Về làng chiếu cổ hơn 500 tuổi
VHO- Làng chiếu Bàn Thạch nằm ở thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam như một ốc đảo thu nhỏ, bao bọc bởi 3 dòng sông với những cái tên gợi thương gợi nhớ: Sông Thu Bồn, Trường Giang, Ly Ly.
Những cánh đồng lác xanh rì ở làng chiếu Bàn Thạch
Dù quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ thì người dân Bàn Thạch vẫn cố gắng giữ gìn những bãi lác (đay) xanh tốt ở hai bờ hữu ngạn sông Thu Bồn, không chỉ là giữ lại vùng nguyên liệu cho nghề dệt chiếu truyền thống, mà còn giữ lại những “vành đai xanh”, tạo thêm những điểm đến thơ mộng cho du khách thích khám phá.
Làng chiếu hơn 500 tuổi
Theo sử sách chép lại, trong giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, người dân ở các vùng từ Hà Tĩnh đến Thái Nguyên di cư vào Nam, đến Quảng Nam thấy thiên thời địa lợi nhân hòa nên đã dừng lại khai hoang lập nghiệp. Trong quá trình di cư, người dân đã mang theo nghề làm chiếu để phát triển tại vùng đất này. Làng chiếu Bàn Thạch cũng có sự ảnh hưởng từ nghề dệt chiếu Đông Hà do yếu tố lịch sử, xã hội xưa.
Được bao bọc bởi 3 dòng sông, thiên nhiên ưu đãi cho những cánh đồng lác ở Bàn Thạch bạt ngàn, xanh tốt, làm nguyên liệu dệt nên những chiếc chiếu bền chắc, màu sắc tươi tắn, mẫu mã đa dạng nổi danh khắp vùng.
Nhờ vị trí thuận lợi, nằm ở hợp lưu các con sông lớn, lại gần thương cảng Hội An sầm uất, nguyên liệu chất lượng nên những chiếc chiếu Bàn Thạch nổi danh xứ Đàng Trong, từng là cống phẩm cho triều đình và quý tộc.
Điểm đặc biệt của nghề dệt chiếu Bàn Thạch là hoàn toàn thủ công. Có rất nhiều loại chiếu như chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu nổi, chiếu bùa, chiếu trổ... Mỗi loại có công đoạn xử lý nguyên liệu, dệt, nhuộm màu, tạo hoa văn khác nhau. Cũng chính vì thế, mỗi chiếc chiếu được dệt ra trở thành độc đáo, duy nhất. Mà có lẽ cũng nhờ thế, dù nay đời sống hiện đại, nghề dệt chiếu ít nhiều thu hẹp, nhưng chiếc chiếu thủ công vẫn hiện diện, không chỉ để nằm, ngồi, dùng để trải cho người thực hiện nghi thức cúng kính, tế lễ mà còn có thể dùng như vật trang trí đẹp đẽ không hề biến mất như lo sợ của nhiều người.
Những người phụ nữ ở làng Bàn Thạch xem nghề dệt chiếu như nghề “tay trái”, theo kiểu “cha truyền con nối”. Nghề chính là làm nông, nghề sông nước, hay qua phố buôn bán, đi làm cho các nhà hàng, khách sạn ở Hội An, những lúc nông nhàn, rảnh rỗi thì tận dụng nguyên liệu của làng để dệt chiếu, có thêm thu nhập.
“Nghe nhẹ nhàng rứa, chớ ai đã làm nghề dệt chiếu cũng xoay vòng quanh những cánh đồng lác quê mình, khó mà rời quê, hay bỏ nghề”, bà Đỗ Thị Huê, người đã theo nghề hơn 50 năm tâm sự.
Một cánh đồng lác thường sẽ được thu hoạch tầm 3-4 năm rồi mới trồng lại. Ra Tết, từ tháng Giêng là bắt đầu gieo trồng, mỗi năm thu hoạch hai vụ vào tháng 4-5 và tháng 7-8 âm lịch.
