Áo dài ngũ thân trở lại:

Không chỉ là trào lưu

ANH TUẤN

VHO - Suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm văn hiến, cha ông ta đã để lại cho con cháu một kho tàng văn hóa trang phục đa dạng và đặc sắc, trong đó có áo dài ngũ thân. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, tấm áo dài vẫn được yêu thích và sử dụng rộng rãi, với những hội tụ của truyền thống và hiện đại…

 Không chỉ là trào lưu - ảnh 1

 Lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội

“Tôi luôn ưu tiên lựa chọn áo dài ngũ thân trong các sự kiện trang trọng cũng như cho các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống trên sân khấu. Tôi và các nghệ sĩ, nghệ nhân luôn tâm niệm: Ngoài sứ mệnh trình diễn, giới thiệu các loại hình nghệ thuật của Việt Nam, thì đây chính là môi trường quảng bá hình ảnh áo dài tới khán giả và bạn bè quốc tế”, bà Tạ Hạnh, Chủ nhiệm CLB Ca nhạc truyền thống UNESCO, Chủ nhiệm CLB Nghệ thuật Hát Xẩm Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống - Kinh nghiệm của cộng đồng và nhà quản lý” diễn ra cuối tuần qua. Theo đó, trang phục này đã được CLB lựa chọn tất cả các diễn viên, nhạc công, MC… tại sân khấu phố cổ của Thủ đô.

Từ sau năm 2013, phong trào hồi sinh cổ phục Việt Nam, đặc biệt là áo dài ngũ thân dần manh nha qua hình thức các hội nhóm “cổ phong”. Trong khoảng thời gian 5 năm đổ lại, phong trào phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của nhiều thương hiệu, kéo theo các dự án sản phẩm truyền thông đại chúng ứng dụng Việt phục ngày càng nhiều. Khán giả đại chúng đã có những phản ứng tích cực, mong muốn khoác lên mình bộ trang phục Việt Nam truyền thống trên mọi miền Tổ quốc. Từ những bộ ảnh, những thước phim lan tỏa trên mạng xã hội cho đến trào lưu chụp kỷ yếu, ảnh cưới... ngày càng nhiều các bạn trẻ chọn Việt phục trong dịp trọng đại của mình. Đó là kết quả tích cực sau nhiều năm tháng phát triển của các đơn vị, hội nhóm nghiên cứu và phục dựng Việt phục…

Không chỉ có tầm quan trọng với những người lớn tuổi và tầng lớp trung niên, mà hơn ai hết, trào lưu mặc áo dài ngũ thân, đang đi sâu và nở rộ trong thế hệ Gen Z. Điều này cho thấy giới trẻ không hề thờ ơ với các giá trị di sản văn hóa dân tộc mà ngược lại, chính họ đang là những người tiên phong, giữ lửa, mang tính kế thừa trong bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Anh Trúc Đồng, một kỹ sư máy tính tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chiếc áo năm thân và chiếc khăn vấn đầu đã theo chân tôi đi suốt một hành trình dài, trở thành cầu nối để chúng tôi xích lại gần hơn với di sản ông cha… Một điểm mà tôi thường nhận thấy, thế hệ Gen Z có xu hướng cởi mở hơn khi tiếp nhận tinh hoa dân tộc, biết chắt lọc những cái hay cái đẹp để tiếp thu. Chắc hẳn chúng ta sẽ có nhiều cảm xúc khó tả khi được biết tấm áo, vành khăn này đã trải qua hàng trăm năm lịch sử. Nhiều câu chuyện văn hóa cũng được mở ra từ đây…”.

 Không chỉ là trào lưu - ảnh 2
Áo dài ngũ thân lan tỏa trong đời sống Ảnh: ITN

Không chỉ là trào lưu

Với kinh nghiệm tổ chức Ngày hội “Tóc xanh vạt áo”, ông Tôn Thất Minh Khôi, Giám đốc Truyền thông Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp cũng nhận thấy sự hào hứng của người trẻ với phong trào Việt phục đang ngày càng lớn mạnh: “Họ không xem đây là một trào lưu để theo đuổi, mà nó đã dần ăn sâu vào trong tiềm thức, tác động thay đổi cách họ nhìn nhận về trang phục truyền thống. Và ở người trẻ, cách họ tiếp cận với những giá trị di sản cũng rất mới mẻ, đa chiều, không chỉ bó hẹp từ kiến thức sách vở”.

Tuy nhiên, theo ông Tôn Thất Minh Khôi, điều này cũng đòi hỏi các đơn vị cần có sự chuyển biến tích cực về mẫu mã, cách quảng bá, tiếp cận để giữ vững được tinh thần cốt lõi của các dạng thức trang phục, đồng thời phải mang hơi thở đương đại. Thiết nghĩ, đây là bước cần thiết trước khi tiến đến “cách tân”. Chúng ta vẫn đang cần xây dựng nền tảng thực sự vững chắc, bổ sung vào đó đầy đủ tư liệu, hoa văn, cách phối màu, phom dáng... để những nhà thiết kế thời trang, nhà sáng tạo có một “kho ý tưởng” dồi dào nhưng vẫn chuẩn mực cho những sản phẩm của họ. Bởi lẽ, nếu cách tân sai lầm, cách tân mà không tiến lên từ một nền tảng kiến thức sẽ tạo nên những sản phẩm lệch lạc, phản cảm.

Cố đô Huế được coi là “cái nôi” khai sinh ra chiếc áo dài ngũ thân. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế chia sẻ: Trong quá trình thực hiện đề án “Huế - Kinh đô áo dài”, chúng tôi luôn xác định di sản phải thuộc về cộng đồng, do cộng đồng nắm giữ và chung tay bảo tồn thì mới phát huy giá trị một cách tốt nhất. Áo dài là di sản đặc biệt của dân tộc Việt Nam, được trân quý, gìn giữ qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước quan trọng nhất của chúng tôi là làm “sống lại” áo dài, đưa áo dài vào trong đời sống xã hội đương đại, khuyến khích người dân tham gia quảng bá, tôn vinh và phát huy giá trị di sản quý giá này.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần nghiên cứu chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng và đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà nước cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của áo dài truyền thống Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân lão thành truyền dạy kỹ năng, bí quyết về nghề may áo dài trong các gia đình, dòng họ, nhà trường, câu lạc bộ... nhằm bảo vệ, gìn giữ di sản cho muôn đời sau.