Ba người tại điểm tham quan ở Hà Nội bị chó dại cắn

VHO - Ba người gồm người dân, du khách và bảo vệ tại một điểm tham quan trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã bị chó dại cắn.

Ngày 31.7 Sở Y tế Hà Nội cho biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đang tiến hành giám sát, xử lý ổ dịch dại tại xã Hiền Ninh và Minh Phú (huyện Sóc Sơn).

Ba người tại điểm tham quan ở Hà Nội bị chó dại cắn - ảnh 1
Tiêm vắcxin phòng bệnh cho chó, mèo trên địa bàn huyện Sóc Sơn

Trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, sáng 25.7, trên địa bàn thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) xuất hiện một con chó dại, giống chó ta, nặng khoảng 15kg. Con chó dại này đã tiếp xúc và cắn 13 con chó, mèo của 4 hộ gia đình và cắn một người ở thôn.

Trưa cùng ngày, con chó dại trên di chuyển sang thôn Ninh Môn (xã Hiền Ninh) và tiếp tục cắn hai người là du khách và bảo vệ tại điểm tham quan Việt Phủ Thành Chương. Nhân viên tại đây đã đập chết chó và báo nhân viên thú y xã Hiền Ninh gửi mẫu đến Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, con vật đã dương tính với vi rút dại. Như vậy, tính đến nay, đã có 3 trường hợp người phơi nhiễm với bệnh dại. Các trường hợp này đã được xử lý vết thương, tư vấn tiêm chủng vắcxin và huyết thanh kháng dại theo đúng quy định.

Trước tình hình trên, UBND huyện Sóc Sơn đã họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các xã, thông báo tình hình dịch và thông báo đến người dân trên địa bàn để xác minh nguồn gốc con chó; đồng thời yêu cầu người dân trên địa bàn nuôi chó, mèo phải xích nhốt, không được thả rông.

UBND huyện cũng phân công nhiệm vụ cho các ban, ngành trong phòng, chống bệnh dại; bố trí đội tuần tra, tiêu diệt chó thả rông. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải tiêu hủy chó dại và 13 con chó, mèo tại thôn Lâm Trường đã tiếp xúc với chó dại theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Trước đó, vào đầu tháng 7, tại tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận một phụ nữ tử vong do mắc bệnh dại sau khi bị chó nhà cắn cách đó hơn một tháng.

Bệnh nhân là bà N.T.S (69 tuổi; ngụ ấp Phú Quý 2, xã La Ngà, huyện Định Quán). Khoảng đầu tháng 5.2024, vợ chồng bà S mua một con chó đem về nuôi nhốt trong cũi.

Trong quá trình chăm sóc, hai vợ chồng bà S bị con chó này cắn vào bàn tay. Khoảng 3 ngày sau, con chó chết và được chế biến thành món ăn sử dụng trong gia đình.

Do chủ quan, hai vợ chồng bà S đều không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại cũng như huyết thanh kháng dại mà tự xử lý vết thương tại nhà.

Đến ngày 27.6, bà S có biểu hiện sốt, người mệt mỏi, chán ăn, bần thần và rất dễ kích động. Sau đó, bà được người nhà đưa vào bệnh viện khám với chẩn đoán rối loạn tâm thần.

Ba người tại điểm tham quan ở Hà Nội bị chó dại cắn - ảnh 2
Bộ Y tế khuyến cáo cần tiêm vắcxin phòng bệnh ngay sau khi bị chó, vật nuôi cắn

Hai ngày sau, tình trạng bệnh nặng hơn, bà S được chuyển tuyến lên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai điều trị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bà bị rối loạn tri giác - nhiễm trùng chưa rõ nguyên nhân. Bệnh nhân uống được ít nước, sợ gió.

Tối 29.6, bệnh nhân có dấu hiệu nặng, sùi bọt mép, ngưng tim, ngưng thở được cấp cứu duy trì dấu hiệu sinh tồn và tử vong sau đó vài ngày. Kết quả xét nghiệm mẫu nước bọt của bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM dương tính với virus dại.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dại hiện vẫn chưa có phương pháp và thuốc điều trị triệt để nên khả năng tử vong gần như là 100%. Do đó, tất cả các trường hợp bị động vật nghi dại cắn đều cần tiêm phòng vắcxin dại.

Đại diện Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, cần tiêm vắcxin phòng dại khẩn trương khi vết cắn ở gần thần kinh trung ương của người như đầu, mặt, cổ... hoặc vết cắn thuộc vị trí có nhiều dây thần kinh như đầu các chi, cơ quan sinh dục.

Ngoài ra, có thể tiêm phòng dại kể cả khi bị động vật cào gây ra vết xước hoặc liếm vào các vùng da đang bị tổn thương, liếm vào niêm mạc hay các vùng dịch tiết khác trên cơ thể. Hoặc bị động vật có triệu chứng dại/ nghi bị dại/ không theo dõi được cắn.

Trên thế giới có nhiều loại vắc xin phòng dại, tuy nhiên hiện Việt Nam đang lưu hành 2 loại vắc xin phòng dại là vắcxin Verorab (Pháp) và vắcxin Abhayrab (Human Biological Institute, Ấn Độ).

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, hệ thống tiêm chủng VNVC cho hay, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, phác đồ tiêm phòng dại được phân chia thành 2 phác đồ là tiêm dự phòng trước phơi nhiễm và tiêm sau khi phơi nhiễm.

Cụ thể, tiêm dự phòng trước phơi nhiễm là phác đồ thực hiện tiêm phòng dại trước khi bị động vật cắn, gồm 3 mũi tiêm vào các ngày 0, ngày 7 và ngày 21 (hoặc ngày 28).

Tiêm vắc xin dại sau khi bị chó mèo cắn: Tiêm 4 mũi (với con vật được theo dõi 10 ngày) vào các ngày 0 – ngày 3 – ngày 7 – ngày 28; Hoặc tiêm 5 mũi (với con vật bị bệnh, chết, không được theo dõi) vào các ngày 0 – ngày 3 – ngày 7- ngày 14 – ngày 28.

Theo thông tin từ các trung tâm tiêm chủng và các cơ sở y tế, chi phí tiêm phòng dại được xác định phụ thuộc vào huyết thanh kháng dại và tình trạng vết thương sau khi bị động vật tấn công.

Thông thường, giá tiêm phòng dại dao động khoảng từ 250.000 - 350.000 đồng/liều. Chi phí cho huyết thanh kháng dại được xác định dựa trên thể trọng người tiêm bởi liều lượng huyết thanh được tiêm sẽ phụ thuộc vào thể trọng khác nhau của mỗi người (ml/kg), chi phí tiêm huyết thanh sẽ giao động từ 450.000 đồng đến 750.000 đồng.

Theo Q.HOA