Hội An:

Giáo dục truyền thống thông qua di tích lịch sử cách mạng

KHÁNH CHI; ảnh: BT HA

VHO - Sở hữu mạng lưới “địa chỉ đỏ” khá nhiều, phong phú loại hình, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đang tìm cách thúc đẩy giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ qua việc phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng.

Đây cũng là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm “Phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trên địa bàn thành phố Hội An” tổ chức vừa qua.

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hội An, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Hội An là tỉnh lỵ của chính quyền thực dân, đế quốc với nhiều cơ quan đầu não để chỉ huy bộ máy chính quyền của chúng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều kiện lịch sử đó đã lưu lại ở Hội An mạng lưới di tích về chủ đề chiến tranh cách mạng với số lượng khá nhiều, phân bố khá dày và khá phong phú loại hình.

Giáo dục truyền thống thông qua di tích lịch sử cách mạng  - ảnh 1
Tham quan, tìm hiểu di tích nhà lao Hội An

Đặc biệt, có 3 nhà lao do thực dân và đế quốc xây dựng ở Hội An, tồn tại kế tiếp nhau gồm: Nhà tù Faifo từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1945, Nhà lao Thông Đăng từ năm 1947 - 1959, Nhà lao Hội An từ năm 1960 - 1975.

Đây đều là các di tích có giá trị lịch sử - văn hóa hết sức quý báu, giúp cho các cấp, các ngành, các địa phương có thể triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng cho cán bộ, đảng viên, hội viên và học sinh bằng nhiều hình thức sinh động, trực quan, hấp dẫn.

Giáo dục truyền thống thông qua di tích lịch sử cách mạng  - ảnh 2
Trưng bày lưu động di tích nhà lao Hội An tại các trường học

Các ý kiến trao đổi tại tọa đàm tập trung vào giá trị lịch sử – văn hóa nói chung, giá trị giáo dục truyền thống nói riêng của các di tích lịch sử cách mạng  trên địa bàn thành phố; cảm nhận về giá trị của di tích lịch sử cách mạng  trong thế hệ trẻ; vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng.

Tọa đàm cũng đưa ra các đề xuất, những giải pháp mang tính tổng thể để phát huy hơn nữa giá trị di tích lịch sử cách mạng trong thời gian đến; góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Hội An - nhân tố trung tâm để xây dựng và phát triển TP.Hội An theo hướng sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030.

Ứng dụng số hóa để phát huy giá trị di tích

Với đặc thù là đô thị du lịch, thời gian qua một số di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn Hội An cũng được đông đảo du khách quan tâm, tìm hiểu. Thành phố Hội An cũng quan tâm đầu tư các dự án phục hồi, trùng tu, bảo tồn các di tích, dấu tích lịch sử cách mạng trên địa bàn, góp phần giữ phần gìn giữ nguồn tài nguyên văn hóa quý giá.

Giáo dục truyền thống thông qua di tích lịch sử cách mạng  - ảnh 3
Gắn bảng mã QR-Code số hóa địa chỉ đỏ tại các di tích lịch sử cách mạng ở Hội An

Nhiều điểm di tích, dấu tích lịch sử Cách mạng đã được trùng tu, phát huy giá trị, tạo điểm tham quan, địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ, là nơi gắn kết cộng đồng địa phương như di tích rừng dừa Bảy Mẫu, nhà cổ Đức An (nơi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào tháng 10.1927); hiệu sách Vạn Sanh ( cơ sở hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên); di tích nhà lao Hội An,…

Bên cạnh đó, thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hiệu quả nhằm phát huy các di tích lịch sử cách mạng thông qua hình thức số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, quảng bá, trưng bày trực tuyến các “địa chỉ đỏ” ở Hội An. Qua đó, khơi gợi tình yêu di tích, di sản,  phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng trong tuổi trẻ phố Hội.

Thành đoàn Hội An đã phát hành cuốn sổ tay “Địa chỉ đỏ của tuổi trẻ Hội An”, phối hợp với Trung tâm QLBTDSVH Hội An trao bảng mã QR-Code số hóa địa chỉ đỏ để lắp đặt tại các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn thành phố, tổ chức trưng bày trực tuyến, phát huy giá trị 24 di tích lịch sử cách mạng nằm trong cuốn sổ tay đến đoàn viên thanh niên, người dân và du khách. 

Với nhiều phương thức trải nghiệm, thay đổi, làm mới các hình thức tuyên truyền áp dụng công nghệ thông tin vào tìm hiểu di tích như trưng bày trực quan địa chỉ đỏ, quét mã QR cập nhật thông tin, tham quan khám phá trực tiếp tại các di tích lịch sử cách mạng, các di tích của quê hương,….đã mở ra cách “thực hành lịch sử” qua góc nhìn di sản thú vị cho các bạn trẻ, hỗ trợ  rất nhiều cho các bạn trẻ cũng như người dân, du khách muốn tìm hiểu cụ thể hơn về thông tin, nội dung từng di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn Hội An.

Giáo dục truyền thống thông qua di tích lịch sử cách mạng  - ảnh 4
Tham quan di tích rừng dừa Bảy Mẫu

Theo Trung tâm QLBTDSVH Hội An, cần tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh học tập, tham quan, trải nghiệm. Đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch liên kết với Ban Quản lý các nhà tù Hỏa Lò, Nhà tù Thiếu Nhi Đà Lạt, Nhà tù Côn Đảo… tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề, tuyên truyền, quảng bá, giao lưu, hợp tác phát triển; kết nối các điểm tham quan nhà lao Hội An - Cây Thông Một - rừng dừa Bảy Mẫu… để đa dạng hóa hình thức giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ qua di tích lịch sử cách mạng.

Đến nay, cơ quan quản lý đã khảo sát, kiểm kê, lập danh mục đưa vào quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị cho 70 di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn thành phố.

Hiện ở Hội An có 14 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Riêng hệ thống nhà lao thời kỳ thực dân, đế quốc đã được đề nghị cơ quan chuyên môn cấp tỉnh lập hồ sơ để đề nghị cấp thẩm quyền xếp hạng cấp quốc gia.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc