Đừng để tâm hồn bị khuyết tật
VHO - Bản tin “Vì một tương lai xanh” trên VTV1 sáng 13.3 có phát một phóng sự ngắn về việc thu gom rác ở một bãi biển tại thành phố Đà Nẵng. Sẽ không có gì đáng nói bởi lâu nay Đã Nẵng vẫn là địa phương rất quan tâm đến việc thu gom rác thải làm sạch môi trường trên bờ biển. Điều quan tâm ở đây là, trong đội ngũ những người thu gom rác trên bãi biển tại Đà Nẵng có cả những người khuyết tật.

Nhìn những bước chân tập tễnh di chuyển trên bãi biển thu gom rác mà người viết không khỏi chạnh lòng. Tại sao? Bởi vì họ, những người khuyết tật, đang thu gom rác thải của đại đa số những người lành lặn vứt ra.
Câu chuyện xả rác bừa bãi vẫn là vấn nạn “biết lắm rồi, khổ lắm rồi”, cũng “nói mãi rồi” nhưng dường như không biết bao giờ mới đến hồi kết. Chúng ta không còn quá xa lạ với hình ảnh thi thoảng đang đi trên đường bỗng thấy bay ra từ cửa kính ô tô, khi thì chai nước, lúc mảnh giấy ăn, khi chiếc túi nilon bay phấp phới…
Càng không xa lạ với hình ảnh đang dừng đèn đỏ bỗng có mẩu thuốc lá bay vèo qua mặt của “người bạn” đồng hành đỗ bên cạnh, hay giật mình thon thót bởi hộp trà sữa của một nam thanh nữ tú nào đó quăng ra rơi đánh “toẹt” nước bắn tung toé.
Người viết đã từng chứng kiến ở sân bay một bà mẹ đài các kiêu sa mắng cô con gái “rách việc, lắm chuyện” khi cô con gái dừng lại nhặt mảnh giấy ăn trên sàn vứt vào thùng rác.
Chúng ta chắc hẳn chưa quên người dân Nhật Bản đã từng khiến cả thế giới trầm trồ, thán phục khi sau một trận bóng đá họ ở lại dọn dẹp sạch sẽ rác trên khán đài. Trông người lại ngẫm đến ta.
Cứ sau mỗi sự kiện nào đó được tổ chức tại những điểm công cộng, ngay lập tức hôm sau báo chí lại có hàng loạt phóng sự ảnh về việc xả tác bừa bãi, vô ý thức. Không phủ nhận rằng, gần đây, ý thức về việc xả rác đúng nơi quy định của người dân, đặc biệt là giới trẻ đã được cải thiện ít nhiều, tuy nhiên vẫn chỉ là thiểu số.
Câu chuyện phân loại rác thải tại nguồn vẫn đang là bài toán nan giải với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương dù chẳng vấp phải vấn đề gì to tát mà đơn thuần chỉ phụ thuộc vào ý thức người dân.
Xin nhắc lại cũng vẫn một hình ảnh quen thuộc, đó là sau mỗi đêm giao thừa, những công nhân vệ sinh môi trường “ngụp lặn” bên những “núi” rác thải. Chắc chắn rằng, chỉ cần mỗi người dân có ý thức một chút thôi, “núi” rác đó sẽ nhỏ đi rất nhiều.
Có ai đó đã nói, đại ý, chỉ cần một giây để thực hiện hành động xả rác trên đường, nhưng phải cần cả trăm năm để tạo lập được hành động cúi xuống nhặt rác ở trên đường.
Trở lại câu chuyện những người khuyết tật tham gia thu gom rác thải trên bờ biển ở Đà Nẵng. Họ là những người có số phận không may mắn khi tạo hóa hoặc có thể một tai nạn đáng tiếc nào đó đem đến cho họ một cơ thể không lành lặn.
Nhưng đổi lại, với suy nghĩ bằng những nỗ lực bé nhỏ của mình để mong mỏi cuộc sống, môi trường tốt đẹp hơn, bảo vệ môi trường là trách nhiệm không của riêng ai, họ cho thấy đang sở hữu một tâm hồn lành lặn, thánh thiện tuyệt vời.
Còn với những con người lành lặn vẫn hằng ngày “hồn nhiên” xả rác vô ý thức, không suy nghĩ, liệu đó có phải là biểu hiện của sự khuyết tật trong tâm hồn? Rất đáng để suy nghĩ!