Theo bà Huê, trong các công đoạn thì khâu nhuộm phẩm cho sợi lác là kỳ công nhất. Trước hết phải nấu nước sôi, hòa phẩm màu theo tỉ lệ rồi sau đó nhúng từng bó lác vào, trở cho đều, vớt ra phơi khô thì màu nhuộm mới chính xác, không lem luốc, khó phai… Muốn màu đậm, nhạt thì canh chừng nhúng 2-3 lần, xong phơi nắng, canh vừa đủ, nắng không quá gắt làm sợi lác giòn dễ gãy, cũng không được quá dịu nhẹ vì dễ ẩm, mốc. Khi dệt, tùy mỗi chiếc chiếu người dệt sẽ điều chỉnh mắc cửi đơn hay kép, mặt chạm nổi âm dương, sợi lác nâng lên, chìm xuống, cải hai, cải ba,…tùy theo hình dáng hoa văn định dệt,… Những “họa sĩ nông dân” sẽ phối hợp màu sắc một cách sáng tạo, hợp lý để cho ra những chiếc chiếu hoa sắc màu đa dạng, hài hòa, không rập khuôn.
Nhuộm màu sợi lác để dệt nên những chiếc chiếu hoa
Khám phá cung đường sắc màu
Nếu phía bên kia, ngày xưa là thương cảng Hội An nhộn nhịp cảnh “trên bến dưới thuyền”, ngày nay tấp nập du khách tham quan phố cổ, thì bên này sông, những ngôi làng nổi danh với nghề dệt chiếu truyền thống của xứ Quảng vẫn giữ nguyên nếp nghề, giữ đồng lác xanh như một sự tiếp nối, mở rộng không gian du lịch cho Hội An.
“Có khá nhiều du khách từ Hội An qua chợ chiếu, rồi theo chân chúng tôi về nhà để xem và thử học cách làm chiếu. Nhiều khách, khi chứng kiến đôi tay thô ráp của chúng tôi thoăn thoắt dệt nên những chiếc chiếu hoa văn cầu kỳ đã không giấu được tiếng trầm trồ”, chị Huê khoe.
Làng chiếu Bàn Thạch cũng là một trong những làng nghề đang được Quảng Nam ưu tiên đầu tư khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống gắn kết với du lịch. Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam đã đưa phiên chợ này vào trong tour du lịch sinh thái khám phá sông nước Trà Nhiêu... Đồng thời cũng mở lớp tập huấn cho người dân cách làm du lịch cộng đồng. Từ ngày đi tham dự lớp tập huấn, người dân đã ý thức hơn rất nhiều trong việc giữ gìn nét truyền thống của làng nghề, mỹ quan quanh làng và sự thân thiện để đón khách.
Người dân ở đây cũng đã linh hoạt cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, sáng tạo những chiếc chiếu khổ nhỏ, nhiều hình ảnh, hoa văn mới lạ hơn, hoặc đan những chiếc chiếu kê gối chân, rổ kim chỉ, dép cói,….để bán thêm cho du khách làm quà lưu niệm.
Phiên chợ chiếu duy nhất Quảng Nam Phiên chợ chiếu Bàn Thạch đã tồn tại cùng với làng nghề này suốt mấy trăm năm, được nhiều người ví von là phiên chợ sớm nhất Quảng Nam, chỉ diễn ra từ khoảng 4 -7 giờ sáng mỗi ngày. Chợ chỉ toàn phụ nữ, thi thoảng có thêm vài người đàn ông phụ mang nguyên liệu lác khô đến trao đổi, mua bán. Lạ hơn nữa, cả người mua lẫn người bán không hề so đo, mặc cả, kì kèo với nhau giá cả, không chia “lô”, phân quầy ra như chợ thông thường. Người bán mang chiếu đi chào bán quanh chợ mời người mua xem chứ không thể ngồi một chỗ chờ người đến mua. Người đi mua chiếu cũng chạy loanh quanh chợ để tìm người bán. Những người may mắn bán được chiếu sớm thì lụi hụi phụ mang chiếu của những bà già, phụ nữ có con mọn đến chào mời người mua giúp. Chợ tan, ai cũng hồ hởi. |
KHÁNH CHI