“Ai rồi cũng già...”

T.LAM

VHO - Phụ nữ giai đoạn suy giảm nội tiết tố không chỉ gây ra thay đổi về thể chất và tinh thần, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý như loãng xương, tim mạch... Do đó, cần chú trọng phòng ngừa, quản lý và điều trị sớm nhằm giúp phụ nữ duy trì sức khỏe và chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Chăm sóc phụ nữ giai đoạn suy giảm nội tiết tố (do tình trạng thiếu hụt estrogen) thường được gọi là phụ nữ tuổi “xế chiều" không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là một yếu tố mang tính cộng đồng, góp phần tạo tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

“Ai rồi cũng già...” - ảnh 1
Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em phát biểu tại hội thảo

Ngày 18.10 hằng năm được chọn là ngày World Menopause Day (ngày Mãn kinh thế giới) nhằm nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của suy giảm nội tiết tố đến sức khỏe và cuộc sống của phụ nữ.

Phát biểu tại hội thảo khoa học "Liệu pháp nội tiết mãn kinh" do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) tổ chức tại Hà Nội hưởng ứng ngày World Menopause Day, ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cho biết, theo thống kê năm 2021, Việt Nam có khoảng 13 triệu phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh (45-69 tuổi), chiếm tỉ lệ cao trong dân số.

Sau giai đoạn này, phụ nữ còn kéo dài tuổi thọ thêm 20-30 năm, tương đương một phần ba cuộc đời, nhưng phải đối mặt với suy giảm chất lượng cuộc sống như bốc hỏa, mất ngủ, mệt mỏi, giảm ham muốn, đau xương khớp, loãng xương và các hậu quả lâu dài về tim mạch, suy giảm trí nhớ…

“Rất nhiều phụ nữ "chịu đựng" thời kỳ này một cách âm thầm do thiếu thông tin cơ bản về các triệu chứng và phương pháp điều trị. Vì vậy, tăng cường chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong giai đoạn thiếu hụt estrogen là vấn đề cấp thiết”, ông Đinh Anh Tuấn nói.

Tại hội thảo các chuyên gia chuyên ngành sức khoẻ sinh sản đã nhấn mạnh vai trò của ngành y tế trong việc quản lý, chăm sóc sức khỏe phụ nữ ở giai đoạn suy giảm nội tiết tố, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ Việt Nam.

Thực tế cho thấy, phần lớn phụ nữ gặp các triệu chứng suy giảm nội tiết tố lại lầm tưởng đến các chuyên khoa khác như thần kinh, cơ-xương-khớp… Việc chưa tìm đúng chuyên khoa tư vấn, khiến phụ nữ mãn kinh chưa nhận được sự chăm sóc và điều trị tốt về bệnh lý thực sự của mình. Vì vậy các chuyên gia kêu gọi phụ nữ hãy đến cơ sở y tế để khám và chia sẻ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe, triệu chứng rối loạn để được tư vấn điều trị liệu pháp nội tiết một cách có hiệu quả.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm bổ sung nội tiết phù hợp với các chị em. Trong đó, các trị liệu nội tiết mãn kinh được ngành y tế và các hiệp hội y khoa thế giới khuyến cáo sử dụng là estrogen nguồn gốc tự nhiên (17 beta-estradiol). Các loại estrogen có thể dùng qua đường uống, thuốc thẩm thấu qua da (tạo hiệu quả tốt, ít tác dụng phụ so với đường uống) và dạng gel bôi…

Bên cạnh đó, để duy trì chất lượng cuộc sống vui khoẻ, phụ nữ tuổi “xế chiều" cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng ăn uống lành mạnh, tập thể dục tăng cường sức khoẻ; giữ tinh thần khỏe mạnh cùng tâm thế lạc quan, tích cực; thăm khám sức khỏe định kỳ, tham khảo ý kiến bác sĩ về nhu cầu bổ sung nội tiết và thuốc điều trị…

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc