Tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ trùng tu di tích Hải Vân Quan
VHO- Di tích quốc gia Hải Vân Quan nằm ở khu vực núi giáp ranh thuộc Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng nên khi triển khai dự án tu bổ nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Tuy nhiên, trong phạm vi thực hiện dự án đang có một số vướng mắc, cần được các cấp ngành của cả hai địa phương tháo gỡ.
Ưu tiên thi công xây dựng tường chắn bằng đá hộc trước để tránh sạt lở trong quá trình thi công tu bổ các hạng mục khác tại di tích Hải Vân Quan Ảnh: C.B
Sau hơn 5 tháng khởi công, dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan đã thực hiện được nhiều nội dung, khối lượng công việc như hoàn thành việc tháo dỡ các kết cấu lô cốt xây mới bằng bê-tông cốt thép và gạch thẻ thời Pháp, Mỹ trên cổng Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan; hoàn thành việc hạ giải và tu bổ 5 lô cốt quân sự được xây dựng từ thời thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược; đồng thời đang tiến hành xây dựng hệ tường chắn đất bằng đá hộc, xây dựng hệ thống đường dạo bằng bê-tông giả đất với tỷ lệ công việc đã đạt hơn 30%...
Ông Phạm Hùng Trường, Phó Giám đốc Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung, đơn vị thi công dự án cho biết, công tác hạ giải các lô cốt đã được thực hiện rất cẩn thận, tháo dỡ từng phần đảm bảo không ảnh hưởng đến kết cấu nguyên gốc. Để đảm bảo an toàn cho quá trình thi công ở khu vực địa hình đồi dốc, đơn vị thi công đã tính toán và ưu tiên hoàn thành trước một số hạng mục để ngăn chặn tình trạng quá trình sạt lở ở các điểm khác trong phạm vi dự án khi điều kiện thời tiết bất lợi. “Đỉnh đèo Hải Vân có thời tiết diễn biến phức tạp, có ngày diễn ra hình thái thời tiết của bốn mùa nên các kỹ sư và công nhân thi công phải bố trí thời gian làm việc một cách hợp lý, cố gắng hoàn thành một số hạng mục quan trọng trước mùa mưa sắp tới”, ông Trường thông tin.
Đại diện Ban Quản lý dự án Di tích Cố đô Huế cho biết, khi thực hiện thi công một số hạng mục dự án đã phát lộ một chân đế bia đá ngay bên trong cổng Hải Vân Quan. Kiểu chân đế bia đá này giống với các mẫu bia ghi địa danh ở các lăng vua triều Nguyễn. Theo kế hoạch, dự án sẽ được thực hiện trong vòng 2 năm kể từ khi khởi công, với tổng kinh phí hơn 42 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong khu vực phạm vi thực hiện dự án đang có một số vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý của nhiều đơn vị khác nhau của cả hai địa phương, cần sớm được tháo gỡ nhằm đảm bảo tiến độ của dự án.
Ban Quản lý dự án di tích Cố đô Huế thông tin, trong phạm vi dự án có nhà Viba bỏ hoang do UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) quản lý. Tuy nhiên, do chưa tìm được giấy tờ liên quan đến ngôi nhà này nên hiện chưa thể tiến hành các thủ tục để hạ giải công trình. Ngoài ra, ở khu vực di tích Hải Vân Quan còn có đường dây điện 22kV chạy qua nên các đơn vị chức năng cũng đang nghiên cứu phương án ngầm hóa đường điện này. Khu vực thực hiện dự án cũng có liên quan đến diện tích rừng phòng hộ của cả Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, nên cần hoàn thiện các thủ tục pháp lý chuyển đổi đất từ các cơ quan chức năng chuyên môn từ hai địa phương. Trao đổi với Văn Hóa, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, cùng với việc triển khai dự án cơ quan chức năng của cả Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đang triển khai thủ tục chuyển đổi đất rừng.
Hải Vân Quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân, được mệnh danh là “yết hầu” của Kinh đô Huế. Công trình di tích này cũng nằm trên con đường Thiên Lý độc đạo lưu thông từ Kinh đô Huế đến xứ Quảng Nam và ngược lại. Với địa thế cao hơn gần 500m so với mặt nước biển, đứng Hải Vân Quan có thể quan sát rất rộng về các phía, đặc biệt là toàn bộ vịnh Đà Nẵng. Di tích Hải Vân Quan được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2017. Trước thực trạng xuống cấp nặng nề của di tích này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP Đà Nẵng đã “bắt tay” để triển khai dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Hải Vân Quan.
SƠN THÙY