộ Tư lệnh Công binh, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, đại biểu quận Long Biên (Hà Nội).
Thắp nén hương tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng, trung tướng Trần Tấn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết: “Liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng là một trong các trường hợp được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam phối hợp cùng gia đình và Bộ Tư lệnh Công binh trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xác minh thông tin, từ khâu lấy mẫu sinh phẩm ADN, giám định đối khớp, cho đến công tác hỗ trợ 100% kinh phí làm giám định ADN. Hỗ trợ các gia đình thân nhân liệt sĩ thực hiện giám định, trao kết quả giám định chính xác cho thân nhân liệt sĩ là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Hội chúng tôi. Sau 15 năm hoạt động, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã xã hội hóa công tác giám định gen, xác minh danh tính cho hàng trăm liệt sĩ”.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau và sự mất mát vẫn âm ỉ trong nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình có con, em, chồng, cha hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc.
Theo trung tướng Trần Tấn Hùng, chúng ta hết sức biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì hòa bình cho đất nước. Với các gia đình liệt sĩ, sự hy sinh đó vừa là vinh quang nhưng cũng vừa là nỗi đau thương trong lòng mỗi người mẹ, người cha, người vợ, người anh chị em trong gia đình.
Chính vì vậy, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cùng với toàn thể mạng lưới của Hội, các tổ chức, đơn vị những năm qua đã tập trung nhiệm vụ tìm kiếm, thu thập, xác minh thông tin, giám định, di chuyển, an táng hài cốt liệt sĩ về với quê hương.
Trong năm 2024, Hội đã hỗ trợ trao giám định ADN và di chuyển 170 hài cốt liệt sĩ; quý I năm 2025, đã hỗ trợ an táng 60 hài cốt liệt sĩ tại quê nhà. “Chúng tôi rất vinh dự vì đã thực hiện được những hoạt động ý nghĩa, nhưng cũng chỉ là sự chia sẻ, trách nhiệm góp phần xoa dịu nỗi đau của những người ở lại”, trung tướng Trần Tấn Hùng chia sẻ.