Điểm sáng vùng quê “phạt nguội” người nuôi chó thả rông

PHẠM NGÂN

VHO - Nhiều năm nay chó thả rông đã trở thành vấn nạn, gây nhiều hệ lụy. Tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã ký hương ước, sử dụng hình ảnh từ điện thoại và camera của dân để phạt người nuôi chó thả rông. Suốt 6 năm qua gần như không còn bóng dáng con chó nào ngoài đường. Mô hình này được nhiều xã khác đến học hỏi.

 Hiểm họa từ chó thả rông

Tình trạng chó nuôi thả không dùng rọ mõm, chó không tiêm phòng bệnh dại chạy rông đang diễn ra ở khắp nơi, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của người dân.

Tại Nghệ An, đã có những sự việc thương tâm, đau lòng xảy ra trong thời gian qua do bị chó dại cắn, gây thương vong đến tính mạng. Đến bây giờ, hai sự việc gây xót xa và thương tâm xảy ra vào năm 2023 với hai em nhỏ là L.B.T. (hơn 3 tuổi, ngụ huyện Quế Phong, Nghệ An) và em V.Q.H. (9 tuổi, ngụ huyện Tân Kỳ, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, co giật kéo dài, chẩn đoán bị bệnh dại do bị chó cắn đã không qua khỏi vẫn còn ám ảnh, để lại nỗi đau không nguôi với người thân hai em.

Điểm sáng vùng quê “phạt nguội” người nuôi chó thả rông - ảnh 1
Hình ảnh những chú chó không được rọ mõm ngang nhiên chạy ngoài đường, gây nguy hiểm cho người dân

Những vụ va chạm, tai nạn giao thông hay là vật nuôi cắn người đi đường vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều nơi. Nói về điều này, chị Phạm Thị Phương, người dân bản Thái Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông chia sẻ: “Đi trên đường tôi thấy nhiều nhà thả rông chó mà không rọ mõm. Những ai tay lái yếu đâm phải chó thì rất dễ bị ngã xe, thậm chí có trường hợp chó đuổi theo xe tấn công người đi đường. Ai không may bị như vậy vừa mất an toàn giao thông vừa nguy cơ bị phơi nhiễm bệnh dại. Chúng tôi thiết tha mong những chủ nuôi thực hiện nghiêm các quy định về nuôi nhốt và đeo rọ mõm cho chó để đảm bảo cho chính gia đình mình và cộng đồng”.

Theo thống kê Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, trong tổng đàn gần 520.000 con chó đang được nuôi tại các hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh thì tỉ lệ tiêm phòng chỉ đạt 20%. Trong khi đó đa phần đàn chó nuôi theo dạng thả rông. Kết quả điều tra các trường hợp tử vong cho thấy hầu hết do phát hiện muộn, bệnh nhân không đi tiêm phòng và có tình trạng sử dụng đông y, thuốc lá để điều trị bệnh dại.

“Mắt thần” giám sát chó thả rông

Xã Quỳnh Đôi nổi tiếng là làng khoa bảng và là quê hương Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương. Du khách ghé thăm làng Quỳnh Đôi, không khỏi ngạc nhiên khi ngoài đường làng ngõ xóm sạch đẹp, đặc biệt là không còn bóng dáng của những con chó thả rông.

Điểm sáng vùng quê “phạt nguội” người nuôi chó thả rông - ảnh 2
Camera an ninh là "mắt thần" giám sát cho thả rông để phạt nguội

Tại vùng quê này, có một câu chuyện thú vị về quản lý, "phạt nguội" chó thả rông. Vào năm 2014, Quỳnh Đôi là một trong những xã đầu tiên ở Nghệ An về đích nông thôn mới. Sau đó, xã tiếp tục về đích nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của Nghệ An. Tuy nhiên chó thả rông khiến nhiều người lo ngại bị lây dại vì ở đây gần như gia đình nào cũng nuôi chó.

Thói quen nuôi chó thả rông của người dân khiến những con đường bị dơ bẩn bởi chó phóng uế. Chính quyền xã Quỳnh Đôi đã trăn trở đưa ra nhiều cuộc họp bàn với người dân để tìm giải pháp cho vấn đề này. Từ nhiều năm qua, xã Quỳnh Đôi (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã sử dụng hình ảnh từ điện thoại, camera an ninh để “phạt nguội” chó thả rông, góp phần giúp vùng quê này trở nên sạch, đẹp, an toàn và văn minh.

Ông Hồ Sỹ Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết: Sau khi về đích nông thôn mới, xã thường xuyên đón tiếp nhiều đoàn khách cũng như con em xa quê về thăm. Khi về xã thăm, nhiều người phàn nàn về việc chó thả rông nhiều, phóng uế gây mất vệ sinh, trong khi đường làng thì đã rất sạch đẹp. Xã chúng tôi có hơn 1.500 hộ dân, nhưng thời điểm đó, cũng như các làng quê khác, hầu như nhà nào cũng nuôi chó.

Sau một thời gian tuyên truyền, xã Quỳnh Đôi thành lập 2 tổ tuần tra, bao gồm công an, công chức xã để đi bắt chó thả rông. Các thành viên trong tổ đi kiểm tra trên các tuyến đường làng, khi phát hiện chó thả rông thì dùng vợt bắt chó mang về trụ sở công an xã để xử lý.

“Các tổ được trang bị vợt đế bắt chó, thường đi tuần tra lúc sáng sớm và chiều tối, vì thời điểm đó chó ra đường phóng uế. Những năm đầu tiên, chúng tôi vẫn chưa xử phạt, chỉ nhắc nhở mỗi lần phát hiện chó thả rông”, ông Hưng Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi chia sẻ.

Điểm sáng vùng quê “phạt nguội” người nuôi chó thả rông - ảnh 3
Bảng thống kê số ca tử vong của bệnh dại tính từ năm 2023 và năm 2024

Đến năm 2018, quy định về quản lý chó nuôi của xã Quỳnh Đôi mới chính thức được ban hành. Quy định của xã nêu chi tiết trách nhiệm của những người nuôi chó. Cụ thể, người dân phải đăng ký với trưởng thôn để lập danh sách trình ủy ban nhân dân xã cấp sổ quản lý chó. Sổ quản lý chó phải ghi rõ ngày tháng, năm sinh, loài giống, tính biệt, ngày gia đình bắt nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vắc xin. 

Thời điểm đó, có ngày các tổ tuần tra bắt hàng chục con chó. Sau khi mang về trụ sở, chính quyền xã sẽ thông báo trên loa phát thanh đặc điểm, thời gian, địa điểm bắt từng con cho để người dân được rõ. Nếu quá 24 giờ kể từ khi thông báo, chủ nuôi không đến nhận chó thì chó sẽ bị tiêu hủy. Mức xử phạt cho mỗi lần thả rông chó không đeo rọ mõm là 700.000 đồng (áp dụng theo Nghị định 90/2017) và sau đó tăng lên 1.500.000 đồng (áp dụng Nghị định 04/2020). Toàn bộ tiền phạt được nộp vào ngân sách. 

Từ năm 2020, toàn bộ nhà dân trong xã được gắn biển số nhà cụ thể. Camera an ninh của xã cũng như của các hộ dân cũng lắp dày đặc. Kể từ đó tổ tuần tra không còn phải dùng vợt bắt chó nữa mà “phạt nguội” qua camera.

Điểm sáng vùng quê “phạt nguội” người nuôi chó thả rông - ảnh 4
Xã Quỳnh Đôi khang trang, sạch đẹp, không có chó thả rông

Xã thường xuyên trích xuất hình ảnh từ các camera, đồng thời vận động mọi người dân khi ra đường nếu phát hiện chó ai thả rộng thì quay phim, chụp hình gửi cho xã để xử lý. Việc tuần tra vẫn được duy trì nhưng giảm hơn. Và mỗi lần đi tuần tra, không cần phải mang vợt nữa. Nếu phát hiện chó ngoài đường thì đuổi theo quay phim lại xem chó đó về nhà nào. Vì có biển số nhà rõ ràng, nên sau đó sẽ gửi giấy mời chủ nhà lên làm việc, xử phạt nguội”.

Không chỉ bị xử phạt, những người vi phạm còn bị “bêu tên” trên loa phát thanh xã. Với việc quyết tâm đưa ra quy định cấm chó thả rông quyết liệt như vậy được người dân tuân thủ rất nghiêm ngặt. "Vì ở làng xã thì không tránh khỏi tổ tuần tra có quan hệ họ hàng, thân thiết với người vi phạm, nên chúng tôi quy định rõ không có ngoại lệ. Thời gian đầu, rất nhiều chó bị bắt giữ.

Có một số chó nhỏ, giá trị không bằng tiền phạt, nên nhiều người cũng không đến nộp phạt để đưa chó về. Những trường hợp đó, chúng tôi thành lập tổ tiêu hủy công khai, rõ ràng. Các thủ tục làm chặt chẽ, để tránh việc khiếu kiện”, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết thêm.

Nhờ quản lý tốt chó nuôi nên số gia đình nuôi chó ở xã Quỳnh Đôi đã giảm đáng kể. Không còn chó thả rông, đường làng sạch sẽ, người dân cảm thấy an toàn hơn vì không còn sợ bị chó tấn công, nhất là chó bị bệnh dại.

Theo lãnh đạo xã Quỳnh Đôi, những năm qua, cũng có rất nhiều địa phương đến học tập để triển khai quy định cấm chó thả rông này, đã có nhiều xã thực hiện hiệu quả, tuy nhiên bên cạnh đó cũng đã có xã chưa thành công do tiến hành vội vàng, một số người dân chưa có ý thức nên chỉ được một thời gian ngắn cũng đành “bất lực” vì chó thả rông vẫn quá nhiều. Hy vọng thời gian tới mọi người dân tại xã và địa phương khác tiếp tục nâng cao ý thức để có nếp sống văn minh, không xảy ra những sự việc đáng tiếc xảy ra.