Quảng Ngãi:

Gánh nặng bệnh tật và kinh tế từ hút thuốc lá

NHƯ ĐỒNG

VHO - Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các chất độc có trong khói thuốc lá làm suy giảm sự phát triển của phổi. Với nỗi đau bệnh tật hành hạ do thuốc lá gây ra, nhiều người ao ước rằng, giá như thời gian quay lại, họ sẽ đoạn tuyệt với thuốc lá ngay từ đầu.

Gánh nặng bệnh tật và kinh tế từ hút thuốc lá - ảnh 1
Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh đề ra mục tiêu 90% các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thực thi nghiêm môi trường không khói thuốc trong khuôn viên đơn vị

Ông T.T.T (70 tuổi) ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, phải nằm điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Ngãi, ô T. chia sẻ, suốt 7 năm qua, thời gian ông T ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Nguyên nhân của bệnh này cũng là do ông đã hút thuốc lá hơn 15 năm, với số lượng bình quân 1 gói/ngày. Chồng bị bệnh 7 năm cũng là ngần ấy thời gian, bà V - vợ ông T, một mình gánh vác kinh tế gia đình.

Gia đình ông T thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Hai vợ chồng ông T lại không có con. Vậy nên, để có tiền cho chồng ăn uống, điều trị bệnh, bà V dẫu đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn vất vả làm thuê đủ nghề. “Ngày còn trẻ, tôi phớt lờ những lời khuyên rằng hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe. Tôi cùng những người bạn nghiện thuốc lá thường đùa với nhau rằng, thà bỏ vợ chứ không bỏ hút thuốc. Giờ về già, mỗi tháng phải nhập viện điều trị hết 25 - 26 ngày, khiến vợ tôi phải cực khổ trăm bề, tôi hối hận thì đã muộn. Bây giờ, ngay cả việc thở, với người bị phổi tắc nghẽn mãn tính như tôi còn khó khăn, thì tôi chẳng thể làm lụng, giúp đỡ cho vợ được nữa”, ông T bộc bạch.

Ông V.Đ (50 tuổi) ở huyện Sơn Tịnh cũng là bệnh nhân quen thuộc với các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nội tổng hợp (BVĐK tỉnh). Ông Đ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hậu quả của thói quen hút thuốc lá gần 20 năm. Ông Đ chia sẻ, mỗi khi thời tiết nắng nóng hoặc chuyển lạnh, căn bệnh của ông lại trở nên trầm trọng. “Tôi tức ngực, mệt mỏi, khó thở liên tục. Thậm chí, có nhiều lúc, tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của máy thở khí dung, vì không thể hít thở bình thường được nữa”, ông Đ cho hay.

Hiểu được tác hại của việc hút thuốc lá đến sức khỏe của bản thân sau nhiều năm chống chọi với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ông T.T.T, ở xã Nghĩa Hiệp tự nguyện trở thành một tuyên truyền viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá. “Lâu nay, hễ thấy ai hút thuốc lá là tôi can ngăn. Tôi lấy chính bệnh tật của tôi bây giờ để khuyên người ta bỏ thuốc. Có nhiều người, thấy cảnh tôi bệnh tật triền miên, đã bỏ thuốc lá hẳn. Nhưng cũng có một số người, sau khi bỏ thuốc lá được một thời gian, lại hút trở lại. Tôi mong đừng ai giống như tôi, cả quãng đời còn lại phải gắn bó với bệnh viện, với máy thở khí dung và trở thành gánh nặng lên vai vợ mình”, ông T buồn rầu bảo.

Gánh nặng bệnh tật và kinh tế từ hút thuốc lá - ảnh 2
Nỗi đau bệnh tật hành hạ do thuốc lá gây ra

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh, kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trên địa bàn tỉnh năm 2020 cho thấy, Quảng Ngãi có 28,6% người trưởng thành hút thuốc lá. Tình trạng người dân hút thuốc lá thụ động (không hút thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc từ không khí) vẫn còn khá phổ biến tại nơi công cộng. Trong đó, đáng chú ý, tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc chiếm hơn 21%, tại cơ sở y tế chiếm hơn 21%.

Bác sĩ Phạm Trung Hiếu, Khoa Nội tổng hợp (BVĐK tỉnh) chia sẻ, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu của bệnh ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch, thậm chí còn gây đột quỵ. Đáng chú ý, người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc lá cũng dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe, nhất là với người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em.

“Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ bị bệnh viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa. Phụ nữ mang thai thường xuyên hút thuốc lá thụ động có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, tăng huyết áp, vỡ ối sớm. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ mà khói thuốc còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi, gây ra một số dị tật thai nhi, trẻ có nguy cơ sinh non, bị nhẹ cân hoặc mắc các bệnh về đường hô hấp. Còn đối với người cao tuổi, hít phải khói thuốc lá thường xuyên khiến họ có nguy cơ cao đối mặt với các bệnh về phổi, tim mạch... Vì vậy, mỗi người cần ý thức nói không với hút thuốc lá, để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người xung quanh”, bác sĩ Hiếu khuyến cáo.

Năm 2024, Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh đề ra mục tiêu tổ chức thực hiện môi trường không khói thuốc lá, với 80% cơ quan hành chính của tỉnh thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc trong nhà; 80% các công ty xe khách thực hiện quy định cấm hút thuốc trên các phương tiện vận chuyển hành khách; 90% các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thực thi nghiêm môi trường không khói thuốc trong khuôn viên đơn vị...