Đà Nẵng:

Chống ngập vẫn ngập!

NGUYÊN ĐỨC - TẠ DŨNG

VHO - Mùa mưa bão 2024 sẽ là một mốc đánh dấu những nỗ lực về tổ chức thoát nước của đô thị Đà Nẵng. Sau hai trận ngập nặng vào tháng 10 năm 2022 và 2023, thành phố đã tổ chức kế hoạch nạo vét khơi thông lớn, thi công nhiều hạng mục, tuyến đường, đảm bảo giảm ngập với mùa mưa 2024.

Nhiều nơi ngập nặng sau một đêm mưa

Dư luận tại Đà Nẵng đã phản ứng gay gắt, khi bước vào mùa mưa bão, sáng 18.9, sau một đêm mưa, hầu hết đường chính nội thị thành phố lại bị ngập. Một số tuyến trung tâm thậm chí ngập gây kẹt xe hàng giờ, điều rất hiếm xảy ra ở Đà Nẵng. Do đó, dư luận nghi ngờ phát ngôn của các cơ quan chức năng, sau gần 1 năm tổ chức công tác chống ngập.

Câu hỏi này được rất nhiều thành viên mạng xã hội đưa ra với thực trạng ngập nước trên các tuyến đường Đà Nẵng sáng 18.9. Nhiều hình ảnh ghi nhận xe cộ bị mắc kẹt trong vùng nước ngập hàng tấc, nhiều người điều khiển xe máy phải dắt bộ thoát ra ngoài.

Chống ngập vẫn ngập! - ảnh 1
Đường Quang Trung ngập trong ngày 18.9

Với dự báo trong đêm 18 và sáng 19.9, cường độ mưa sẽ còn tăng mạnh, viễn cảnh một thành phố ngập sâu trong nước như hai lần sự cố trước lại tái hiện với mọi người. Trong chiều 18.9, nhiều gia đình vùng ngập ở nội thị Đà Nẵng đã phải lo kê dọn đồ đạc vật dụng, và nhiều nhà có xe hơi phải tính toán “sơ tán” khỏi các khu vực thấp trũng. Cả thành phố như vào cuộc điều động chống ngập để bảo vệ tài sản gia đình và các cơ quan.

Trong khi đó, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, đến thời điểm này, thành phố “đã hoàn tất nhiều công việc và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình trạng ngập nước do mưa lớn”. Đầu mối tổ chức lớn, công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết đã cơ bản hoàn thành nạo vét bùn, đất trong hơn 50 tuyến cống, kênh thoát nước, cùng các cửa thu, mương thu nước mưa dọc tuyến trên địa bàn.

Các điểm thường xuyên bị ngập nặng như dọc tuyến đường Phan Đăng Lưu, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Hà Huy Tập, khu vực Đà Sơn, Lạc Long Quân… đều cơ bản được xử lý.

Sở Xây dựng Đà Nẵng đã phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát, xác định xử lý cụ thể 124 điểm, khu vực hay bị ngập úng, căn cứ hiện trạng hai sự cố đêm 14.10.2022 và 13.10.2023, có các giải pháp phù hợp, lồng ghép vào kịch bản ứng phó ngập úng đô thị, phương án phòng, chống thiên tai của TP. Đà Nẵng.

Đối với diễn tiến mùa mưa bão đang đến, các cơ quan quản lý và chuyên môn Đà Nẵng đều khẳng định đã có kế hoạch phối hợp, rà soát từng vị trí, khu dân cư bị ngập sâu; chuẩn bị sẵn sàng các máy bơm di động để hỗ trợ người dân tiêu úng kịp thời... Những trạm và tuyến bơm chống ngập chính của thành phố, như Thuận Phước, Ông Ích Khiêm, Đảo Xanh, Trương Chí Cương, K20… đều được chuẩn bị vận hành một cách nhanh chóng.

Ba yêu cầu hợp tác từ cộng đồng!

Tuy nhiên, đối chiếu giữa những thông tin báo cáo và thực tế ngập nước sáng 18.9 tại Đà Nẵng, người dân địa phương có quyền nghi ngại.

Lãnh đạo sở Xây dựng Đà Nẵng và đơn vị thoát nước thành phố đã cùng có những phản hồi với dư luận, ghi nhận đang khẩn trương đánh giá tình hình để chủ động hơn trong việc tổ chức, điều phối máy móc, nhân lực đảm bảo chống ngập hiệu quả hơn ngay trong trận mưa gió đang đến.

Có ba yêu cầu quan trọng mà các cơ quan chức năng mong cộng đồng người dân cùng chung tay hợp tác.

Thứ nhất, ngay thời điểm bão số 4 có thể uy hiếp địa bàn, người dân cần thông tin cho các bên chức năng, chính quyền các cấp về hiện trạng bị ngập úng, sạt lở nguy hiểm đang xảy ra, để lực lượng chức năng ứng phó kịp thời.

Người dân cần hợp tác trực tiếp tháo dỡ những điểm che đậy, đóng nắp cống, nắp hố ga… tại khu vực sinh sống, giúp thoát nước nhanh hơn khi có mưa lớn xảy ra.

Sở Xây dựng đánh giá, công tác khơi thông cửa thu nước mưa mặt đường, mương thu nước từ cửa thu xuống cống và nạo vét kênh, cống thoát nước dọc các tuyến đường, khu dân cư là rất quan trọng để giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ trên toàn địa bàn.

Chống ngập vẫn ngập! - ảnh 2
Thi công hệ thống thoát nước trên đường Hà Huy Tập

Thứ hai, tiến độ thi công, xử lý nhiều tuyến cống, mương thu gom nước tại địa bàn Đà Nẵng cho đến nay vẫn đang diễn ra, một số dự án mới được cấp vốn tổ chức thi công, như khu vực đường Hà Huy Tập, vùng kênh Hòa Minh, tuyến đường nối Hoàng Thị Loan ra phía biển, ở khu công nghiệp Hòa Khánh...

Do đó, rất cần người dân hợp tác, tạo điều kiện hỗ trợ để các dự án này triển khai nhanh chóng, càng sớm hoàn thành trước cao điểm mưa bão càng an toàn.

Cuối cùng, một cách bền vững, các cơ quan chức năng kêu gọi, vận động người dân Đà Nẵng nêu cao ý thức tập thể và bảo vệ môi trường, hạn chế việc vứt rác thải, đất đá xuống các hố ga, mương cống, cùng quan tâm thu dọn, xử lý chống gây tắc nghẹt các đường thoát nước đô thị.

Đây là cả một chương trình vận động lớn và bền bỉ, xuất phát từ mỗi hộ gia đình, từng xóm dân cư cho đến toàn diện quần thể cư dân Đà Nẵng.

Một khi ý thức bảo vệ môi trường chung, có trách nhiệm ngăn ngừa chống ngập được lan tỏa đến mọi người dân, chắc chắn tình trạng ngập úng cục bộ tại các cơ sở sẽ được cải thiện nhiều.

Điều này kết hợp với chủ trương, kế hoạch chung của cả thành phố trong mục tiêu phát triển hạ tầng đô thị và hiệu quả đầu tư, sẽ giúp Đà Nẵng thật sự nâng cao năng lực chống ngập úng đô thị, hoàn thiện được hệ thống xử lý thoát nước tại đô thị này, hướng đến mục tiêu hình ảnh một thành phố phát triển bền vững và không còn ngập úng!.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc