Đặc sắc nghề dệt chiếu cói nằm cạnh thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan

LINH TÁ

VHO - Làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân tồn tại trên trăm năm nằm bên cạnh đầm Ô Loan thơ mộng. Làng nghề nằm ở phía Đông Nam của xã An Cư, huyện Tuy An (Phú Yên), có hơn 200 hộ gia đình trực tiếp làm nghề, với trên 550 lao động trực tiếp tham gia dệt chiếu lác.

Những năm qua, để giữ hồn cho nghề dệt cổ truyền này, các em nhỏ và người lớn tuổi đã tham gia tích cực vào một số công đoạn trong quy trình sản xuất chiếu lác.

Đặc sắc nghề dệt chiếu cói nằm cạnh thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan - ảnh 1
Nghệ nhân Phạm Thị Huệ chia sẻ về nghề dệt chiếu cói

Hiện nay, để hòa nhập với xu thế phát triển, địa phương đã hình thành HTX sản xuất - dịch vụ - du lịch chiếu cối An Cư để kết nối làng nghề với du lịch, đem lại hướng phát triển du lịch làng nghề mới cho địa phương.

Đang cầm sợi dây để dệt chiếu, nghệ nhân Phạm Thị Huệ chia sẻ: Gia đình tôi làm nghề chiếu cói đã trải qua 5 đời và tôi là đời thứ 5. Trong nghề dệt chiếu thì khâu vất vả nhất là đi cắt cói ngoài đồng lúc tầm 2 - 3 giờ sáng, nghề dệt chiếu đòi hỏi sự chịu khó vất vả, tỉ mỉ. Hiện có hai phương pháp dệt chiếu đang hoạt động, một là dệt thủ công truyền thống cần có 2 người, một người luồn cói, một người dập go; hai là chiếu dệt bằng máy cho ra năng suất lao động cao và người dân có thu nhập cao hơn.

“Mỗi tháng tôi thu nhập được hơn 3 triệu đồng, nghề này chủ yếu phù hợp cho người lớn tuổi, làm lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập cho gia đình hằng ngày”, nghệ nhân Phạm Thị Huệ chia sẻ thêm.

Đặc sắc nghề dệt chiếu cói nằm cạnh thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan - ảnh 2
Các nghệ nhân dệt chiếu cói theo phương pháp truyền thống thủ công

Còn nghệ nhân Trần Kim Thanh cho hay: Quy trình sản xuất chiếu cói gồm 5 bước: Bước 1 là thu hoạch cói và vận chuyển cói; bước 2 là chẻ và phơi cói; bước 3 là nhuộm màu cói; bước 4 là dệt chiếu thủ công hoạt dệt máy; bước 5 là xỏ chiếu hay may viền chiếu. Ngoài ra, qua bàn tay điêu luyện, sáng tạo của những người làm đã tạo nên nhiều vật dụng từ cây cói như: Giỏ sách, quạt, mũ nón, thảm, họp cói… làm sản phẩm du lịch để phục vụ du khách tham quan, trải nhiệm làng nghề.

Nhịp sống hằng ngày ở Làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân quen thuộc với tiếng xào xạc dệt chiếu cùng đủ sắc màu của từng bó cói phơi dưới nắng, hay những chiếc chiếu thành phẩm trải khắp sân vườn chờ phơi khô và đem đi tiêu thụ.

Đặc sắc nghề dệt chiếu cói nằm cạnh thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan - ảnh 3
Thành phẩm chiếu cói với những màu sắc tươi sáng

Chiếu cói ở Phú Tân được làm từ những sợi cói phơi khô trải qua công đoạn nhuộm màu, nhờ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã tạo nên màu sợi cói tươi sáng và giữ được bền lâu.

Ông Nguyễn Ngọc Vương – Phó Chủ tịch UBND xã An Cư cho biết: Với bề dày lịch sử và phát triển qua hơn trăm năm, Làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân vẫn giữ riêng cho mình nét độc đáo và say mê nghề truyền thống đã gắn bó qua nhiều thế hệ gia đình. Làng nghề được tỉnh Phú Yên công nhận là Làng nghề truyền thống năm 2013.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Vương, để bảo tồn và phát triển Làng nghề truyền thống dệt chiếu cói Phú Tân, UBND xã vận động thành lập được HTX sản xuất, dịch vụ - du lịch chiếu cói An Cư.

Đặc biệt, UBND xã kết nối với đơn vị Công ty CP đầu tư và kinh doanh nhà Việt Beach đưa khách du lịch về trải nghiệm hoạt động làng nghề, qua đó góp phần giữ gìn nét văn hóa độc đáo của dệt truyền thống chiếu cói Phú Tân, cũng như mở ra hướng đi mới cho du lịch làng nghề phát triển trên hành trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Quân, Giám đốc HTX sản xuất - dịch vụ - du lịch chiếu cối An Cư bày tỏ: Hiện nay, tỉnh Phú Yên có nhiều sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, được tiêu thụ tại chỗ, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân.

Đặc sắc nghề dệt chiếu cói nằm cạnh thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan - ảnh 4
Thanh thiếu niên trải nghiệm du lịch Làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân

Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển làng nghề và du lịch nông nghiệp nông thôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng không thể tách rời khi thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và HTX ra đời nhằm hướng đến mục tiêu này.

Theo ông Nguyễn Anh Quân, hiện nay đồng cói của Làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân rộng khoảng 25ha, đây được xem là một địa điểm tham quan trải nghiệm đồng cói mà du khách không thể quên như thu hoạch cói, kết bè chuyển cói trên sông, chẻ cói và phơi cói.

Đến Phú Tân, du khách sẽ được trải nghiệm những kỹ nghệ đan chiếu bằng thủ công, tìm hiểu về văn hóa nghề dệt chiếu cói truyền thống độc đáo của tỉnh Phú Yên và mua những sản phẩm du lịch làm từ cói rất độc đáo để tặng người thân, bạn bè khi trải nghiệm du lịch Làng nghề.