Cần thiết đào tạo người làm nghề quản lý nghệ sĩ trong giai đoạn hiện nay

THÙY TRANG

VHO - Ngày 14.5, Khoa Văn hóa Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Nghề quản lý nghệ sĩ và nhu cầu đào tạo ngành quản lý nghệ sĩ”. Tọa đàm thu hút sự tham dự của đông đảo nhà quản lý, giảng viên, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và sinh viên.

Cần thiết đào tạo người làm nghề quản lý nghệ sĩ trong giai đoạn hiện nay - ảnh 1
Bà Nguyễn Lê Vân, Phó Trưởng phòng Báo chí Sở TT&TT TP.HCM chia sẻ câu chuyện liên quan đến vấn đề xử lý nghệ sĩ vi phạm khi phát ngôn trên mạng xã hội

Theo ông Mai Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật TP.HCM, những năm gần đây, “Công nghiệp văn hóa" được nhắc đến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như là chủ đề thảo luận trong nhiều diễn đàn lớn của quốc gia.

Tháng 11.2023, đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030 được UBND TP.HCM phê duyệt với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ và kinh tế sáng tạo quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thành phố.

“Người nghệ sĩ là một chủ thể quan trọng trong nền “Công nghiệp văn hóa”, trực tiếp tạo ra sản phẩm nghệ thuật. Trong thời đại 4.0, thị trường không còn đơn giản chỉ là những sân khấu trực tiếp mà trở nên đa dạng, đa chiều.

Người nghệ sĩ hiện nay không chỉ phải tạo ra các sản phẩm chất lượng ứng dụng công nghệ cao, bắt kịp xu hướng mới, hội nhập quốc tế mà còn phải mang bản sắc riêng, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân”, ông Mai Thanh Sơn chia sẻ.

Chuyên gia cho rằng, một sản phẩm từ lúc ra đời đến được với công chúng trải qua các công đoạn: sáng tác (sáng tạo), sản xuất, phân phối. Trong đó 2 khâu sản xuất và phân phối ở thị trường bán hàng chuyên nghiệp đã được nghiên cứu đúc kết và đào tạo chuyên sâu ở những bậc học cao nhất.

Với sự phát triển chuyên nghiệp như vậy, một người nghệ sĩ độc lập khó có thể (nếu không nói là không thể) tự thân làm tất cả mọi khâu để trở nên nổi tiếng và gặt hái thành công một cách bền vững.

Hiện nay, sản phẩm sáng tạo nghệ thuật khi đến với công chúng có thể ngay lập tức nhận được phản hồi: ủng hộ hay không được ủng hộ; kèm theo rất nhiều thông tin về sản phẩm thu hút công chúng hay chưa, chất lượng của phẩm như thế nào...

Cần thiết đào tạo người làm nghề quản lý nghệ sĩ trong giai đoạn hiện nay - ảnh 2
Các ý kiến tại tọa đàm góp phần định hướng đào tạo ngành Quản lý nghệ sĩ một cách bài bản, chính thức

Ngoài ra, không ít những mặt hạn chế đã xuất hiện: tình trạng vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến, ảo tưởng quyền lực, phát ngôn tùy tiện, xây dựng hình ảnh thiếu chuyên nghiệp, lối sống, đạo đức thiếu chuẩn mực, chuyện đấu tố với công ty chủ quản bởi nhiều mâu thuẫn phát sinh, vi phạm hợp đồng... đã tạo khủng hoảng truyền thông nặng nề cho chính bản thân người nghệ sĩ và sản phẩm của họ, ảnh hưởng đến uy tín của những nghệ sĩ chân chính, làm giảm niềm tin của công chúng.

“Chúng tôi cho rằng vai trò của người quản lý nghệ sĩ là công việc quan trọng, là chìa khóa cho sự thành công bền vững lâu dài. Quản lý nghệ sĩ là nghề nhiều thách thức, song cũng đầy những bất ngờ thú vị. Đằng sau vinh quang, sự thành công của người nghệ sĩ, người nổi tiếng luôn có bóng dáng của bộ phận quản lý. Công việc quản lý nghệ sĩ áp lực, đòi hỏi tư duy và bản lĩnh vững vàng, song cũng đem đến cơ hội đáng giá cho sự phát triển của người trẻ.

Nhận thấy nghề quản lý nghệ sĩ hiện nay chưa có đơn vị, tổ chức đào tạo chuyên môn một cách chính quy, chuyên nghiệp, nhằm góp phần định hướng đào tạo ngành Quản lý nghệ sĩ một cách bài bản, đáp ứng nhu cầu có thực của một số đối tượng trong xã hội, Nhà trường tổ chức tọa đàm với mong muốn ghi nhận, lắng nghe các ý kiến đóng góp để tiến tới việc mở ngành đào tạo trong thời gian tới”, bà Hồ Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường bày tỏ.

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu, đặc biệt là nghệ sĩ và những người có thực tiễn công tác liên quan đến quản lý nghệ sĩ đều cho rằng nghề quản lý nghệ sĩ là nhu cầu có thật và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Các đại biểu cũng đã chia sẻ nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề: Tầm quan trọng của người quản lý nghệ sĩ đối với sự phát triển sự nghiệp của nghệ sĩ; nhu cầu đào tạo nghề quản lý nghệ sĩ ở Việt Nam hiện nay; sự cần thiết tổ chức đào tạo ngành/chuyên ngành hoặc khoá ngắn hạn về quản lý nghệ sĩ tại Trường CĐ Văn hoá - Nghệ thuật TP.HCM; cơ hội việc làm của người học sau khi ra trường; những khó khăn và thách thức…

Theo bà Nguyễn Lê Vân, Phó Trưởng phòng Báo chí Sở TT&TT TP.HCM: “Trong quá trình công tác liên quan đến vấn đề xử lý nghệ sĩ vi phạm khi phát ngôn trên mạng xã hội, chúng tôi nhận thấy vai trò người quản lý nghệ sĩ rất quan trọng. Họ phải là những người am hiểu về pháp lý, quy định đạo đức nghề nghiệp,… để hỗ trợ nghệ sĩ trong phát ngôn, bảo vệ hình tượng. Thực tế cho thấy, phía sau một nghệ sĩ thành công đều có sự hỗ trợ của người quản lý (hoặc đơn vị quản lý) có tâm, có tầm”.

Cần thiết đào tạo người làm nghề quản lý nghệ sĩ trong giai đoạn hiện nay - ảnh 3
TS Trịnh Đăng Khoa chia sẻ với Nhà trường về cơ sở thực tế trong việc mở ngành nghề đào tạo

Dưới góc độ quản lý giáo dục đại học, TS Trịnh Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cũng đã trao đổi, chia sẻ với Nhà trường về cơ sở thực tế trong việc mở ngành nghề đào tạo, chuyên ngành phù hợp với quy định hiện hành; về lộ trình đào tạo gắn với mục tiêu đào tạo của trường và đạt chuẩn đầu ra.

Nhiều đại biểu cho rằng, trước khi mở ngành hoặc chuyên ngành Quản lý nghệ sĩ, trước mắt, Nhà trường nên bắt đầu mở các khóa bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn khoảng 3-6 tháng với các nội dung về kiến thức pháp luật, quy tắc về ứng xử, các chuẩn mực đạo đức trong hành nghề của người nghệ sĩ, truyền thông marketing, vấn đề phát ngôn, xử lý khủng hoảng truyền thông…

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, học viên được cấp chứng nhận/ chứng chỉ để có sự chuyên nghiệp, bài bản hơn trong quá trình làm nghề.