Giữ lửa nghề trồng dâu, nuôi tằm

VHO- Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống, được xem như nét đẹp trong văn hóa của người dân ở thôn Phú An, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi). Ước mơ giữ ngọn lửa nghề truyền thống của cha ông, đưa làng nghề nuôi tằm hồi sinh trở lại, chính quyền địa phương đã tìm ra hướng đi mang tính bền vững cho nghề truyền thống này.

Giữ lửa nghề trồng dâu, nuôi tằm - Anh 1

Cây dâu xanh tốt ở bãi bồi sông Vệ

Theo lời kể của các vị cao niên trong làng, nghề nuôi tằm đã tồn tại ở Phú An hơn một trăm năm. Một số gia đình đã trải qua nhiều đời sinh sống bằng cái nghiệp nong tằm né kén. Nhờ lợi thế thổ nhưỡng, có bãi bồi màu mỡ, phù sa từ dòng sông Vệ bồi đắp, các hộ dân trồng dâu để lấy lá nuôi tằm. Người dân còn trồng xen canh cây dâu với các loại cây khác như bắp, ớt, đậu phụng, đậu nành... Nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. 

Giữ lửa nghề trồng dâu, nuôi tằm - Anh 2

Ông Lê Văn Trường bên sản phẩm kén tằm của gia đình

Gia đình ông Lê Văn Trường thôn Phú An, xã Đức Hiệp có 2.500 m2 đất trồng dâu. Trung bình 2 tháng, ông Trường thu hoạch 3 lứa kén tằm. Kén tằm có giá từ 140 - 190 nghìn đồng/kg. “Tùy vào diện tích trồng dâu mà người nuôi nhiều hay ít tằm. Khó khăn hiện nay là đầu ra của kén tằm ngày càng thu hẹp. Chúng tôi phải chở kén tằm vào tận Bình Định để bán, giá cả chủ yếu phụ thuộc vào thương lái”, ông Trường cho hay.

Giữ lửa nghề trồng dâu, nuôi tằm - Anh 3

Nuôi tằm cho ăn đầy đủ và lá dâu phải sạch

Còn ông Ngô Hoàng Hải ở thôn Phú An, xã Đức Hiệp cười hiền nói, bà con ở đây gọi nghề nuôi tằm là “nghề ăn cơm đứng” bởi vì đang ăn chén cơm mà trời đổ mưa xuống thì cả nhà phải chạy đi hái lá dâu. Nuôi tằm không kể ngày đêm, mỗi ngày phải cho tằm ăn đủ 5 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 3 tiếng. Nếu thiếu lá dâu thì con tằm không đạt, không tạo kén. “Lá dâu ướt thì con tằm ăn bị bệnh chết, do vậy, nếu hái lá dâu vào mùa mưa phải rải ra sân, bật máy quạt làm khô lá. Con tằm có đặc điểm là ăn sạch, lá dâu không được phun thuốc, kể cả hơi thuốc bám vào cũng không được. Con tằm ăn vào sẽ bệnh, chết, rất khó nuôi”, ông Hải nói. 

Công việc vất vả, người trồng dâu nuôi tằm làm quần quật cả ngày đêm cho đến khi tằm tạo kén. Trong khi đó, giá cả kén rất bấp bênh, năm 2022 giá kén tằm chỉ 70.000-80.000 đồng/kg kén khô, năm nay giá lên 170.000-190.000 đồng/kg kén khô.

Người không trụ được với nghề đã rời quê lập nghiệp, nhiều người chán định bỏ nghề nhưng rồi bỏ không biết làm gì nên lại quay về. Ông Hải cũng một thời bỏ nghề đi làm khắp nơi nhưng rồi lại về quê bám lấy nghề trồng dâu nuôi tằm. Ông nói: “Tôi đã đổi nghề 3 lần mà vẫn quay về chốn cũ, đến nay đã 5 năm liên tục làm kén tằm”. Cứ 2 tháng, ông Hải nuôi 3 lứa kén, mỗi lứa thu khoảng 25kg kén khô, giá bán 170.000 đồng/kg, dù vất vả nhưng nuôi tằm cũng có đồng tiền, cứ 3 lứa  kén cũng lãi được 7-8 triệu đồng.

Giữ lửa nghề trồng dâu, nuôi tằm - Anh 4

Năm nay 170.000-190.000 đồng/kg kén khô người dân phấn khởi

Ông Phan Bé, Trưởng thôn Phú An, xã Đức Hiệp cho hay, nghề trồng dâu nuôi tằm hưng thịnh từ năm 1997 - 2000. Thời gian đó, có nhiều nhà máy ươm tơ nên thương lái đến tận nhà các hộ nuôi tằm để thu mua kén. Sau một thời gian, các nhà máy ươm tơ không còn hoạt động, dẫn đến thương lái thu mua ít dần, đầu ra của kén tằm ngày càng hạn hẹp. Hiện nay, lao động chính của nghề trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là người lớn tuổi, còn thanh niên ở địa phương chủ yếu đi làm ăn xa. Một số hộ dân chuyển sang cây trồng khác. Hiện nay, chỉ còn hơn 30 hộ thường xuyên làm nghề trồng dâu nuôi tằm.

Giữ lửa nghề trồng dâu, nuôi tằm - Anh 5

Người dân thôn Phú An gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm

Ông Lý Phát, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hiệp cho biết, nghề trồng dâu nuôi tằm hiện nay ít tốn thời gian hơn, nếu trước kia, chu kỳ nuôi khoảng 25 ngày thì nay cơ sở cung cấp con tằm giống cho mình đã chăm lên tằm. Người dân chỉ về nuôi khoảng 10-15 ngày là cho ra sản phẩm kén tằm, nhưng cái khó là không có người làm. Trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn, nhưng địa phương quyết tâm gìn giữ, phát huy nghề truyền thống. Thời gian đến, chính quyền địa phương tiếp tục tìm hiểu các nơi thu mua kén tằm, để tìm đầu ra cho kén tằm ở thôn Phú An. Đồng thời, liên kết, học hỏi các kỹ thuật nuôi mới từ các vùng trồng dâu nuôi tằm khác để hướng dẫn người dân, giúp phát huy nghề truyền thống.

“Để khôi phục, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, người dân kiến nghị hỗ trợ trang thiết bị khuyến khích người dân nuôi tằm trở lại. Người dân rất mong hỗ trợ tham quan một số mô hình trồng dâu nuôi tằm các nơi như Quảng Nam, Đà Lạt,…và tìm nguồn tiêu thụ đầu ra cho kén tằm. Hiện nay, UBND xã Đức Hiệp đã thành lập Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm”, ông Phát cho biết thêm.

NHƯ ĐỒNG
 

Ý kiến bạn đọc