Người cao tuổi thay đổi thói quen nhận lương hưu

NGUYÊN KHANG

VHO - Thời gian qua, BHXH các quận/huyện của TP Hà Nội cùng các tổ chức đoàn thể đã đồng loạt ra quân, tuyên truyền, vận động đến người cao tuổi dùng ứng dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư để chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.

Người cao tuổi thay đổi thói quen nhận lương hưu - ảnh 1
Người cao tuổi đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ngân hàng

Bỏ thói quen nhận tiền mặt

Tại Nhà Văn hóa số 2, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, từ sáng sớm, ông Nguyễn Thế Hinh (tổ 4) đã được cán bộ BHXH quận, công an phường cùng đại diện các ngân hàng thương mại, tổ chức đoàn thể tại địa phương tiếp đón, hướng dẫn làm thủ tục thay đổi hình thức nhận chế độ BHXH hằng tháng. Chỉ sau chưa đầy 5 phút khai báo thông tin, ông Hinh đã hoàn thành thủ tục chuyển đổi lương hưu từ nhận trực tiếp sang nhận qua phương thức không dùng tiền mặt. Đồng thời, ông cũng được đại diện ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản để nhận lương qua tài khoản ngân hàng.

Ông Hinh cho biết, trước đây, tháng nào ông cũng phải đến điểm chi trả tại UBND phường Đồng Tâm để lĩnh lương. Mỗi lần như vậy, ông mất cả buổi sáng vì phải xếp hàng chờ đợi. Sau khi được tuyên truyền, tư vấn chuyển đổi hình thức nhận tiền hưu qua tài khoản cá nhân, ông thấy tiện lợi hơn nhiều.

Tại trụ sở UBND phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, ngay ngày đầu tiên thực hiện thủ tục, đã có rất đông người cao tuổi đến để mở tài khoản ngân hàng, chuyển đổi phương thức nhận lương hưu. Bà Ngô Thị Thu (75 tuổi) cho biết: “Giờ thành phố chi trả qua tài khoản nên tôi sẽ không phải xếp hàng chờ nữa. Tôi chưa có tài khoản ngân hàng, không biết máy ATM là gì, mắt cũng không nhìn rõ chữ nên nếu lĩnh lương qua tài khoản thì sẽ nhờ con cháu đi rút hộ”, Bà Thu cho hay.

Giống như bà Thu, nhiều người cao tuổi khác có thói quen dùng tiền mặt, nhận lương hưu trực tiếp tại điểm chi trả đã nhiều năm. Bên cạnh đó là tâm lý e ngại chuyển sang sử dụng tài khoản, thẻ ATM sẽ khó khăn do tuổi cao, tiếp cận công nghệ khó khăn… Nhưng sau khi được giải thích về sự an toàn, tiện lợi, tiết kiệm thời gian, phù hợp với xu thế thì ai cũng vui vẻ đồng ý.

Theo chủ trương của TP Hà Nội, người đã có tài khoản ngân hàng thì không cần mở thêm tài khoản mới mà chỉ đăng ký chuyển đổi hình thức nhận lương. Với người chưa có tài khoản thì được ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản tại các phòng giao dịch hoặc về địa bàn nơi cư trú. Những trường hợp già, yếu, di chuyển khó khăn sẽ được nhân viên đến tận gia đình để làm thủ tục. Tuy nhiên, do nhiều người chưa tiếp nhận được thông tin đầy đủ, nên ở một số địa phương có tình trạng tập trung nhiều cụ, chờ đợi cả buổi trong điều kiện thời tiết nóng bức, thậm chí có cụ già yếu, chống gậy hay đi xe lăn phải nhờ con cháu đưa ra các địa điểm để thực hiện chuyển đổi.

Được lựa chọn hình thức phù hợp để nhận lương hưu và trợ cấp

Thông tin từ BHXH Việt Nam cho biết, nhằm tạo thuận lợi nhất cho các cụ, đơn vị đã và đang triển khai song song các hình thức chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH. Do đó, người hưởng hoàn toàn có thể tự lựa chọn hình thức nhận phù hợp và tối ưu nhất đối với bản thân.

Thực hiện quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật BHXH 2014, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai đa dạng các hình thức chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH phù hợp theo nhu cầu của người thụ hưởng. Cụ thể, người hưởng có quyền lựa chọn hình thức nhận đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả: Trực tiếp từ cơ quan BHXH hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền; Thông qua tài khoản tiền gửi của người dân mở tại ngân hàng; Thông qua người sử dụng lao động.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán (BHXH Việt Nam) cho biết, nhằm đảm bảo chi trả chế độ BHXH đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia và thụ hưởng chính sách, song song với việc chi trả qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng, cơ quan BHXH vẫn tiếp tục thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH bằng tiền mặt đối với những người có nhu cầu.

Đặc biệt, tại hợp đồng ủy quyền chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp và quản lý người hưởng BHXH hằng tháng qua hệ thống bưu điện, BHXH Việt Nam đã quy định: Đối với người già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật, không có khả năng đi đến điểm chi trả để nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, cơ quan Bưu điện thực hiện chi trả miễn phí tận nơi cư trú cho người hưởng. Hình thức chi trả trong trường hợp đặc biệt này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, tạo thuận lợi tối đa giúp người thụ hưởng nhận chế độ đầy đủ, kịp thời.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, việc triển khai thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt là đúng với chủ trương của Chính phủ và có nhiều ưu điểm, tiện ích; giúp người hưởng không phải tập trung nhận tiền và ký danh sách tại các điểm chi trả nên tiết kiệm được thời gian và công sức đi lại; đảm bảo người hưởng nhận chế độ BHXH được đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn, đúng thời gian quy định... Ngoài ra, hình thức chi trả qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, góp phần tích cực trong việc thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó đem lại những lợi ích thiết thực cho người hưởng và góp phần vào công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế - xã hội… 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc