Bão Trà Mi hướng vào miền Trung, diễn biến khó lường

THẾ TUẤN

VHO - Bảy giờ sáng 24.10, bão Trà Mi (TRAMI) vượt qua đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông, cường độ mạnh cấp 9 (75 - 88 km/h), giật cấp 11 (103 - 117 m/h). Đây là cơn bão diễn biến khó lường.

 Bão Trà Mi hướng vào miền Trung, diễn biến khó lường - ảnh 1
Dự báo vị trí và đường đi bão Trà Mi

 Thông tin từ cơ quan Khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi vào Biển Đông, bão Trà Mi hướng về quần đảo Hoàng Sa, cường độ bão có thể mạnh thêm 3 cấp (cấp 12, giật cấp 15). Đến 7h sáng 26.10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 480 km về phía Đông Đông Bắc, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15; đạt cường độ cực đại.

Đến 7h sáng 27.10, tâm bão Trà Mi ở trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cường độ bão mạnh cấp 11, giật cấp 13. Do ảnh hưởng của bão Trà Mi, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông giómạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9 (62-88 km/h), giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 5-7m, biển động rất mạnh. Dự báo, bão Trà Mi sẽ hướng vào các tỉnh Trung Bộ, gây mưa lớn. Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), do ảnh hưởng của bão, khoảng từ ngày 26-28.10, khả năng các tỉnh Trung Bộ sẽ có đợt mưa lớn diện rộng.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia thời tiết, dự báo bão Trà Mi sẽ mạnh lên với vận tốc gió gần tâm bão khoảng 100 km/h khi tiến vào khu vực quần đảo Hoàng Sa ngày 25 hoặc 26.10. Ông Huy cũng đưa ra hai kịch bản về cơn bão này.

Kịch bản thứ nhất: Khi bão vào gần bờ (ngày 27.10) sẽ giảm cấp gió xuống còn khoảng cấp 8-9, sau đó suy yếu thành vùng áp thấp gây mưa lớn ở Bắc Trung Bộ trong giai đoạn từ ngày 27 đến ngày 30.10. Kịch bản thứ hai: Khi bão vào gần bờ ngày 27.10 sẽ tương tác với không khí lạnh và bị khối khí áp cao áp đảo nên quay ra và yếu đi. Tuy nhiên sau khi quay ra và khối khí áp cao biến mất thì bão có thể tiếp tục đi vào bờ trong các ngày đầu của tháng 11. Ông Huy cũng cho rằng đây là một cơn bão xuất hiện khi có nhiều hình thái thời tiết diễn ra cùng lúc nên đường đi của bão sẽ rất phức tạp.

Tương tự, nhiều chuyên gia khí tượng thủy văn cũng cho rằng bão Trà Mi diễn biến rất khó lường, ngay cả khi đã vượt qua quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì tốc độ di chuyển cũng như hướng di chuyển rất phức tạp. Tuy nhiên, khi áp sát đất liền thì bão Trà Mi nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung Bộ. Vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất (cả sức gió và lượng mưa) có thể từ Quảng Bình tới Quảng Ngãi.

Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cũng cho biết, trong 2 tháng 11 và 12 năm nay, số cơn bão ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn so với trung bình nhiều năm. Theo TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ tháng 11.2024 đến tháng 1.2025, ENSO (để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương; còn gọi là Dao động Nam) có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 - 70%. Vì thế, dự báo nhiều nguy cơ cao xuất hiện bão gây ra mưa lớn cho khu vực Trung Trung Bộ trong giai đoạn tháng 10 - tháng 11.

Ông Lâm cũng cho biết, các cơn bão luôn có diễn biến và phân bổ về mưa, cường độ gió rất khác nhau. Thế nên đối với tất cả các cơn bão, điều quan trọng nhất là phải theo dõi thường xuyên, bám sát các thông tin dự báo mới nhất và đặc biệt là đối với trường hợp bão khẩn cấp - tức là chỉ còn khoảng 24 - 48 giờ để ứng phó. Trường hợp cơ quan khí tượng phát tin bão khẩn cấp, mọi công tác để ứng phó phải tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Ban chỉ huy của địa phương để đảm bảo công tác về phòng chống, chằng chống nhà cửa, di dân, rà soát các điểm xung yếu để đảm bảo hạn chế thiệt hại đáng tiếc trong các tình huống thiên tai.

Theo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, trong 3 tháng cuối năm 2024, có từ 4-5 cơn bão xuất hiện trên Biển Đông. Trong đó, từ 2 đến 3 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam (xác suất 65-70%).