Ngày Thế giới không thuốc lá: Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá
VHO- “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” (We need food, not tobacco) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn nhân Ngày Thế giới không thuốc lá (31.5) năm 2023 nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động, khuyến khích nói không với thuốc lá.
Bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm
Ngày 27.5 tại Hà Nội, Bộ Y tế, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá đã tổ chức lễ mítt tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (25 – 31.5). Tham gia sự kiện có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đại diện WHO tại Việt Nam, diễn viên, người mẫu và SV các trường ĐH tại Hà Nội.
Các đại biểu, diễn viên, hoa hậu tham dự lễ mít tinh
Với chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”, WHO kêu gọi các nước xây dựng các chính sách và chiến lược phù hợp nhằm cung cấp sự hỗ trợ cho các hoạt động thay thế khả thi về kinh tế cho người trồng thuốc lá; tăng cường bảo vệ môi trường và sức khỏe của những người trồng cây thuốc lá; nâng cao nhận thức cho người trồng cây thuốc lá về tác hại của trồng cây thuốc lá và lợi ích của việc chuyển đổi cây trồng phù hợp; hỗ trợ các nỗ lực chống sa mạc hóa và suy thoái môi trường bằng cách giảm trồng cây thuốc lá.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết: “Thông qua chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”, WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng. Đồng thời đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm”.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng, hút thuốc lá gây tổn thất đến kinh tế gia đình
Theo WHO, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp và đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh NCD như ung thư, tim mạch, ước tính rằng mỗi năm gây ra 60.000 ca.
“Theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng của Tổ chức Y tế thế giới năm 2020 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do Covid-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm”, ông Trần Văn Thuấn nhấn mạnh
Bảo vệ thế hệ trẻ trước thuốc lá mới
Nhân dịp này, Bộ Y tế cũng tổ chức phát động Chiến dịch truyền thông “Nói Không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ”. Trong khuôn khổ chiến dịch, nhiều hoạt động truyền thông sẽ được triển khai nhằm nâng cao nhận thức cho đối tượng thanh thiếu niên và cha mẹ có con ở độ tuổi thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Thông qua đó, chiến dịch kêu gọi mọi người không sử dụng các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Các đại biểu đạp xe truyền tải thông điệp: Nói không với thuốc lá
Phát biểu về việc triển khai chiến dịch truyền thông, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá thông tin: “Sau 10 năm thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, giới trẻ Việt Nam đã có những nhận thức tốt hơn về tác hại của thuốc lá và thay đổi hành vi, tích cực tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022). Tuy vậy, những năm gần đây, xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Mặc dù chưa được phép, việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến. Tỉ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 ở cả nam và nữ tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi. Vì vậy trong các chương trình truyền thông năm 2023 của Quỹ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đẩy mạnh truyền thông trên các trang mạng xã hội (Tik Tok, Youtube, facebook) để cung cấp thông tin kịp thời và huy động sự tham gia của đông đảo thanh niên, sinh viên”.
Trước đó, Bộ Y tế có Công văn do Thứ trưởng Bộ Y tế - Trần Văn Thuấn ký, gửi UBND các tỉnh/thành phố và bốn Bộ, gồm: GD&ĐT, Công Thương; TT&TT và Công an về tăng cường truyền thông các tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Năm 2023, ngoài nâng cao nhận thức, giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ tập trung truyền thông và nâng cao nhận thức về tác hại của của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, những sản phẩm này mới xuất hiện trong những năm gần đây những tác hại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Hiện nay Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng”, vì vậy, các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
QUỲNH HOA