Lễ hội Trung thu năm 2024 giữa lòng phố cổ Hoa Lư

HÀ QUYÊN

VHO - Là hoạt động thường niên do Bộ VHTTDL chỉ đạo Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, năm nay, lần đầu tiên, Lễ hội Trung thu năm 2024 sẽ diễn ra tại địa điểm mới là Sân khấu Thủy đình, Khu Phố cổ Hoa Lư (đường Trần Hưng Đạo, phường Tân Thành, TP Ninh Bình, Ninh Bình).

Lễ hội Trung thu năm 2024 giữa lòng phố cổ Hoa Lư - ảnh 1
Diễu hành đường phố

 BTC cho biết, Lễ hội Trung thu năm 2024 diễn ra từ ngày 13 - 16.9, gồm chuỗi hoạt động đậm nét Trung thu truyền thống. Sân khấu Thủy đình giữa lòng phố cổ Hoa Lư sẽ trở thành địa điểm lý tưởng dành cho không gian sắp đặt và các hoạt động trải nghiệm, chương trình nghệ thuật hấp dẫn dành cho thiếu nhi. Điểm nhấn của lễ hội là chương trình khai mạc với sự tham gia giao lưu, biểu diễn của NSND Xuân Bắc, “Anh trai vượt ngàn chông gai” NSND Tự Long, các nghệ sĩ, diễn viên, CLB Thiếu nhi với chương trình nghệ thuật tổng hợp được dàn dựng công phu dành tặng các em nhỏ của TP Ninh Bình và khách tham quan.

Nhân dịp này, BTC cùng đối tác sẽ tặng nhiều phần quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Ninh Bình. 5.000 chiếc bánh trung thu sẽ được gửi tặng đến các thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu 2024. Khu trưng bày sắp đặt “Tết Trung thu qua những món đồ chơi” mang đến một không gian vui Tết Trung thu theo phong cách truyền thống, qua những đồ chơi trung thu rực rỡ sắc màu, với đèn kéo quân, đầu lân sư, tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi, lồng đèn cá chép, đèn ông sao, tò he, thiên nga bông, trống ếch... Không gian lung linh và đậm nét truyền thống này chắc chắn sẽ là điểm checkin không thể bỏ lỡ tại Lễ hội Trung thu 2024.

Lễ hội Trung thu năm 2024 giữa lòng phố cổ Hoa Lư - ảnh 2
Trải nghiệm làm đèn ông sao

Chuỗi hoạt động vui chơi, sáng tạo đặc sắc cũng sẽ mang đến trải nghiệm thú vị cho các em nhỏ. Với hoạt động trải nghiệm nghề truyền thống, làm đồ chơi, đồ thủ công, các em được tự mình nặn gốm, vuốt gốm, ghép tranh gốm, đan móc thủ công, làm dép lốp, ép hoa khô, thêu thổ cẩm, chần bông ghép vải... Cùng với đó là các trải nghiệm với những bộ môn nghệ thuật xiếc - tạp kỹ, múa rối, ca - múa - nhạc - khiêu vũ, thời trang nhí; trải nghiệm các môn thể thao, biểu diễn võ thuật cổ truyền, múa lân - sư - rồng; hướng dẫn kỹ năng an toàn phòng cháy chữa cháy, trải nghiệm làm lính cứu hỏa với các hoạt động hữu ích về phòng cháy chữa cháy như hỏi đáp về phòng cháy chữa cháy, hướng dẫn các kỹ năng thoát nạn khi gặp sự cố cháy nổ như thử vào nhà khói thoát nạn, dùng bình chữa cháy, học sơ cứu...; trải nghiệm “Trang sách với tuổi thơ” với không gian đọc sách miễn phí; trải nghiệm “Chạm vào thế giới sắc màu” - nơi các em được đắm chìm vào bảng màu rực rỡ của thế giới hội họa để tự tay vẽ nên nơi mình muốn đến, chinh phục và khám phá những điều mới mẻ như trải nghiệm mỹ thuật trên trứng khủng long, ký họa, trang trí tranh gỗ, ghép tranh gỗ…; trải nghiệm “Lái xe an toàn”; các trải nghiệm, trò chơi học tập, tư duy, sáng tạo, lắp ráp: Làm đồ thủ công; thử thách siêu trí nhớ, mini game có thưởng…

Khu vui chơi trẻ em được thiết kế với các thiết bị vận động ngoài trời, tàu hỏa, máy bay, nhà phao… Các em nhỏ còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian như ô ăn quan, cướp cờ, đánh chuyền, bịt mắt bắt dê, cà kheo, nhảy sạp, nhảy bao bố, nhảy lò cò…

Xuyên suốt lễ hội là các chương trình nghệ thuật đặc sắc: Chương trình nghệ thuật tạp kỹ “Vui đón Trung thu”, Fashion show “Ngày xửa, ngày xưa”, chương trình nghệ thuật “Ánh trăng tuổi thơ”; chương trình nghệ thuật - trình diễn thời trang “Vọng nguyệt - Ký ức miền cố đô”, chương trình nghệ thuật - thời trang “Vườn cổ tích”, chương trình “Đêm hội Trăng rằm” diễu hành đường phố đón trăng, rước đèn trông trăng, trình diễn nghệ thuật dân gian hiện đại. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc