Phát triển kinh tế trang trại xanh ở Hà Nội: Quy hoạch để vươn tầm

VHO - Kinh tế trang trại không chỉ là động lực quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, giải quyết việc làm, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Thủ đô.

 

Nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, Hà Nội đang hướng tới phát triển kinh tế trang trại theo xu hướng xanh, bền vững. Tuy nhiên, để kinh tế trang trại phát triển như mong muốn, bên cạnh chính sách hỗ trợ phù hợp, việc quy hoạch cũng cần được đồng bộ, cụ thể hơn...

Thu hoạch rau trồng theo phương pháp thủy canh tại Công ty cổ phần Đầu tư An Hòa (phường Bát Tràng). Ảnh: Nguyễn Quang
Thu hoạch rau trồng theo phương pháp thủy canh tại Công ty cổ phần Đầu tư An Hòa (phường Bát Tràng). Ảnh: Nguyễn Quang

Những điểm nhấn

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.574 trang trại theo tiêu chí của Thông tư số 02.2020.TT-BNNPTNT. Trong đó, chăn nuôi chiếm ưu thế với 1.173 trang trại, tiếp đến là trang trại tổng hợp (218), thủy sản (120), trồng trọt (69) và 1 trang trại lâm nghiệp.

Đánh giá về trang trại của Hà Nội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định: Kinh tế trang trại góp phần quan trọng vào việc sử dụng hiệu quả đất đai, vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp lượng lớn nông sản cho thị trường, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; doanh thu bình quân trên 2.2 tỷ đồng/trang trại/năm; tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động địa phương, thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới...

Đáng mừng, các trang trại ngày càng quan tâm đến an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm - đây là những yếu tố cốt lõi của nông nghiệp xanh. Nhiều trang trại liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng. Hiện có 366 trang trại ứng dụng công nghệ cao và 283 trang trại có liên kết sản xuất - tiêu thụ. Điển hình như trang trại giáo dục Erahose, trang trại trải nghiệm Vạn An, trang trại Bò sữa hay trang trại tổng hợp của các hộ gia đình...

Cần chính sách và định hướng

Mặc dù đạt những kết quả tích cực, song việc phát triển trang trại xanh của Hà Nội còn một số khó khăn, thách thức: Nhiều trang trại phát triển tự phát, thiếu tính chiến lược, chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kinh doanh, khoa học, kỹ thuật của chủ trang trại còn thấp, dẫn đến rủi ro lớn do sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm...

Chia sẻ thêm về vướng mắc, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hưng Bùi Văn Sáng cho rằng, hầu hết vốn đầu tư là tự có hoặc vay từ cộng đồng; vay từ các tổ chức tín dụng còn hạn chế; công tác quy hoạch sản xuất, hạ tầng, định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa tốt; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chưa được rà soát, cập nhật thường xuyên, chưa công bố đầy đủ... là những yếu tố cản trở việc hình thành các vùng kinh tế trang trại xanh.

Để tháo gỡ, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, thành phố tiếp tục thúc đẩy chính sách hỗ trợ các trang trại phát triển hiệu quả, đúng hướng. Đặc biệt, khi Luật đất đai 2024 và Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực, tạo tiền đề cho kinh tế trang trại xanh bứt phá, nhất là nông nghiệp sinh thái...

Bên cạnh đó, theo Công văn số 5488/VPCP-NN ngày 1.8.2024, Văn phòng Chính phủ đã có ý kiến vào Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, yêu cầu rà soát, hoàn thiện nội dung liên quan đến tiêu chí, cấp giấy chứng nhận và chính sách hỗ trợ, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho kinh tế trang trại xanh phát triển.

Cùng với đó, Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định quỹ đất nông nghiệp tại các bãi sông, bãi nổi, cho phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm. Các công trình bảo đảm không ảnh hưởng đến cảnh quan, dòng chảy, khả năng thoát lũ. Điều này mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp đô thị tận dụng 70% diện tích đất nông nghiệp gắn với vùng xanh phục vụ sản xuất, du lịch...

Về giải pháp, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Sở tham mưu thành phố tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là quy định về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ, ưu tiên các mô hình kinh tế trang trại xanh. Thành phố cũng đẩy nhanh việc ban hành, triển khai quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các vùng nông nghiệp sinh thái bảo đảm công khai, minh bạch để người dân, chủ trang trại dễ dàng tiếp cận, đầu tư; đồng thời nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ xanh cho cán bộ quản lý, hộ sản xuất.

Thành phố khuyến khích phát triển mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, khai thác nguồn quỹ đất nông nghiệp ven sông; phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo gắn với bản sắc văn hóa địa phương, tạo nguồn thu bền vững cho trang trại và cộng đồng.

Để kinh tế trang trại thực sự vươn tầm, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế trang trại xanh là hướng đi chiến lược. Với sự quan tâm của thành phố thông qua các chính sách hỗ trợ, định hướng quy hoạch rõ ràng, khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp ven sông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chắc chắn kinh tế trang trại xanh của Hà Nội sẽ tiếp tục bứt phá, trở thành điểm sáng trong nông nghiệp đô thị, tạo hành lang xanh cho Thủ đô trong bối cảnh mới...

Theo ĐỖ MINH/Báo Hà Nội Mới

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc