Gỡ khó cho hàng trăm hộ đồng bào thiểu số chờ sổ đỏ sau 20 năm về làng mới

VHO - Mặc dù đã làm nhà, sinh sống ổn định hơn 20 năm, nhưng đến nay hàng trăm hộ đồng bào thiểu số ở huyện Vân Canh (Bình Định) vẫn ngóng chờ, mòn mỏi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

20 năm về ở nơi mới, nhà vẫn chưa có sổ đỏ

Năm 1999, chính quyền huyện Vân Canh thực hiện chủ trương di dời những người dân ở khu vực tiếp giáp với tỉnh Phú Yên về nơi ở mới. Theo đó, có 40 hộ dân ở làng Kà Bưng cũ ở khu vực tiếp giáp tỉnh Phú Yên chuyển về nơi ở mới thuộc xã Canh Thuận. Do nhu cầu cấp thiết về chỗ ở, chính quyền xã Canh Thuận đã cấp đất cho người dân làm nhà ở, đất sản xuất.

Gỡ khó cho hàng trăm hộ đồng bào thiểu số chờ sổ đỏ sau 20 năm về làng mới - Anh 1

Gần 20 năm làng Hiệp Tiến được tách ra từ làng Hiệp Hưng (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh), nhưng đến nay hơn 130 hộ dân vẫn chưa được cấp giấy tờ sử dụng đất

Sau đó, bà con đồng bào thiểu số tiến hành làm nhà ở, xây dựng công trình, đồng thời sử dụng đất được giao để sản xuất ổn định. Tuy nhiên, chờ đợi mãi vẫn không được chính quyền cấp sổ hồng, nhiều người dân đã kiến nghị lên các cấp để giải quyết. Đến nay, trong làng có khoảng 57 hộ sử dụng đất được giao từ năm 1999 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy tờ. “Không có sổ đỏ thì không thể tách khẩu được, nhiều gia đình có con cái đông muốn tách khẩu ra ở riêng cũng không thực hiện được. Hơn nữa, người dân muốn chuyển nhượng đất cũng không thể được vì không có sổ. Rất nhiều người dân trong làng đã kiến nghị chính quyền địa phương làm giấy tờ đất nhưng đến nay đã qua 24 năm vẫn chưa được giải quyết”, ông La O Tướng (làng Kà Bưng, xã Canh Thuận) nói.

Không những người dân ở làng Kà Bưng, hiện nay ở làng Hiệp Tiến (xã Canh Hiệp) cũng có 136 trường hợp tương tự. Những hộ dân này được chuyển về làng để sinh sống từ năm 2003 đến nay, nhưng gần 20 năm qua vẫn phải sống tạm trên chính căn nhà của mình. Theo ông Lê Văn Lập (45 tuổi, làng Hiệp Tiến), làng Hiệp Tiến được tách ra từ làng Hiệp Hưng từ khoảng năm 2003, thời điểm đó người dân được Nhà nước giao đất để làm nhà, ổn định cuộc sống, nhưng không được giao giấy tờ về đất. “Chúng tôi xây dựng nhà cửa và sống ổn định không tranh chấp gì cả, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà gần 20 năm qua, các cơ quan chính quyền không cấp sổ đất cho gai đình. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm cấp sổ đỏ cho gia đình chúng tôi, bởi người dân đã đợi quá lâu rồi”, ông Lập nói.

Cạnh đó, ông Lê Văn Ốm (44 tuổi, làng Hiệp Tiến) cho hay: Căn nhà được xây dựng cũng gần 20 năm nay, nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay vẫn chưa được chính quyền địa phương hướng dẫn để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong nhiều năm liền, tôi và các hộ dân trong làng đã rất nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp cử tri, cũng như kiến nghị lên các cấp nhưng đến nay vẫn chưa thấy một hồi âm gì.

Ông Huỳnh Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Canh Hiệp cho biết: Mới đây, UBND huyện Vân Canh đã họp liên ngành và giao cho xã Canh Hiệp và Canh Thuận thuê đơn vị tư vấn để dự tính kinh phí việc đo đạt, lập thủ tục để cấp sổ đất cho người dân.

