Ai về chợ Ú Đại Sơn…
VHO - “Ai về chợ Ú Đại Sơn, Mua con trâu mộng lập nên đại điền”, câu ca xưa lưu truyền trong giới thương lái trâu, bò ở khắp nhiều nơi trong cả nước. Từ câu ca, chúng tôi tìm về chợ Ú xã Bạch Hà, Nghệ An (trước đây là xã Đại Sơn, huyện Đô Lương). Chợ bắt đầu họp tờ mờ sáng cho đến gần trưa, thu hút rất đông thương lái ở các địa phương khác đến mua bán.

Chợ họp mỗi tháng sáu phiên, vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26 âm lịch. Từ khi Nghệ An mở tuyến đường N5 chạy qua chợ, giao thương càng trở nên thuận lợi, tấp nập hơn.
Chợ Ú được ví như “sàn giao dịch trâu bò” lớn nhất khu vực miền Trung, mỗi phiên chợ có hàng chục xe trọng tải lớn chở trâu, bò từ khắp mọi miền đổ về để trao đổi, mua bán. Nhiều ngành nghề, dịch vụ “ăn theo”, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chợ trâu, bò lớn nhất miền Trung
Gần 5h sáng trung tuần tháng 7, chúng tôi có mặt tại chợ Ú. Con đường dẫn đến khu chợ dường như chật hẹp lại vì dòng người và phương tiện ra vào tấp nập. Đến khu vực tập kết chính có diện tích lên đến 5.000m2 đã đầy ắp trâu, bò. Kẻ bán, người mua ồn ào, náo nhiệt, tiếng gọi nhau í ới... tạo nên nét riêng biệt của phiên chợ trâu bò lớn nhất miền Trung.
Trời dần sáng đã rõ mặt người, chợ Ú ồn ào, náo nhiệt hơn, tiếng gọi nhau í ới, tiếng thương lượng trả giá, tiếng những chú trâu ọ, bò rống ò vang cả góc chợ. Kẻ bán, người mua hào hứng ra giá, hồ hởi đếm tiền trao trâu, dắt bò…, tất cả làm nên đầy sinh động của phiên chợ trâu bò Bạch Hà.
Ngoài phục vụ sản xuất, trâu còn trở thành hàng hóa cung cấp thực phẩm có giá trị kinh tế cao. Bởi vậy, tuỳ trọng lượng và sức khoẻ, mỗi con trâu sẽ có giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Có mặt tại phiên chợ từ sáng sớm, anh Cao Văn Đồng ở Xã Can Lộc (Hà Tĩnh) gắn bó với chợ Ú nhiều năm nay phấn khởi cho hay: “Tôi buôn bán ở chợ trâu, bò này nhiều năm nay. Ngày chợ phiên bất kể nắng mưa, khoảng 4h sáng, chợ đã nhộn nhịp, nhưng đến gần khoảng 10h chợ đã vãn”.
Mỗi phiên chợ, anh Đồng buôn từ Hà Tĩnh sang Nghệ An từ 8 - 10 con trâu, bò. Có phiên thuận lợi anh chỉ bán trong buổi sáng, nhưng có những lúc cũng phải chờ đến hết buổi mới bán được. Thậm chí không bán hết lại phải chở về nhà hoặc thuê dân ở đây chăm sóc chờ phiên chợ sau đem ra bán tiếp.
Nguồn trâu, bò ở chợ Ú khá đa dạng, được thương lái thu mua từ khắp nơi trong cả nước trước khi đưa về đây để giao dịch. Trong những năm gần đây, một số người còn đưa trâu, bò từ các nước khác như Lào, Thái Lan, Ấn Độ… về chợ Ú để mở rộng nguồn hàng.
Ông Tô Văn Tam xã Bạch Hà (Nghệ An), chủ một cơ sở chuyên thu gom trâu, bò cho biết: “Chúng tôi chung nhau cùng các thương lái thu gom 200-300 con trâu, bò từ khắp nơi, chủ yếu ở Lào và Thái Lan đưa về đây mở bán cả ngày cho các khách hàng trong vùng, tỉnh và xuất sang cả Trung Quốc. Tất cả trâu, bò mua về đều được cơ quan y tế kiểm dịch, xe tải, chuồng trại được phun khử trùng đầy đủ”.
Theo nhiều thương lái chuyên thu gom trâu, bò, để thu mua được lượng trâu, bò lớn, hằng ngày “giao dịch” lên đến hàng ngàn con. Tại xã Bạch Hà có đội quân hàng trăm người chuyên đi tìm hàng trâu, bò từ khắp nơi. Những lái buôn phải lặn lội nhiều ngày trong các bản làng vùng cao trong tỉnh và ở Thái Lan, Lào để chọn mua trâu, bò tốt, khỏe mạnh rồi đưa về xã Bạch Hà.
Chợ Ú cũng vì thế được cánh thương lái đánh giá là chợ trâu bò lớn nhất vùng miền Trung Bộ khi mà mỗi phiên chợ ở đây có thời điểm tiêu thụ khoảng 1.500 - 1.800 con trâu, bò các loại.
Kinh nghiệm dân gian chọn hàng
Đến chợ Ú, người ta không chỉ mua trâu, bò mà còn để học hỏi kinh nghiệm mua bán, chọn giống, trao đổi cách chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò, tham khảo giá cả thị trường. Chợ được chia thành hai khu vực để bán trâu và bò riêng.
Trong từng khu vực lại phân chia thành vị trí để mua bán trâu bò để nuôi hoặc để xẻ thịt. Theo kinh nghiệm của các thương lái, chọn trâu bò để về làm thịt, thường chọn những con to béo, da xù xì, lông to vì những con này sẽ cho nhiều thịt, xương nhỏ.
Trâu bò nuôi lại cầu kỳ hơn. Có hai câu cửa miệng cũng là kinh nghiệm trong chọn mặt hàng này mà bất cứ thương lái nào trong nghề cũng biết đến, đó là phải chọn những con có các đặc điểm “mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn”, hay là “chân cao, mình dài, đuôi bẹ dừa” là “tướng” tốt, nuôi chóng lớn, ít bệnh tật, khỏe mạnh dùng để nhân giống.
Còn những con trâu, bò mà có “đầu tang, xoáy tóc, hàm sà” thì bị loại ngay, bởi vì “trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi”. Ngoài phục vụ sản xuất, trâu còn trở thành hàng hóa cung cấp thực phẩm có giá trị kinh tế cao. Bởi vậy, tuỳ trọng lượng và sức khoẻ, mỗi con trâu sẽ có giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Đến gần trưa chợ đã vãn dần, chúng tôi bắt gặp ông Lầu Bá Xềnh đến từ xã Con Cuông (Nghệ An) đứng cạnh một con trâu. Ông cho biết, “xuống đây mới có nhiều trâu, bò để lựa chọn. Tôi vừa chọn được con trâu này, khoảng hai năm tuổi thôi, vừa làm giống vừa làm sức kéo và phục vụ sản xuất”.
Ở chợ Ú, tùy độ tuổi, trọng lượng của từng con mà có giá chênh lệch khác nhau, tuy nhiên về cơ bản dao động trong khoảng từ 10- 80 triệu đồng một con trâu, bò. Trong đó, một trâu đực loại to bán với mức giá 35-75 triệu đồng, còn nghé, me giá 10-25 triệu đồng/con.

Nâng cao thu nhập cho người dân
Từ chiều hôm trước diễn ra phiên chợ, nhiều xe chở trâu, bò đã tập kết khắp các đường làng quanh chợ Ú. Một loạt dịch vụ ăn theo đã ra đời. Nào là nơi bán thức ăn, nước uống cho trâu, bò. Có nhà dựng lán trại để chủ trâu, bò thuê làm chỗ nhốt tạm.
Bà Nguyễn Thị Xuân, người dân sống gần chợ Ú đang bỏ cỏ cho trâu, bò ăn cho hay: “Mỗi phiên chợ, tôi bán thức ăn, cho thuê chỗ nhốt tạm trâu, bò cũng kiếm được ít tiền. Mỗi con thuê nhốt được 15.000 - 20.000 đồng. Mỗi tháng có 6 phiên họp, trừ các khoản chi tiêu hằng ngày, gia đình cũng tích cóp được một khoản”.
Nhiều lái buôn đến từ các tỉnh xa, họ mang theo hàng chục con trâu, bò. Một mình chẳng thể cáng đáng hết, họ sẵn sàng chi tiền cho người dân địa phương “đòi trâu” dắt thuê. Ở chợ Ú này, những người theo nghề “đòi trâu” là trẻ em, phụ nữ. Mỗi con trâu, bò được thuê dắt có giá dao động từ 4.000 - 7.000 đồng cho một chiều.
Ngoài việc người dân buôn bán trâu, bò ở chợ Ú, địa bàn xã còn có khoảng 80 chuồng trại của người dân với diện tích lớn được người dân địa phương dựng lên cho các “đầu nậu” thuê để “gom” trâu, bò ở Lào, Thái Lan về, và hằng ngày giao dịch mua bán trao đổi luôn chứ không chờ đến phiên chợ. Các cơ sở thu gom này cũng mang lại một khoản thu nhập khá lớn.
Sau khi thu mua đủ số lượng, các đầu nậu sẽ thuê xe để vận chuyển trong và ngoài nước. Ngoài ra, các hộ dân trực tiếp buôn bán trâu, bò, dắt, chăm sóc, cho thuê chuồng trại còn có nhiều hộ mua trâu, bò về vỗ béo rồi bán lại. Theo tính toán, nếu nuôi khoảng một tháng cũng mang lại lợi nhuận từ 2-3 triệu đồng/con.
Ông Nguyễn Cảnh Lâm, Trưởng phòng Kinh tế xã Bạch Hà (Nghệ An) cho biết: “Toàn xã hiện có trên 500 hộ kinh doanh, buôn bán trâu bò, trong đó có 300 hộ kinh doanh chuyên nghiệp, đã thúc đẩy phát triển ngành nghề dịch vụ, thương mại của địa phương. Đặc biệt chợ Ú đem lại thu nhập cao gần như ổn định cho người dân, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương”.