Băng rừng đưa BHXH đến với bà con vùng cao

NGUYỄN LINH

VHO - Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là bà con đồng bào tộc thiểu số (DTTS), những cán bộ chuyên môn ngành BHXH tại các huyện vùng cao vẫn hằng ngày băng đèo, lội suối, nỗ lực học tiếng dân tộc, tìm hiểu phong tục tập quán, tâm tư tình cảm của bà con để tuyên truyền, thuyết phục họ tham gia BHXH, BHYT.

 Băng rừng đưa BHXH đến với bà con vùng cao - ảnh 1

 Cán bộ BHXH huyện Lang Chánh dùng đèn flash của máy điện thoại tư vấn cho người dân quyền lợi khi tham gia BHXH, BHY T

Thấy rõ lợi ích của chính sách thông qua tuyên truyền

Lao động tự do, thu nhập bấp bênh, thiếu ổn định là những đặc trưng của lao động vùng miền núi, DTTS. Bà con hằng ngày phải xoay vần với gánh nặng mưu sinh, ăn bữa nay lo bữa mai, nói gì đến tham gia BHXH, BHYT.

Mường Lát là huyện nghèo vùng cao biên giới tỉnh Thanh Hóa, 90% dân số là đồng bào DTTS, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, hạ tầng giao thông khó khăn, đời sống xã hội rất lạc hậu. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn.

Ông Ngân Văn Hào (thị trấn Mường Lát) chia sẻ: “Chúng tôi sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Mùa màng tốt thì đủ ăn, mất mùa thì lao đao lắm. Thời gian qua, cán bộ BHXH thường xuyên đến từng hộ gia đình để tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia bảo hiểm, giúp chúng tôi hiểu về tầm quan trọng của BHXH, BHYT. Vì thế, dù thu nhập không ổn định, gia đình còn gặp khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết định tham gia để về già có chỗ dựa, đỡ vất vả cho con cháu”.

Theo Quyết định số 861/2021 của Chính phủ, huyện Mường Lát có 8 xã, thị trấn khu vực 3 đặc biệt khó khăn, 100% dân số được Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT miễn phí. Với những nỗ lực không ngừng của cán bộ, nhân viên BHXH huyện, tính hết năm 2023, tỷ lệ bao phủ BHYT của Mường Lát đạt 99%; số người tham gia BHXH là gần 2.000 người, trong đó trên 400 người tham gia BHXH tự nguyện.

Trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn huyện Mường Lát luôn đạt từ 98% trở lên, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện phát triển ổn định. Trong quá trình thực hiện chính sách, cơ quan BHXH huyện Mường Lát luôn đảm bảo chi trả chế độ của người tham gia đúng, đủ, kịp thời.

Tương tự như huyện Mường Lát, Lang Chánh là một huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, người dân sinh sống trên địa bàn chủ yếu là đồng bào các dân tộc. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, không quản khó khăn, gian khó, cán bộ BHXH huyện luôn tranh thủ lúc bà con ở nhà, chia nhau đến từng thôn, bản để tuyên truyền, vận động; phối hợp với các đoàn thể lồng ghép tuyên truyền vào các hoạt động chung để bà con dễ tiếp cận, vì thế chính sách BHXH, BHYT đã đến gần được với người dân hơn.

Tính đến ngày 24.5.2024, toàn huyện có 2.049 người tham gia BHXH bắt buộc; 914 người tham gia BHXH tự nguyện; 1.635 người tham gia BHXH tự nguyện; 40.757 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn huyện đạt 84,8%.

 Băng rừng đưa BHXH đến với bà con vùng cao - ảnh 2

Bà con chăm chú lắng nghe cán bộ tuyên truyền, phổ biến các chính sách, nghĩa vụ, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình

Vì lợi ích của người dân

Vùng DTTS và miền núi là “lõi nghèo” của cả nước, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 1/3 so với cả nước. Ngoài ra, do điều kiện địa lý, phương tiện thông tin, truyền thông còn hạn chế nên hầu hết bà con chưa hiểu hết giá trị, lợi ích mà BHXH, BHYT mang lại. Vì thế, việc tuyên truyền, vận động để bà con hiểu, chủ động trích một phần thu nhập tham gia BHXH để được hưởng lương hưu khi về già; tham gia BHYT để bảo vệ sức khỏe cho gia đình luôn là thách thức không nhỏ với những người làm công tác BHXH.

“Cán bộ BHXH chúng tôi luôn xác định chỉ khi nào hiểu dân, gần dân, được dân tin tưởng thì mới thực hiện tốt được mọi chính sách. Gặp một lần người dân chưa thông, chưa hiểu thì gặp nhiều lần họ sẽ hiểu, khi hiểu rồi sẽ quan tâm và tích cực tham gia”, chị Lê Mai An, cán bộ BHXH huyện Lang Chánh chia sẻ.

Chị An kể cho chúng tôi về câu chuyện khi đi tuyên truyền tại thôn Thung, xã Đồng Lương, thôn bản duy nhất của huyện Lang Chánh chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại cũng rất yếu, gần như không liên lạc được: “Lần đầu tiên chúng tôi tuyên truyền trong trạng thái không đèn điện, không máy chiếu, giống như một cuộc trò chuyện thì đúng hơn. Ngoài trời thì mưa to, trong nhà phải sử dụng ánh sáng từ điện thoại, tuy nhiên những ánh mắt háo hức, những mái đầu gật gù, chăm chú lắng nghe khi được tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện của bà con đã khiến chúng tôi ấm lòng hơn bao giờ hết”.

Với hơn 40 người tham dự, kết thúc buổi tuyên truyền, có 16 người tham gia BHXH tự nguyện, 2 người quả quyết nhất định tháng sau sẽ đăng ký tham gia với thời gian 5 năm cho cả hai vợ chồng. Đây thực sự là một kết quả ngoài sức tưởng tượng của đoàn cán bộ BHXH.

Ông Phùng Văn Trung, Phó Giám đốc BHXH huyện Mường Lát cho biết, thực tế cho thấy, tham gia BHXH, BHYT, đồng bào DTTS được hưởng nhiều quyền lợi trong khám, chữa bệnh cũng như chế độ khi về già. “Để tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, thời gian qua, BHXH huyện Mường Lát đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, trở ngại để đưa chính sách đến gần với bà con DTTS và nhân dân trên địa bàn”, ông Trung nói.

Với quyết tâm đưa BHXH đến với người dân vùng cao, BHXH tỉnh Thanh Hóa còn đa dạng trong các hình thức tuyên truyền, đơn cử như tại Liên hoan Văn nghệ dân gian Phiên chợ vùng cao năm 2023, với sự tham gia của 11 huyện miền núi, cơ quan BH đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn chính sách, hướng dẫn cài đặt ứng dụng VSSID, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; phát tờ rơi, tờ gấp và tổ chức truyền thông trên hệ thống loa tại gian hàng để người dân, du khách dễ dàng tiếp thu, nắm bắt đầy đủ các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT với chủ đề “An sinh vùng cao”, qua đó đã thu hút hàng nghìn lượt người dân vùng cao tham gia.

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh Thanh Hóa, thời gian tới, cơ quan BHXH các huyện vùng cao, biên giới sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp, chia sẻ dữ liệu với cơ quan bưu điện và hệ thống đại lý thu để tăng cường vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Cùng với đó, tích cực đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng tiếp cận trực tiếp với người dân, giúp bà con nắm bắt đầy đủ các chủ trương, chính sách, quy định về BHXH tự nguyện để từ đó tự nguyện tham gia, tạo sự lan tỏa của chính sách trong cộng đồng.