Bộ Y tế đề nghị kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện

Q.HOA

VHO - Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về tình trạng nhiều cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn; đề nghị các địa phương liên quan phát hiện, xử lý các vi phạm.

Công văn nêu rõ, Cục Quản lý khám, chữa bệnh nhận được thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về việc nhiều cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn.

Bộ Y tế đề nghị kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện - ảnh 1
Một thẩm mỹ viện bị "bóc phốt" trên mạng xã hội

Theo phản ánh, có nhiều cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện vẫn đang hoạt động “chui”, không ít cơ sở làm đẹp đã mạo danh các bệnh viện lớn lừa dối khách hàng và nhiều người đã là nạn nhân của các cơ sở mạo danh này (đối với các tên gọi của dịch vụ thẩm mỹ như “Thẩm mỹ viện”, “Viện thẩm mỹ”, “Trung tâm thẩm mỹ”...

Cục Quản lý khám, chữa bệnh  yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương kiểm tra, xác minh; đối với phản ánh của phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trên. Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan phát hiện, xử lý vi phạm đối với các cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn, không đủ điều kiện vẫn hoạt động “chui”, gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội và ngành Y tế, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Đề nghị các Sở Y tế tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định.

Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp chị N.C.T (31 tuổi, Quảng Nam) đến viện trong tình trạng áp xe ngực 2 bên do tiêm filler.

Chị T chia sẻ, chị đã sinh 2 con. Sau sinh ngực bị chảy xệ nên chị muốn đi làm đẹp nâng ngực nhưng sợ đau và tốn thời gian. Chị đọc được bài quảng cáo của một thẩm mỹ viện trên mạng xã hội về phương pháp tiêm filler nâng ngực nhanh chóng, hiệu quả nên đã đến để tiêm filler ngực.

Sau tiêm, người bệnh thấy nổi các khối lổn nhổn trong ngực và thường xuyên thấy sưng đau nên sau 3 năm tiêm filler ngực, chị đã đến bệnh viện để làm gói tầm soát ung thư. Tại đây, các bác sĩ nói ngực không rõ có ung thư hay nhân xơ, mà các khối trong người là các filler đọng trong người giống như các khối "u filler".

Do không muốn can thiệp ở các bệnh viện, chị T tới thẩm mỹ viện để hút filler. Sau can thiệp hút filler, chị T có biểu hiện đau tức, sốt cao, dùng kháng sinh không đỡ. Lúc này vì quá đau đớn và lo sợ chị mới tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, người bệnh đến viện trong tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc, nhiều khối u cục kích thước to nhỏ khác nhau ở 2 bên ngực. Tuy nhiên kết quả siêu âm thông thường không cho thấy hình ảnh rõ ràng vị trí của các khối này, chính vì vậy các bác sĩ đã phải chỉ định chụp phim cộng hưởng từ MRI 3.0 Breast Coil.

Trên phim các bác sĩ đã xác định rất nhiều khối trong ngực có hình dạng như các cục “u filler” tạo thành nhiều lớp, rải rác khắp ngực. Người bệnh được chẩn đoán là áp xe ngực với các khối u filler khắp nơi nguy cơ cao do tiêm filler nâng ngực và chọc hút filler làm cho vi khuẩn ở bên ngoài đưa vào cơ thể. Biểu hiện sốt rét run của chị T báo hiệu các khối áp xe sắp có nguy cơ vỡ nếu vào phổi sẽ gây nguy hiểm tính mạng. Các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật bằng hương pháp nội soi lấy chất làm đầy ra khỏi cơ thể người bệnh.

Ngoài ra, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 33 tuổi, vào viện trong tình trạng phát ban toàn thân, có tiền sử xăm môi trước đó 2 tuần.

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân này xuất hiện tổn thương Herpes ở môi sau khi xăm 3 ngày. Sau đó được điều trị bằng Acyclovir 1,6g/ngày chỉ dùng trong 2 ngày, và bôi kháng sinh tại chỗ, bệnh nhân hết tổn thương ở môi sau 1 tuần.

Tuy nhiên 1 tuần sau đó, bệnh nhân xuất hiện tổn thương dát đỏ vùng cẳng - bàn tay 2 bên, ngứa nhiều, sau đó rải rác thân mình. Qua thăm khám và hỏi bệnh, các bác sĩ chẩn đoán đây là 1 trường hợp hồng ban đa dạng điển hình. Nguyên nhân hướng đến căn nguyên do nhiễm Herpes sau phun xăm môi.

Các bác sĩ Khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em (Viện Da liễu Trung ương) cho biết, hồng ban đa dạng là bệnh da cấp tính do nhiều nguyên nhân, hay gặp nhất do nhiễm trùng (virus HSV-1, HSV-2 chiếm 80%), dị ứng thuốc, các bệnh lý tự miễn, bệnh lý ác tính, sau tiêm vắc xin…

Dấu hiệu tổn thương da đặc trưng là các dát đỏ, sẩn phù, mụn nước, bọng nước tạo thành hình bia bắn, có thể kèm theo tổn thương ở niêm mạc miệng, sinh dục, mắt. Tổn thương có thể xuất hiện ở vùng thân mình hoặc tay, chân.

Vì vậy, trước khi tiến hành các thủ thuật vùng mặt, bác sĩ cần khai thác kỹ tiền sử herpes tái phát nhiều lần, herpes ở vùng điều trị … 2 ngày trước và 3 ngày sau khi điều trị.

Không nên xem nhẹ các phương pháp làm đẹp đơn giản mà chủ quan dẫn đến “tiền mất tật mang”. Để đảm bảo an toàn, đẹp, bền, các chuyên gia khuyến cáo nên đến các cơ sở thẩm mỹ uy tín, có chuyên môn và yêu cầu tiệt trùng dụng cụ, thay kim xăm để phòng tránh tối đa các rủi ro có thể xảy ra.  

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc