"Cha nuôi" mang quân hàm xanh:

Điểm tựa vững vàng cho trẻ em nghèo

NHƯ ĐỒNG

VHO - Những người cha “đặc biệt” mang màu áo xanh đã trở thành điểm tựa quý giá, giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vượt qua nghịch cảnh và chắp cánh cho những ước mơ trên hành trình trưởng thành…

Điểm tựa vững vàng cho trẻ em nghèo - ảnh 1
Em Phạm Thị Kim Sanh được cha nuôi hướng dẫn học tập

 Minh chứng sống động cho tình yêu thương ấy là em Phạm Thị Kim Sanh, người vừa nhận giải Ba trong Cuộc thi viết lời tri ân “Bố đỡ đầu” do tỉnh Quảng Ngãi tổ chức. Đây không chỉ là phần thưởng mà còn là lời cảm ơn sâu sắc em dành tặng những người cha nuôi đặc biệt tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tư Nghĩa.

Tuổi thơ đầy gian khó

Là người đồng bào Hrê, Phạm Thị Kim Sanh (hiện là học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nghĩa Thọ, huyện Tư Nghĩa) sớm chịu cảnh mồ côi cha mẹ, sống nương tựa vào ông bà già yếu, gia cảnh lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Tuy nhiên, từ khi được bộ đội nhận đỡ đầu gần hai năm trước, em không còn phải lo thiếu ăn, thiếu mặc và con đường đến trường trở nên thuận lợi hơn.

“Ba con mất sớm, nhưng con may mắn có các chú bộ đội đỡ đầu. Con xem các chú như ba của mình. Mỗi tháng, ba Hoàng và ba Nô đều đến dạy con học, tặng bánh, sữa cho con. Con rất vui và sẽ cố gắng học thật tốt”, Sanh xúc động chia sẻ.

Trung tá Hồ Anh Triết, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tư Nghĩa cho biết, mô hình “Bố đỡ đầu” không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm và tình cảm của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị dành cho trẻ. “Chúng tôi tặng quà định kỳ theo quý, ngoài ra còn vào các dịp khai giảng, 1.6 và Tết Trung thu... Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên trao đổi với giáo viên để nắm bắt tình hình học tập, phối hợp với Hội Phụ nữ xã và một tổ công tác của đơn vị để chăm lo cho gia đình và việc học tập của các con”, Trung tá Triết cho biết.

Có thể nói, bộ đội tại các địa phương ở Quảng Ngãi luôn gần gũi và thấu hiểu cuộc sống khó khăn của người dân vùng sâu, vùng xa, khát khao được học hành của hàng nghìn trẻ em nghèo. Những hành động ấm áp như mô hình “Bố đỡ đầu” không chỉ giúp các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn, mà còn thắp sáng tương lai cho thế hệ trẻ, gắn kết tình cảm quân - dân ngày càng bền chặt.

Từ mỗi lần nắm địa bàn, các cán bộ, chiến sĩ đã chủ động khảo sát, tìm hiểu hoàn cảnh của những em có hoàn cảnh đặc biệt. Từ đó, nhiều mô hình tình nguyện ý nghĩa đã ra đời như: “Bố đỡ đầu”, “Nâng bước em đến trường” hay “Nồi cháo tình thương”... Những chương trình này không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ về vật chất, mà còn là sự chăm sóc tận tình, đồng hành và sẻ chia cùng các em trong cuộc sống.

Điểm tựa vững vàng cho trẻ em nghèo - ảnh 2
“Nồi cháo tình thương” tại thôn Đăk Lang xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây

Hơi ấm từ nồi cháo tình thương

Mỗi sáng thứ Tư hằng tuần, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện miền núi Sơn Tây lại cùng giáo viên Trường Mầm non Sơn Dung tất bật nấu “Nồi cháo tình thương” cho các em nhỏ trên địa bàn. Đúng 7 giờ sáng, những bát cháo nóng hổi, thơm ngon được tận tay cán bộ, chiến sĩ mang đến cho trẻ mầm non tại thôn Đăk Lang, xã Sơn Dung. Bát cháo không chỉ xua tan cơn đói mà còn là nguồn động viên tinh thần, tiếp sức cho các em vững bước đến trường.

“Nồi cháo tình thương” đã trở thành cầu nối yêu thương giữa những người lính và cộng đồng. Qua những hành động thiết thực, họ không chỉ mang lại sự giúp đỡ về vật chất mà còn gieo mầm những giá trị nhân văn sâu sắc, khẳng định vai trò của quân đội trong việc đồng hành, chia sẻ khó khăn với nhân dân.

Đại tá Trịnh Công Sơn, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Lực lượng vũ trang tỉnh không ngừng cụ thể hóa các mô hình hỗ trợ, tạo động lực cho trẻ em nghèo vượt khó học tập, hướng tới một tương lai tươi sáng. “Đã có hàng trăm em nhỏ nghèo khó tìm thấy nơi nương tựa trong vòng tay của các cán bộ, chiến sĩ. Bằng tình yêu thương và lòng nhiệt huyết, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã thắp lên ngọn lửa hy vọng, giúp những mầm non vươn cao, vững tin vào tương lai”, Đại tá Sơn chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh, những mô hình thiện nguyện thiết thực đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục tại địa phương, không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của các em nhỏ mà còn khẳng định vai trò tích cực của lực lượng vũ trang trong việc đồng hành, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc