Quảng Ngãi:

Giữ gìn, phát triển nghề làm chiếu cói

NHƯ ĐỒNG
Chia sẻ

VHO - Nghề chiếu cói ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đã trở thành một giá trị văn hoá. Có biết bao thế hệ sinh ra nằm trên chiếc chiếu cói, mùi chiếu thơm trong chiếc nôi tre cùng câu hát à ơi của bà, của mẹ, dần dà đi vào tiềm thức của bao đứa trẻ, để khi lớn lên, dù đi xa đến đâu cũng nhớ mãi tình cảm đó.

Giữ gìn, phát triển nghề làm chiếu cói  - ảnh 1
Theo những cụ cao niên, chiếu Nghĩa Hòa nức tiếng gần xa nhờ quy trình làm chiếu kỹ lưỡng và công phu, vì thế người dân làng nghề không cần phải tìm đầu ra cho sản phẩm, mà thương lái khắp nơi tự tìm đến đặt hàng. Sản phẩm làm ra, đôi khi không kịp đáp ứng nhu cầu của cánh thương lai
Giữ gìn, phát triển nghề làm chiếu cói  - ảnh 2
Gia đình bà Lê Thị Cơ (60 tuổi) ở xã Nghĩa Hòa có 3 đời làm chiếu truyền thống. Bà cho biết: “Khi còn trẻ, tôi thường đi bán cỏ lác (cây cói) cho những người dệt chiếu bằng khổ tre. Hiện tại, tôi vẫn giữ cách làm chiếu truyền thống, mua cỏ lác ở các vùng trồng miền Tây hay tỉnh Bình Định, sau đó cắt ngọn, căn chỉnh lại cho đúng khổ từ 1m đến 1,8m, rồi phơi cho lác ngả vàng”
Giữ gìn, phát triển nghề làm chiếu cói  - ảnh 3
Tiếp đến là công đoạn nhuộm màu, sợi lác được bó lại ngâm vào một nồi nấu nước nhuộm đang sôi, theo bà Cơ, nhờ có nước nhuộm nên chiếu có nhiều màu sắc như vàng, đỏ, xanh và cả màu tự nhiên của sợi lác. Nhuộm lác là công đoạn quan trọng, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề dày dặn để nhuộm đều màu, giữ màu lâu, cuối cùng, dưới cái nắng đầu mùa hè, sợi lác nhiều màu sắc được phơi khô
Giữ gìn, phát triển nghề làm chiếu cói  - ảnh 4
Những năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ, máy móc để thay thế công đoạn dệt chiếu bằng khổ tre. Bà Cơ đầu tư 6 máy dệt và hướng dẫn 6 nhân công trong xưởng cách dệt bằng máy mới. Nhờ đó, bình quân mỗi người thợ dệt được 10 chiếc chiếu
Giữ gìn, phát triển nghề làm chiếu cói  - ảnh 5
Nhờ dệt chiếu, thu nhập của một số người dân rất tốt xây được nhà, lo cho con cái ăn học đầy đủ
Giữ gìn, phát triển nghề làm chiếu cói  - ảnh 6
Hiện toàn xã còn 11 hộ buôn bán và sản xuất chiếu cói, trong đó 3 hộ đầu tư máy móc để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, sản phẩm bền đẹp hơn
Giữ gìn, phát triển nghề làm chiếu cói  - ảnh 7
Gia đình bà Trần Thị Lợi (62 tuổi) ở xã Nghĩa Hòa cũng gắn bó với nghề dệt chiếu truyền thống. Bà cho biết: “Từ đời ông cố, ông cao đến đời tôi đều làm nghề này, tính ra đã giữ nghề hơn 100 năm. Trước kia dệt thủ công, sau này có máy móc nên số lượng lẫn chất lượng chiếu cũng gia tăng”
Giữ gìn, phát triển nghề làm chiếu cói  - ảnh 8
Bà Lợi làm chiếu có tiếng trong vùng. Xưởng của bà có 7 máy dệt, hàng ngày có khoảng 10-12 nhân công làm việc, người dệt chiếu, người nhuộm lác, người cắt may… Mỗi ngày, xưởng của bà sản xuất 70 chiếc chiếu, bình quân bán được 40-50 chiếc/ngày. Do đặc thù của nghề nên trong năm chỉ có 7 tháng nắng làm chiếu còn 5 tháng mưa phải tạm dừng vì không đủ nắng phơi chiếu Theo bà Lợi, thu nhập từ nghề chiếu không cao nhưng giúp nhiều phụ nữ có công việc làm. Thu nhập mỗi người thợ khoảng từ 130 nghìn đồng – 160 nghìn đồng/ngày, tùy số lượng sản phẩm. “Giờ có máy móc, chị em đỡ vất vả nhưng thu nhập từ nghề làm chiếu không cao. Dù vậy, điều chúng tôi mong muốn là góp phần giữ gìn nghề truyền thống không mai một”, bà Lợi chia sẻ Xưa kia, hai bên triền sông Vực Hồng, thuộc xã Nghĩa Hòa, tỉnh Quảng Ngãi là “thủ phủ” của cây lác, cói. Những năm thịnh vượng, cả xã có hơn 200 khung dệt, 2/3 số hộ dân làm nghề dệt chiếu. “Biết bao chàng trai, cô gái cũng mượn chiếc chiếu cói gần gũi mà gửi lời yêu thương: Chiếu cói làng em nhuộm màu tươi tắn/ Công em rày mưa nắng gió sương/ Chiếu này gởi khắp tứ phương/ Gởi người quân tử trải giường nghỉ ngơi”