Bình Định:

5 năm cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Bài, ảnh: PHAN HIẾU

VHO - Trong 5 năm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đến nay, Bình Định có 90 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đoàn kết xây dựng

Với phương châm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh Bình Định tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp công sức, cơ sở vật chất tạo điều kiện cho cuộc vận động được triển khai thuận lợi.

Cụ thể, nhân dân đóng góp trên 854.000m2 đất, hàng nghìn mét tường rào, trên 124.000 ngàn ngày công lao động và trên 185 tỉ đồng để làm đường giao thông nông thôn, bê tông hóa kênh mương và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Chưa kể, Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Vận động cứu trợ” các cấp trong toàn tỉnh này vận động thu trên 156 tỉ đồng.

5 năm cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” - ảnh 1
Tỉnh ủy Bình Định trao tặng Bằng khen cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động

Cùng với các nguồn hỗ trợ khác, nhân dân góp phần hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trên 2.500 ngôi nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với trị giá trên 100 tỉ đồng; hỗ trợ sinh kế cho hơn 1.900 hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, phối hợp tuyên truyền thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh Bình Định có 217 sản phẩm OCOP.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực với tỷ lệ hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt trên 95% và trên 90% khu dân cư (thôn, làng, khu phố) đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa.

Nhìn lại chặng đường 5 năm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định chia sẻ: “Cuộc vận động đã tác động to lớn đến mọi mặt đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội của các tầng lớp nhân nhân ở địa bàn dân cư. Qua đó khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, các hộ gia đình giúp nhau về vốn, cây trồng vật nuôi để đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đô thị. Đồng thời, nhân dân góp công, góp của xây dựng cầu dân sinh, bê tông hóa đường giao thông, kênh mương nội đồng, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Phát huy hiệu quả hơn cuộc vận động

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, đến năm 2025 Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung. Trong đó, tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 45,3% trở lên; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt trên 91% tổng số xã trong tỉnh, 36 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5 - 2%/năm.

Để thực hiện hiệu quả cuộc vận động trong giai đoạn mới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định mong muốn các cấp trong tỉnh cần phát huy dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tự quản, tự bàn bạc, quyết định sự đóng góp công sức, trí tuệ trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đặc biệt, phải gần dân, sát dân, vận động kết nối nhân dân, giải thích để người dân hiểu rõ, đồng thuận, thấy được lợi ích khi thực hiện cuộc vận động, từ đó họ mới tích cực tham gia.

5 năm cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” - ảnh 2
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư

Theo bà Nguyễn Thị Phong Vũ, Chủ tịch MTTQ các cấp trong tỉnh Bình Định, các tổ chức thành viên của mặt trận cần quan tâm, tích cực đa dạng hóa các kênh truyền thông, chủ động phối hợp các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, vận động, góp phần nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Cùng với đó, tích cực tham gia, quan tâm công tác thi đua khen thưởng, nhất là tôn vinh, khen thưởng tập thể, gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp cho cộng đồng để tạo sức mạnh lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Định hướng nhằm phát huy hiệu quả cuộc vận động trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng bày tỏ: MTTQ các cấp cần phát huy vai trò chủ thể của người dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện cuộc vận động. Nói rõ hơn là tích cực lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, phản ánh được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. “Phát huy hiệu quả các mô hình tự quản ở cộng đồng, vai trò của các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong tham gia thực hiện cuộc vận động”, ông Hồ Quốc Dũng thẳng thắn nói.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Định cũng yêu cầu MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cần huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, xây dựng, cải tạo hạ tầng kinh tế - xã hội; hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người yếu thế trong xã hội, thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội; tập trung xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bình Định thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.