“UBND huyện thống nhất chủ trương, UBND xã sẽ thuê đơn vị tư vấn và khai toán thử kinh phí để đo vẽ bản đồ khoảng bao nhiêu, sau đó sẽ trình cho huyện để xin chỉ đạo. Khi huyện cho kinh phí, UBND xã sẽ tiến hành các thủ tục về đo đạt đất đai cho người dân, trình lên UBND huyện xin ý kiến của UBND tỉnh để cấp sổ cho người dân”, ông Thành nói.

Đẩy nhanh giải quyết cho người dân

Được biết, việc đo vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính và cấp sổ hồng trên địa bàn huyện Vân Canh đã thực hiện và hoàn thành năm 1998. Đến năm 1999, người dân mới được di dời về làng Kà Bưng, xã Canh Thuận nên phải thực hiện việc quy hoạch, đo vẽ để trình UBND tỉnh thu hồi và giao đất cho UBND huyện để giao cho người dân theo quy định. Tuy nhiên, vì kinh phí lớn nên việc đo vẽ và cấp sổ cho dân chưa thực hiện được.

Gỡ khó cho hàng trăm hộ đồng bào thiểu số chờ sổ đỏ sau 20 năm về làng mới - Anh 2

Hộ dân đồng bào thiểu số xã Canh Thuận, Canh Hiệp (huyện Vân Canh, Bình Định) mong chính quyền sớm gỡ khó cấp sổ đỏ

Ngoài ra, năm 2007, UBND xã Canh Thuận có tờ trình xin giao 10.000 m2 đất ở làng Hà Luỹ và Kà Bưng để quy hoạch khu dân cư. Tuy nhiên, thủ tục quy hoạch chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, nhưng UBND xã đã giao cho dân xây dựng nhà ở. Theo UBND xã Canh Thuận, nếu không có đất để xây dựng nhà ở thì sẽ bỏ lỡ nguồn vốn hỗ trợ. Do đó, từ năm 2012 - 2017, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Canh Thuận phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành đo đạc chi tiết diện tích các thửa đất, lập hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật; trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và hướng dẫn các hộ gia đình lập hồ sơ giao đất để tiến hành cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân.

Tuy nhiên cho đến nay, việc đo đạc chi tiết, lập hồ sơ địa chính để lập thủ tục trình cơ quan cấp trên thực hiện việc giao đất vẫn chưa thực hiện được.

Trao đổi với Văn Hóa, ông Lê Bá Thành, Bí thư Huyện ủy Vân Canh thông tin: Hiện nay trên địa bàn huyện còn nhiều trường hợp trước đây thực hiện di dân, định cư, thành lập làng nhưng chưa được giao đất và cấp sổ đỏ. Bở vậy, tôi đã có ý kiến chỉ đạo cho UBND huyện Vân Canh, giao các xã, thị trấn báo cáo cụ thể các trường hợp, để xin chủ trương và bố trí kinh phí để tiến hành cấp đất, giao sổ đỏ cho các hộ dân.

Trong khi đó, ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết: Chúng tôi đang chỉ đạo UBND xã Canh Thuận và Canh Hiệp tiến hành các thủ tục đo đạt về đất đai, để sớm giải quyết việc cấp giấy chứng nhận về đất đai cho các hộ dân.

"Riêng đối với vấn đề kinh phí để thực hiện việc đo đạt, ông Cường chia sẻ đã giao cho hai địa phương trên thuê đơn vị tư vấn và dự tính kinh phí để trình lên huyện xem xét, chỉ đạo. Nếu kinh phí lớn thì thì huyện sẽ trình lên UBND tỉnh để xem xét cho kinh phí. Mặt khác, nếu kinh phí phù hợp với nguồn của địa phương thì UBND huyện sẽ xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện uỷ sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện. Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo để các địa phương khẩn trương thực hiện, sớm cấp sổ cho người dân”, ông Cường chia sẻ.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc