Ca phẫu thuật “đặc biệt” cho người thương binh - bác sĩ Quân y mang trong mình mảnh đạn hơn nửa thế kỷ
VHO - Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27.7, câu chuyện của bác sĩ Quân y, thương binh Ngụy Đình Quảng (75 tuổi, ở Nghệ An) một lần nữa nhắc nhở thế hệ hôm nay: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương cả thể chất lẫn tinh thần vẫn cần được y học tiếp tục chữa lành, bằng lòng biết ơn và trách nhiệm.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận và điều trị trường hợp bác sĩ - thương binh Ngụy Đình Quảng bị tổn thương thần kinh trụ cánh tay phải, nơi vẫn găm mảnh đạn từ chiến tranh, kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Ông Quảng từng chiến đấu tại Quảng Trị và chiến trường Tây Nam. Trong một trận chiến, mảnh đạn đã găm vào tay phải của ông, do điều kiện chiến tranh khốc liệt, vết thương chỉ được xử lý tạm thời. Mảnh kim loại dần trở thành một phần cơ thể ông suốt nhiều thập kỷ.
Những năm gần đây, cánh tay của ông xuất hiện tình trạng tê bì, yếu, đau tăng khi vận động, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Sau nhiều lần thăm khám ở các cơ sở y tế, ông đã đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để điều trị.
Tại đây, người bệnh có chỉ định phẫu thuật giải phóng chèn ép thần kinh trụ tay phải do PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương Chỉnh hình 1 cùng ê kíp thực hiện. Dị vật kim loại được xác định nằm sâu, gần các cấu trúc quan trọng và không gây chèn ép trực tiếp nên không được lấy ra để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Ca mổ diễn ra trong khoảng 15 phút, thực hiện nhanh chóng, chính xác để giảm thiểu can thiệp do người bệnh là người cao tuổi, có bệnh nền mạn tính. Sau mổ, dù mảnh đạn vẫn nằm trong cơ thể nhưng chức năng vận động đã cải thiện rõ rệt, người bệnh phục hồi ổn định, không có biến chứng.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh chia sẻ: “Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức không chỉ là đơn vị tuyến cuối về điều trị ngoại khoa mà còn là nơi luôn trân trọng, biết ơn những người đã hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc. Việc tiếp nhận, chăm sóc và điều trị cho thương binh, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí… vừa là trách nhiệm chuyên môn, vừa là một phần trong sứ mệnh của bệnh viện - nơi mà tinh thần hữu nghị không chỉ nằm ở tên gọi, mà còn thể hiện qua từng hành động chăm sóc và điều trị cho người bệnh”.