Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí bắt kịp xu thế hiện đại

VHO-Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay". Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Thị Hải Vân đồng chủ trì Toạ đàm. Tham gia Toạ đàm có đại diện lãnh đạo các cơ quan báo, tạp chí Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, các Liên Chi hội, các giảng viên.

Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí bắt kịp xu thế hiện đại - Anh 1

Toạ đàm diễn ra vô cùng sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp có giá trị cho hoạt động nghiệp vụ báo chí

Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Thị Hải Vân cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam và sự ủng hộ, giúp đỡ của Văn phòng Hội, Hội Nhà báo các cấp, các cơ quan báo chí nên tính từ năm 2020 đến hết năm 2022, Trung tâm đã tổ chức được 333 hoạt động cho hơn 10.000 lượt hội viên Hội Nhà báo trong cả nước. 

Thời gian qua, Trung tâm đã xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho các lớp học trực tuyến ở các địa bàn bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh. Nhờ hình thức học mới mẻ và hấp dẫn, các học viên có thể nắm vững kỹ năng, kiến thức giảng viên truyền đạt. Đồng thời, tổ chức lớp học trực tiếp tại các tỉnh thành ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu học tập của các hội viên - nhà báo trên toàn quốc.Các khóa học do Trung tâm tổ chức vẫn chủ yếu tập trung vào 3 mảng chính: Kỹ năng cho các loại hình báo chí (228 lớp học); Chuyên đề, chuyên sâu (101 lớp học) và 4 hội thảo, tọa đàm (cả trực tuyến và trực tiếp).

Có một số điểm mới về công tác bồi dưỡng của Trung tâm trong các năm vừa qua như: Tổ chức các lớp học mới để bắt kịp với sự thay đổi của báo chí thế giới như chuyển đổi số, sản xuất long-form (bài chuyên đề) cho báo mạng, sản xuất podcast, công cụ trực tuyến để làm báo, làm báo bằng facebook, ngăn chặn tin tức giả… Tuy nhiên, việc mở rộng các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo và nghiên cứu báo chí có nhiều khó khăn khi không còn quá nhiều dự án dành cho báo chí. Các hoạt động hợp tác quốc tế với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài trong các năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng còn hạn chế.

Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí bắt kịp xu thế hiện đại - Anh 2

Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí bắt kịp xu thế hiện đại - Anh 3

Tham dự Hội Báo toàn quốc 2023 là cơ hội để báo chí cả nước giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm

Các đại biểu tham dự tọa đàm đã tập trung đánh giá về các khóa bồi dưỡng của Trung tâm tổ chức, những điểm mạnh và những mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đồng thời đề xuất những kỹ năng cần thiết hiện tại mà các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí mong muốn bồi dưỡng cho phóng viên, biên tập viên trong bối cảnh báo chí hiện nay; các hình thức và phương thức tổ chức các khóa bồi dưỡng như nào cho hợp lý đối với các cấp Hội địa phương, các cơ quan báo chí. Đối với các cấp Hội Nhà báo thì nên tổ chức đào tạo theo nhiều chủ đề theo từng khu vực; đối với các cơ quan báo chí nên đào tạo tập trung hay đào tạo tại chỗ.

Các ý kiến tại tọa đàm cũng đề xuất cần bồi dưỡng, đào tạo các phóng viên trẻ để bắt nhịp nhanh với công việc; tích hợp đào tạo những kỹ năng chung nhất cần thiết cho các loại hình báo chí; đặc biệt đào tạo sâu hơn để làm báo thời đại chuyển đổi số hiệu quả, đáp ứng bối cảnh báo chí hiện nay… Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng cần chú trọng việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo Việt Nam bằng cách lồng ghép các cuộc trao đổi đạo đức nghiệp vụ trong các chương trình bồi dưỡng mang tính thực tiễn cao.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, để đào tạo nghiệp vụ bồi dưỡng báo chí theo nhu cầu hiện nay cũng như đáp ứng với xu hướng báo chí quốc tế, các đơn vị báo chí cần đào tạo nội dung làm tin, bài cho đội ngũ những người làm báo tại các tỉnh, thành sao cho phong phú, sinh động, tạo được sức hút mạnh mẽ. Đồng thời, cần đào tạo dưới nhiều hình thức, phương tiện, từ đó trang bị về kiến thức, kỹ năng cũng như kỹ thuật, nghiệp vụ cho các phóng viên, biên tập viên một cách đầy đủ nhất. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu cập nhật tin tức kịp thời, nhanh nhạy, chính xác và tạo hiệu ứng tốt nhất đến độc giả.

HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc