Trình diễn di sản áo dài trong chương trình thời trang nghệ thuật Lính và lụa
VHO- Vào chiều nay 21.12, tại TP.HCM sẽ diễn ra chương trình thời trang nghệ thuật Lính và lụa, do Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM và Cục chính trị Quân khu 7 tổ chức. Theo tiết lộ của NTK Minh Hạnh, Tổng đạo diễn Lính và lụa, sẽ có gần 200 chiến sĩ bộ đội tham gia với các vai trò khác nhau.
Bộ sưu tập lấy ý tưởng từ cây lúa
Lính và lụa là sự kiện áo dài đặc biệt, lần đầu tiên được hai đơn vị phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2022). Bằng nhiều hình thức nghệ thuật, chương trình tập trung khắc họa hình tượng người chiến sĩ đã vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh vì sự bình yên của đất nước, lồng ghép với hình tượng tôn vinh vẻ đẹp thanh cao của phụ nữ Việt, khắc họa hình ảnh người mẹ, người vợ, hậu phương vững chắc, là điểm tựa để người chiến sĩ làm nên những chiến thắng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Những ca khúc kinh điển về người lính sẽ được dàn Quân nhạc và đội văn nghệ Quân khu 7 cùng sự góp mặt của nhạc sĩ 9X - thầy giáo Nguyễn Thái Dương, ca sĩ Khang Ngọc, Lê Minh Đức, nghệ sĩ đàn tỳ bà Nghiêm Thu thể hiện. Theo NTK Minh Hạnh, các bộ sưu tập áo dài trình diễn trong chương trình lấy cảm hứng từ những ca khúc đã thấm sâu vào ký ức hào hùng về người lính. Tiêu biểu như bài Hát về cây lúa hôm nay thể hiện tình quân dân thắm thiết, sâu đậm; diễn đạt bốn mùa chuyển động trên con đường Trường Sơn huyền thoại được lấy cảm hứng từ ca khúc Lá đỏ, Lá xanh; nét oai hùng trong sáng của người lính là cảm hứng từ ca khúc 5 anh em trên một chiếc xe tăng; bộ áo dài Hoa xuân lấy ý tưởng từ tranh vẽ của NSND Trà Giang…
Chương trình sẽ trình diễn 12 bộ sưu tập với 285 mẫu thiết kế của 12 NTK: Cao Duy, Nguyễn Thúy, Lê Kyo, Công Huân, Minh Hạnh… thực hiện trên nền vải lụa của Vietnam Silk House. “Với tôi, áo dài là di sản và di sản cần phải được bảo vệ bởi một lực lượng vũ trang, đó chính là bộ đội… Nếu chúng ta bảo vệ được di sản có nghĩa là chúng ta bảo vệ được văn hóa. Ở thời đại này, văn hóa là những giá trị tốt đẹp, nếu không có văn hóa mà chỉ có kinh tế thì tôi nghĩ sẽ thiếu sót rất lớn”, NTK Minh Hạnh nhấn mạnh.
Lý giải về sự kết hợp độc đáo này, NTK cho biết, hình ảnh của lụa gắn liền với cái đẹp, đó là sự mềm mại, thanh cao, nhẹ nhàng và êm ấm, đem lại sự bình yên cho mọi người. Hình tượng của người lính và lụa, theo quan niệm thông thường thì có vẻ như rất đối nghịch, nhưng với tôi, điều này mang ý nghĩa khác, đó là sự hy sinh. Người lính luôn hy sinh vì sự bình yên của đất nước, còn định mệnh của con tằm là hy sinh một kiếp để có tấm vải đẹp… Riêng tôi, tôi muốn kể câu chuyện áo dài qua những ca khúc kinh điển gắn liền với người lính và văn hóa Việt. Các bộ sưu tập sau khi trình diễn sẽ dành tặng cho Cục chính trị Quân khu 7 để trưng bày trong Bảo tàng.
T.TRANG