Đừng làm thô tục giáo dục!
VHO - Đề văn yêu cầu học sinh luận về “lối sống phông bạt” của giới trẻ do một trường học tại TP.Hồ Chí Minh sử dụng, đang nhận được những phản ứng trái chiều từ nhiều phụ huynh học sinh. Họ cho rằng người ra đề thi đã lạm dụng “tiếng lóng” vào giáo dục.
Điều này làm khuấy động lại dư luận về vấn đề sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay, mà theo nhiều người là quá dễ dãi thỏa hiệp với những biểu hiện tiêu cực, đưa khẩu ngữ, lời lẽ “đầu đường xó chợ” vào môi trường giáo dục.
“Hạ tiện hóa” ngôn ngữ văn chương!
Không ít thầy cô giáo bộ môn ngữ văn biểu đạt trên mạng xã hội, thời gian qua, những hiện tượng lạm dụng ngôn ngữ xã hội, nhất là những từ, tiếng lóng, khẩu ngữ, những từ mới nảy sinh trong cuộc sống vào trong văn chương sách báo đã ngày một nhiều hơn và gây phản cảm với xã hội.
Hiện tượng này liên quan đến những sự việc, vấn đề phát sinh trong đời sống được nhiều người tùy ý chế tác, biên tạo nên những từ dùng sai lệch các nghĩa ban đầu ngụ ý, ám chỉ một nội dung, vấn đề khác ban đầu có thể chỉ nhằm giải trí, gây cười, nhưng dần về sau biến thành trào lưu xã hội.
Theo các nhà giáo dục, những từ dùng ấy có thể “vô thưởng vô phạt” nhưng là với môi trường giao tiếp xã hội, ngoài cuộc đời chứ không thể áp dụng đưa vào văn chương chữ nghĩa, sử dụng trong báo chí chính thống vì sẽ ảnh hưởng, làm méo mó ngôn ngữ tiếng Việt. Đặc biệt gây ra những hiểu lầm đáng tiếc về từ dùng đúng, và nghiêm trọng là làm môi trường ngôn ngữ giáo dục biến tướng xấu đi.
Sự việc đề văn luận về “lối sống phông bạt” là một biểu hiện cụ thể, thời sự về vấn đề này. Phải khẳng định đây là một từ lóng, xuất phát ở một nhóm người dùng mạng xã hội, muốn chỉ vào hành động giả tạo, gian dối của các đối tượng có vấn đề, cố ý vay mượn những hình ảnh đẹp, điều tốt trong cuộc sống để “tô vẽ” bản thân, thậm chí che đậy những việc làm xấu xa phía sau.
Từ “phông bạt” ở ý nghĩa ban đầu chỉ vật dụng che chắn, bề ngoài, đã được biến tướng hiểu qua nghĩa tiêu cực, là gian dối, ngụy trang bề ngoài che giấu bên trong… Từ này, xét nghiêm túc, là vừa mới xuất hiện trong dư luận mạng xã hội khi bắt đầu mùa mưa bão năm nay, sau sự cố bão số 3 tàn phá các tỉnh thành phía bắc. Một số người đã dùng từ “lối sống phông bạt” để chỉ vào những hình thức giả dối bên ngoài mà nhiều đối tượng xã hội sử dụng, đánh lừa người khác.
Nhưng đây chỉ là tiếng lóng mới phát sinh, chưa có sự chứng nghiệm nghiêm túc từ cộng đồng xã hội, nhất là chưa được định nghĩa đàng hoàng trong từ điển Việt Nam, chưa được chuẩn hóa để cộng đồng hiểu và sử dụng bình thường. Vì điều này, nhiều phụ huynh học sinh bức xúc cho rằng các trường học dĩ nhiên nên gắn tính thời sự, để cập nhật cho học sinh nắm bắt những vấn đề liên quan, nhưng không phải vì thế mà “đu trend” để đưa những vấn đề nhạy cảm với đời sống vào trong sinh hoạt, học tập của học sinh.
“Lối sống phông bạt” là tiếng lóng, chỉ lưu hành trong nhóm người nhất định và có ngữ cảnh nhất định. Việc đưa từ này vào đề thi, là đánh đố học sinh, và đẩy tâm lý học sinh tham gia vào những vụ việc, vấn đề tiêu cực xã hội. “Không phải học sinh nào cũng biết đến mạng xã hội, để cập nhật từ dùng mới. Nếu có học sinh vì vậy không làm được bài thi thì nhà trường tính sao?”. Một số người dùng mạng xã hội cật vấn. Theo họ, cách đặt vấn đề bằng những sự việc thời sự tùy tiện, chưa kiểm chứng là hành vi "hạ tiện hóa” ngôn ngữ văn chương.
Cần chấn chỉnh văn phong giáo dục?
Trong lịch sử xã hội và tâm lý giáo dục xưa nay ở nước ta, sử dụng ngôn từ lễ đạo, tích cực là một yêu cầu quan trọng. Môi trường giáo dục không chấp nhận những trường hợp phát ngôn tùy tiện, sử dụng từ lóng, tiếng lóng vào ngôn ngữ hành văn, gây ra những biểu hiện sai lệch trong giao tiếp đời thường.
Theo đó, cho dù biết trong môi trường chợ búa kinh doanh, có phân khúc lời lẽ bình dân, tiếng lóng, mật hiệu…, nhưng các trường học, đền đài, cơ quan hành chính Nhà nước và nhất là báo chí văn chương được sáng tác mới mẻ, vẫn luôn bị nhắc nhở, theo dõi phải dùng từ ngữ thích hợp và có nghĩa chuẩn xác. Đặc biệt, với môi trường giáo dục từ văn phạm, ngôn từ, đến hành văn bố cục…, những từ dùng được quy ước phải rất rõ ràng, không sử dụng những từ khó hiểu, tối nghĩa, tiếng lóng, hạn chế từ địa phương…
Càng là sách vở, giáo án lên lớp, sách giáo khoa dành cho học sinh, những người biên soạn càng phải biết chọn lọc, cân nhắc. Với các đề thi cũng vậy, ngôn ngữ dùng phải có tính phổ thông, ngữ nghĩa trong sáng nhất…
Câu chuyện “lối sống phông bạt” bị phản ứng trái chiều, bởi ngay một số bạn trẻ cũng nhìn nhận, việc nhà trường chọn một vấn đề mới, khá nhạy cảm đang được cộng đồng chia sẻ, là không phù hợp. Xét sâu xa, biểu hiện lối sống đua đòi, hình thức của một bộ phận bạn trẻ hiện nay, còn liên quan đến văn hóa gia đình và xã hội lâu nay, tác động từ cách tu dưỡng, dạy dỗ của các thế hệ cha mẹ nhiều năm trước.
Trong bối cảnh xã hội nhiều biến động, có những giai đoạn quan niệm tiêu cực nhất định, xu hướng vật chất hóa, đề cao danh lợi… rất khó tránh khỏi những hệ lụy tác động đến tâm lý xã hội và biện pháp giáo dục giới trẻ. Do đó, đánh giá “lối sống phông bạt” cần phải nhìn nhận từ nhiều phía, với nhiều góc độ khác nhau, không thể chỉ nhìn một hướng bài xích, lên án.
Đề thi yêu cầu học sinh bàn luận vấn đề này, rõ ràng sẽ dẫn suy nghĩ học sinh nhằm vào những mặt xấu xã hội, những đánh giá có phần gay gắt và cả lệch lạc. Chung quy, cách đặt vấn đề như vậy là không hợp lý, thật sự phải cân nhắc. Không thể định hướng giáo dục tâm lý theo một chiều nhìn nhận tiêu cực như vậy!.