27.000 tỷ khôi phục “con đường di sản” tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt

VHO -Việc khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được mong đợi sẽ mang lại nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch. Hiện nay, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng được giao nghiên cứu dự án và có đề xuất tổng mức đầu tư khoảng 27.700 tỷ đồng khôi phục tuyến đường sắt này. Nếu việc khôi phục thành công sẽ tạo ra "con đường di sản" độc đáo nối liền Ninh Thuận – Lâm Đồng.

27.000 tỷ khôi phục “con đường di sản” tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt - Anh 1

Một đoạn đường sắt Trại Mát - Đà Lạt được sử dụng khai thác phục vụ khách du lịch

“Con đường di sản” độc đáo

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có buổi làm việc với Bộ GTVT về chủ trương đầu tư dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt. Tại đây, ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao tâm huyết đầu tư, ý tưởng đề xuất của đơn vị chủ đầu tư. Ông Trần Quốc Nam đề nghị chủ đầu tư cần nghiên cứu sâu kỹ, có phương án đầu tư phù hợp, khả thi, tính kết nối, phù hợp quy hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá đây là dự án lớn, nhiều tham vọng, con đường di sản, độc đáo theo ý tưởng đề xuất của chủ đầu tư. Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị đơn vị tư vấn, chủ đầu tư cần lấy ý kiến góp ý của các đơn vị, địa phương liên quan nhằm tăng tính kết nối, thu hút du lịch; làm rõ tính khả thi của dự án, bám sát mục tiêu theo hướng phát triển bền vững.

Trước đó, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận giao Công ty CP Thương mại Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt theo hình thức PPP.

Công ty Bạch Đằng có trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đường sắt và các quy định pháp luật khác; đảm bảo phù hợp với quy hoạch, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình.

Thời hạn nộp hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư đề xuất trước ngày 31.12.2022. Dự kiến, dự án dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có chiều dài tuyến khoảng 83,5 km, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận dài 49 km. Đầu tuyến là ga Tháp Chàm, cuối tuyến là ga Đà Lạt. Trong đó, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận 49 km có 17 ga và trạm. Bên cạnh đó có 64 cầu, 5 hầm và 16 km lắp đặt đường ray răng cưa (đoạn quan Ninh Thuận 8 km). Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 27.780 tỉ đồng. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi, chấp thuận chủ trương và triển khai thực hiện vào năm 2024, hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác thương mại năm 2030.

27.000 tỷ khôi phục “con đường di sản” tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt - Anh 2

Một đoạn đường sắt răng cưa quý còn được lưu giữ đến ngày nay

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Nam, nhấn mạnh: “Nếu dự án này thông suốt sẽ tạo ra giá trị độc đáo cho Ninh Thuận, Lâm Đồng và cả Nam Trung Bộ…Tuyến đường sắt này sẽ là “con đường di sản” kết nối các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế”.

Tuyết đường sắt độc đáo bậc nhất thế giới trong quá khứ

Năm 1901, Paul Doumer kí sắc lệnh lập tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Tuyến đường phải vượt qua những dãy núi cao cùng nhiều vực sâu, thác ghềnh, trong khi việc mở đường chỉ chủ yếu thực hiện bằng sức người và những dụng cụ thô sơ.

Đến năm 1932, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt với tổng chiều dài 84km; qua 9 nhà ga, 5 đường hầm xuyên núi, 2 cầu lớn, 2 đèo cao là Ngoạn Mục và Đran chính thức hoàn thành với tổng chi phí hết hơn 200 triệu Franc.

Tuyến đường có 3 đoạn phải chạy trên những đoạn đường sắt răng cưa với độ dốc 12% (trong khi độ dốc tuyến đường ở đèo Furka tương tự bên Thụy Sĩ tối đa là 11,8%) gồm Sông Pha - Eo Gió (độ cao từ 186m - 991m), Đơn Dương - Trạm Hành (cao 1016m - 1515m), Đa Thọ - Trại Mát (cao từ 1402m - 1550m).

Cơ chế hoạt động của tuyến đường sắt chia làm 2 giai đoạn. Quãng đường từ Phan Rang lên Krông Pha khá bằng phẳng nên chạy bằng đầu máy loại thường, mỗi đầu có thể kéo 20 toa. Khi tới Krông Pha thì phải thay bằng đầu máy vượt đèo, lúc này mỗi đầu máy chỉ kéo được tối đa khoảng 65 tấn, tương đương 4 toa. Thời gian trung bình đi từ ga Tháp Chàm lên Đà Lạt mất khoảng 3 tiếng.

27.000 tỷ khôi phục “con đường di sản” tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt - Anh 3

Ga Đà Lạt một trong số nhà ga đẹp bậc nhất Đông Dương, nơi có tuyến đường sắt răng cưa chạy qua

Để vượt đèo, mỗi đầu máy có lắp hệ thống bánh răng, khi lên đèo, lái tàu sẽ điều kiển cho hệ thống này “ngoạm” chặt vào đường răng cưa nằm giữa 2 đường ray để leo lên dốc. Nếu như ở đường bằng, tàu có thể chạy với tốc độ 60km/h thì ở những đoạn răng cưa chỉ đạt khoảng 10 - 25km/h.

Từ sau ngày giải phóng 30.4.1975, tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm đưa vào vận hành lại được 7 chuyến. Nhưng lúc bấy giờ cầu Tân Mỹ, thuộc địa phận Ninh Sơn, Ninh Thuận chưa sửa chữa xong nên tàu không thể về đến Tháp Chàm. Tiếp đó, đoạn Tháp Chàm - K’rông Pha được sửa chữa lần 1 vào năm 1978 và lần 2 vào năm 1985, song cũng không thể đưa vào hoạt động trở lại.

Năm 1990, Công ty Đường sắt Thụy Sĩ đã mua lại các đầu máy hơi nước của tuyến đường sắt leo núi Đà Lạt - Tháp Chàm. Sau đó, khung sườn và các bộ phận truyền động cho hệ thống răng cưa của đầu máy cũng đưa về Thụy Sĩ vào năm 1997. Từ đó, đoạn đường sắt răng cưa Đà Lạt - Tháp Chàm gần như bị hủy bỏ, còn lại đoạn Trại Mát - Đà Lạt được ngành Đường sắt khôi phục vào năm 1991 để vừa khai thác vận tải vừa làm du lịch.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc