Chuyện khó tin về một cô gái khiếm thị
VHO - Cuộc sống này có những người phi thường đến mức, biến những cái tưởng chừng không thể thành có thể không phải là chuyện hiếm; nhưng cái cách của một người khiếm thị đã chọn cho mình một nghề nghiệp thiên về đường nét, màu sắc thì đây là một trường hợp hy hữu đến lạ lùng.
Chị Diệu Quỳnh xuất thân từ gia đình nông dân, nhà có 4 người con, chị là con áp út. Phát hiện khiếm thị từ 5 tuổi và sống cảnh mù lòa cho đến bây giờ.
Nghe ti vi nói về cơ sở Nguyễn Nga (Nguyễn Nga Center) nhận nuôi dạy nghề cho người khuyết tật, chị liền đòi mẹ xin cho chị đến học nghề tại đây.Ba mẹ rất mừng là em có quyết tân học nghề nên đồng ý ngay.
Khi liên hệ cơ sở Nguyễn Nga và chị đăng ký học nghề thêu, chủ cơ sở này dù thương cho các hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng không khỏi ngại ngần, bởi người khiếm thị mà lại chọn nghề thêu, cái nghề mà cần có sự quan sát tốt, có cái nhìn tinh tế. Chị Nga ban đầu hẹn lại chứ chưa quyết định nhận.
Trong lúc chờ đợi, Diệu Quỳnh tìm đến cơ sở Nguyễn Nga xin gặp mặt và trình bày nguyện vọng. Chị Nga gợi ý cho em học nghề mát xa, Quỳnh không chịu, gợi ý học đàn Quỳnh cũng không chịu; rút cuộc quyết tâm của Diệu Quỳnh cũng được chị Nga chấp nhận.
Đây là trường hợp học viên cá tính, nên chị Nguyễn Nga cũng phải tốn nhiều thời gian suy nghĩ, bằng cách nào để một học viên khiếm thị có thể tiếp cận được với nghề đan thêu. Vấn đề là để làm sao cho người khiếm thị đầu tiên có được kỹ năng nhận biết hình khối, màu sắc, rồi mới nới đến kỹ thuật thêu.
Nội dung những bức tranh đầu tiên của Diệu Quỳnh chọn “Gia đình”, “Cha mẹ”, tên của anh em, cháu trong nhà để thêu tặng. Mọi người nhận quà mà khóc vì thành quả lao động đầu tay của Diệu Quỳnh và tấm lòng của Quỳnh luôn hướng về gia đình, người thân.
Bà Huỳnh Thị Kim Liên, mẹ của Quỳnh nói trong nước mắt: “Tôi chiều theo ý con, xin cho nó học thêu tranh. Tôi không nghĩ là Diệu Quỳnh có ngày đã làm được một việc không thể tưởng tượng được!”
Anh Đặng Nhơn Hòa 41 tuổi, đường Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn, người mua bức thêu của Diệu Quỳnh, nội dung tranh thêu chữ “Nhẫn”, tỏ ra sung sướng khi sở hữu một tác phẩm do người khiếm thị làm nên.
Theo anh Hòa, bức tranh thêu có chữ “Nhẫn” cũng khá đẹp, ý nghĩa của chữ cũng nói lên sự cố gắng tuyệt vời của người làm ra nó. Anh nói: “Giá như, bức tranh này có đính kèm một dòng nhỏ ở góc là tranh do người khiếm thị thêu thì giá trị sẽ nâng lên rất nhiều”.
Đến nay, sản phẩm do Diệu Quỳnh thêu có khoảng 60 tác phẩm tranh thêu tại cơ sở Vườn tái chế Nguyễn Nga và đang được trưng bày để bán. Hy vọng, khách đến trải nghiệm ở cơ sở Nguyễn Nga sẽ chuộng tranh thêu của Diệu Quỳnh mà mua tranh ủng hộ người khuyết tật và mua tranh vì đường kim mũi chỉ của người khiếm thị miệt mài tạo nên một tác phẩm nghệ thuật.
Cơ sở Nguyễn Nga là một đơn vị tư nhân, hoạt động xã hội không vì mục tiêu lợi nhuận, hoàn toàn mang tính nhân đạo và tình nguyện, được hình thành và phát triển đến nay được 24 năm (từ năm 1993). Chủ cơ sở là Nguyễn Thị Thanh Nga (62 tuổi) là Chi hội trưởng chi hội khuyết tật Nguyễn Nga. Các em ngoài làm vườn rau, tái chế rác thải, đan thêu, gia công mỹ nghệ tùy theo nghề nghiệp đã được cơ sở đào tạo.