Về cuộc chiến chống ung thư:

Để người dân không bị “nghèo hóa”

BẢO THƯ

VHO - Thông tin từ Bộ Y tế công bố trong Ngày Thế giới phòng, chống bệnh ung thư năm nay: Một năm nước ta có trên 183.000 ca mới mắc, 122.000 ca tử vong do ung thư. Hiện có khoảng 354.000 người đang sống chung với ung thư. Nhiều khảo sát cho thấy ung thư là gánh nặng kinh tế với hầu hết các gia đình bệnh nhân.

 Mới đây, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã chính thức phản hồi về kiến nghị của cử tri liên quan đến việc hỗ trợ toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho những người mắc ung thư và cần chạy thận; cùng đó là việc đề nghị đưa thuốc điều trị ung thư vào danh mục Bảo hiểm y tế (BHYT).

Để người dân không bị “nghèo hóa” - ảnh 1
Ngày 1.7 vừa qua, Việt Nam ra mắt thiết bị tầm soát ung thư theo tiêu chuẩn cao của thế giới. Ảnh: B.LÂM

Chưa thể giải quyết kiến nghị của cử tri

Cụ thể, cử tri tỉnh Phú Yên đã kiến nghị với các cơ quan chức năng về việc sớm ban hành chính sách hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư và suy thận. Cử tri tỉnh Bình Định đề nghị quan tâm hơn đến việc đưa thêm các loại thuốc điều trị ung thư và suy thận vào danh mục BHYT nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người bệnh.

Chia sẻ khó khăn với người bệnh và người nhà bệnh nhân ung thư, tuy nhiên Bộ Y tế nhấn mạnh rằng việc này có thể gây ra những tác động lớn đến cân đối Quỹ BHYT và làm giảm khả năng chi trả cho các bệnh nhân khác. Riêng trong năm 2023, Quỹ BHYT đã chi ra 6.186 tỉ đồng cho việc điều trị 6 loại ung thư phổ biến nhất (ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày và tiền liệt tuyến). Việc thanh toán 100% chi phí cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là những người cần sử dụng các loại thuốc và kỹ thuật đắt tiền, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự cân đối của Quỹ BHYT và khả năng chi trả cho các bệnh nhân khác. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định hiện hành, BHYT chỉ thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi chung cho tất cả các đối tượng, không phân biệt mức độ nặng nhẹ của bệnh. Để tăng cường nguồn kinh phí cho Quỹ BHYT, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang nghiên cứu việc điều chỉnh mức đóng BHYT. Hiện mức đóng BHYT hàng tháng là 4,5% thu nhập, trong khi mức tối đa theo quy định có thể lên đến 6%. Bộ Y tế cũng sẽ rà soát và cập nhật danh mục thuốc, đồng thời tăng cường quản lý và chống lạm dụng Quỹ BHYT để mở rộng phạm vi chi trả.

Như vậy, có thể hiểu rằng, những kiến nghị của cử tri về cả hai việc là hỗ trợ toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho những người mắc ung thư và đưa thuốc điều trị ung thư vào danh mục BHYT đều chưa thể giải quyết.

 Theo quy định hiện hành, BHYT chỉ thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi chung cho tất cả các đối tượng, không phân biệt mức độ nặng nhẹ của bệnh. Để tăng cường nguồn kinh phí cho Quỹ BHYT, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang nghiên cứu việc điều chỉnh mức đóng BHYT. Hiện mức đóng BHYT hàng tháng là 4,5% thu nhập, trong khi mức tối đa theo quy định có thể lên đến 6%. Bộ Y tế cũng sẽ rà soát và cập nhật danh mục thuốc, đồng thời tăng cường quản lý và chống lạm dụng Quỹ BHYT để mở rộng phạm vi chi trả.

(Bộ trưởng Bộ Y tế ĐÀO HỒNG LAN)

Gánh nặng chi phí

Thông tin từ Bệnh viện K Hà Nội, chi phí điều trị ung thư hiện nay rất cao, trung bình gần 180 triệu đồng mỗi bệnh nhân một năm. Còn theo lãnh đạo Bộ Y tế, chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư dao động trung bình trên 176 triệu đồng/ năm, trong đó BHYT chi trả khoảng 51,87 triệu đồng (chiếm 29,3% chi phí điều trị). Với các trường hợp bệnh nặng và phức tạp, số tiền này có thể tăng lên nhiều lần. Vì thế, mặc dù đã có sự hỗ trợ từ BHYT, nhiều gia đình bệnh nhân vẫn phải đối mặt với khó khăn tài chính đặc biệt nghiêm trọng.

Tính toán cụ thể cho thấy, nếu với người người lao động có thu nhập 15 triệu đồng/tháng thì cũng chỉ “vừa đủ” chi phí điều trị nếu người đó không may mắc ung thư. Còn lại tiền ăn uống và các chi phí sinh hoạt phải trông chờ ở những nguồn giúp đỡ khác. Chính vì thế, trong điều kiện chi phí y tế gia tăng và sự thiếu hụt tài chính dự phòng của rất nhiều gia đình thì mối lo về bệnh ung thư càng nặng nề hơn. Trên thực tế, cùng với đột quỵ thì ung thư là mối lo ngại hàng đầu của người Việt về sức khỏe. Nếu so với châu Á, mối lo về ung thư của người Việt là 39% so với 34% (trong tổng số các loại bệnh); mối lo về đột quỵ là 39% so với 31%. Đáng chú ý, có tới gần 80% người bệnh ung thư ở Việt Nam phát hiện bệnh và buộc phải điều trị thì bệnh đã trở nặng, đòi hỏi chi phí rất cao cùng việc điều trị phức tạp trong khi khả năng kéo dài cuộc sống bị rút ngắn lại. Một khảo sát cũng cho thấy 72% số người được hỏi cho rằng chi phí y tế tăng cao là thách thức lớn về tài chính. Trong khi đó, theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IRAC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gánh nặng ung thư ngày càng lớn khi mà tại Việt Nam hiện có khoảng 354.000 người đang sống chung với căn bệnh này.

 Ung thư là một nhóm bệnh gồm hơn 100 loại, trong đó có khoảng 40% các ung thư có thể phòng tránh được nếu phát hiện sớm. Vì vậy, cần tầm soát ung thư, rà tìm biết bệnh thật sớm khi chưa thấy triệu chứng.

Thực tế, không có phương pháp nào trị được mọi loại ung thư, mà tùy từng loại ung thư các thầy thuốc sẽ kết hợp các liệu pháp tại chỗ (phẫu trị và xạ trị) và các liệu pháp toàn thân (hóa trị, sinh trị) để “chiến đấu” với căn bệnh này. Gánh nặng ung thư sẽ giảm bớt nếu được phát hiện sớm, điều trị sớm.

(GS.BS NGUYỄN CHẤN HÙNG,nguyên Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam)

Bệnh ung thư đang “trẻ hóa” và vấn đề điều trị

Theo TS.BS Lê Huy Hòa, Hội viên Hội Ung thư học Hoa Kỳ, chuyên gia ung bướu Bệnh viện Quốc tế Minh Anh (TP.HCM), thông thường bệnh tật thường phát ở người già nhưng riêng ung thư lại “lội ngược dòng”: Tăng ở người trẻ và giảm ở người già. Độ tuổi mắc ung thư tại Việt Nam đang có xu hướng “trẻ hóa”. Dẫn số liệu từ Tổ chức Ung thư toàn cầu, TS Hòa cho biết, trung bình mỗi năm Việt Nam có 105,6 ca tử vong do ung thư trong tổng số 100.000 dân. Hiện Việt Nam đứng thứ 91/185 quốc gia về tỷ suất mắc mới và đứng thứ 50/185 quốc gia về tỷ suất tử vong do ung thư.

WHO dự báo đến năm 2040, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam tăng khoảng 59,4% (tương đương 291.000 ca), số ca tử vong do ung thư tăng khoảng 70,3% (tương đương 209.000 ca). TS Hòa cũng cho biết, tại Việt Nam, nếu như trước đây các bệnh ung thư gan, phổi, vú thường gặp ở độ tuổi trung niên thì nay đã xuất hiện ở lứa tuổi thanh niên. Như vậy, nếu đúng như dự báo thì tình hình bệnh ung thư tại Việt Nam sẽ ngày một căng thẳng, cho dù những tiến bộ trong điều trị là rất đáng ghi nhận. Cũng thật đáng chú ý khi giới chuyên gia bệnh học cho biết, do gánh nặng chi phí điều trị nên nhiều bệnh nhân ung thư sau một thời gian chữa chạy đã dừng lại, trong số đó có nhiều người đã tìm tới các phương pháp chữa chạy thiếu khoa học, chỉ vì ít tốn kém.

BS Ngô Xuân Quý (Bệnh viện K Hà Nội) nhận xét, nhiều người bệnh giữ niềm tin vào quan điểm áp dụng thực dưỡng có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Đây là suy nghĩ sai lầm. Cách đây chưa lâu, bệnh viện tiếp nhận một phụ nữ 64 tuổi, khi phát hiện một khối u dưới môi thay vì đến bệnh viện để điều trị thì người này lại áp dụng chế độ thực dưỡng để ngăn chặn sự phát triển của khối u. Qua nhiều năm ăn thực dưỡng, cơ thể ngày càng suy kiệt, tình trạng khối u không thuyên giảm mà ngày càng to, hết sức nguy hiểm. Trở lại vấn đề, gánh nặng tài chính quá lớn nên người bệnh ung thư rất cần được hỗ trợ từ Quỹ BHYT, trong đó cần sớm đưa thêm các loại thuốc đặc trị vào danh mục thanh toán BHYT. Mặt khác, người dân cần thăm khám sức khỏe thường xuyên và thực hiện tầm soát để có thể sớm phát hiện ung thư (nếu có), từ đó việc tiến hành điều trị sẽ hiệu quả và ít tốn kém hơn. Có nghĩa là trong khi chờ đợi có thêm hỗ trợ từ Quỹ BHYT, người dân cần chủ động để tránh bị “nghèo hóa” khi phải đương đầu với căn bệnh này và khi “gánh nợ” thuốc men đè nặng một cách dai dẳng.