Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh: Ứng xử phù hợp với di sản

VHO - Sáng nay 26.8 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã khai mạc Hội thảo - Hội nghị - Tập huấn với chủ đề “Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh”. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương dự và phát biểu khai mạc.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh: Ứng xử phù hợp với di sản - Anh 1

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc Hội nghị- Hội thảo

Còn lúng túng, thực hành sai lệch di sản

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng ta quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để giữ gìn được những bản sắc văn hóa của dân tộc, lan tỏa các giá trị tới bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội,… Việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng thành pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp là cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia, bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước vì sự phát triển bền vững.

Năm 2001, lần đầu tiên loại hình di sản văn hóa phi vật thể được chính thức quy định tại Luật Di sản văn hóa, tạo bước chuyển biến lớn và quan trọng trong nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa phi vật thể, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng.

Cùng với việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, ngày 20/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia và đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (Công ước 2003). Hiện nay, Việt Nam là Thành viên Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 nhiệm kỳ 2022 - 2026. Nhiều nội dung quan trọng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc gia và quốc tế được quy định tại Công ước 2003 đã và đang góp phần hiệu quả vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội bền vững của đất nước.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh: Ứng xử phù hợp với di sản - Anh 2

Tính tới thời điểm hiện nay, UNESCO đã ghi danh 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam vào các danh sách. Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và nhân loại.

Hiện đã có 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.750 Nghệ nhân ưu tú. Có khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 497 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phân bố rộng khắp trên cả nước. Hoạt động tôn vinh nghệ nhân, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đã và đang giúp cho các nhà quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa nhận diện rõ hơn về di sản để từ đó xây dựng các kế hoạch, chiến lược bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể góp phần vào giữ gìn bản sắc văn hóa của quốc gia và đa dạng văn hóa của nhân loại; góp phần định hình hoạt động quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể; nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác di sản văn hóa ở các cấp.

“Với nỗ lực không ngừng, tình yêu và trách nhiệm của nghệ nhân, cộng đồng thực hành di sản và chính quyền các cấp đối với di sản; thông qua việc tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 và các Công ước khác của UNESCO, Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; góp phần vào nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế…”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh: Ứng xử phù hợp với di sản - Anh 3

Thứ trưởng cũng cho rằng, việc gia tăng số lượng di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể  đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản và thực hiện Công ước.

“Các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có tính chuyên môn đặc thù, cần có lộ trình tiếp cận vấn đề, chiến lược lâu dài, hướng tới quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh một cách bền vững”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương lưu ý.

Tuy nhiên, nhận thức  về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hiện còn hạn chế và không đồng đều. Một số địa phương chỉ quan tâm tới việc xây dựng hồ sơ để đưa vào Danh mục của quốc gia hoặc quốc tế; thiếu các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị gắn với phát triển bền vững và hội nhập,…; lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị, trong xây dựng, tổng hợp, xử lý thông tin các Báo cáo định kỳ về tình trạng, tình hình bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được ghi danh.

Đặc biệt, các giá trị, đặc trưng, đặc điểm, tính chất, nguyên tắc thực hành, hiện trạng thực hành và bảo vệ di sản, các nguy cơ tác động, dẫn tới thực hành sai lệch, mai một và thất truyền di sản chưa được nhận diện, nắm bắt rõ, kịp thời. Kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản chưa được đầu tư đúng mức. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế…

Hội thảo- hội nghị gồm nhằm đánh giá tổng thể công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia sau khi được ghi danh tới nay, trong đó nhằm nâng cao nhận thức, cách hiểu đúng và đầy đủ về di sản văn hóa phi vật thể, về cộng đồng chủ thể của di sản, từ đó có cách ứng xử phù hợp với di sản.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh: Ứng xử phù hợp với di sản - Anh 4

Nâng cao hiệu quả quản lý và  nhận thức của cán bộ quản lý đối với các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh cũng như các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục của quốc gia; triển khai hiệu quả tinh thần Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23.9.2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch; Công văn số 2973/BVHTTDL-DSVH ngày 21.7.2023 của Bộ VHTTDL gửi UBND các tỉnh/ thành phố về tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Bên cạnh đó, nhận diện rõ hơn vị trí, vai trò của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương các cấp; sự tham gia của các cơ quan báo chí, thông tấn, truyền hình và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các nghệ nhân và chủ thể của di sản trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nói chung và di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh nói riêng. Xác định phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai trong thời gian tới để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể theo cam kết tại hồ sơ đề cử với UNESCO.

Đây cũng là diễn đàn để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể giữa các địa phương nhằm tháo gỡ  khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương cùng có chung di sản được ghi danh đối với những vấn đề liên quan đến chuyên môn.

Ngăn chặn, chấn chỉnh hoạt động làm sai lệch, “bóp méo” di sản

GS.TS Phạm Hồng Tung mở màn phần tham luận với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thông qua phát triển công nghiệp văn hoá”, nhấn mạnh, để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá phi vật thể,  những yếu tố cần thiết là kinh phí, chính sách, chuyên gia. Di sản văn hoá phải được đưa thành nguồn tài nguyên, nguồn vốn để từ đó phát triển công nghiệp văn hoá. Trong bảo vệ, phát huy vai trò di sản văn hoá, các nhà quản lý cần phải có cơ chế, chính sách hợp lý.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh: Ứng xử phù hợp với di sản - Anh 5

GS.TS Phạm Hồng Tung  tham luận với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thông qua phát triển công nghiệp văn hoá”

“Chúng ta vẫn nói, di sản của cộng đồng, cần trả lại di sản cho cộng đồng. Nhưng vấn đề là cộng đồng nào, cần nghiên cứu và làm rõ. Với một di sản văn hoá phi vật thể, cần làm rõ ai là chủ nhân tác tạo và ai là chủ nhân sở hữu. Từ tài nguyên văn hoá thành nguồn lực văn hoá cũng là một giai đoạn dài, trong đó, rất cần thiết chú trọng việc bảo tồn, phát huy di sản. Theo đó, cần tuân thủ nguyên tắc thực hành để không làm xói mòn, sai lệch giá trị di sản”, GS. TS Phạm Hồng Tung nói.

 NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng (Đền Nguyên Khiết Linh Từ, Hàng Bạc)  cho rằng, trong nhiều trường hợp, di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đang bị bóp méo. Từ những hiện tượng đã và đang diễn ra trong thực tế, NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng nêu:  “Nhiều thanh đồng, Tân đồng đã không tiếc một khoản tiền lớn, chạy theo phong trào để được biểu diễn tín ngưỡng của mình ngoài không gian điện phủ và nhận các giấy chứng nhận, các giấy khen vinh danh... đã có thành tích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, mà thực chất là đang bóp méo và làm sai lệch tín ngưỡng”.  Ông đề nghị, cần ngăn chặn và chấn chỉnh những hoạt động làm sai lệch và cố tình phổ biến sai lệch di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là di sản tâm linh chứ không phải di sản nghệ thuật trình diễn, phải thực hiện nghi lễ trong đền, đài, điện, phủ. Nếu đưa hầu đồng ra khỏi Không gian linh thiêng trước ban thờ Mẫu tức là biểu diễn giá trị hầu đồng.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh: Ứng xử phù hợp với di sản - Anh 6

 NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng (Đền Nguyên Khiết Linh Từ, Hàng Bạc) cho rằng, nhiều trường hợp, di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đang bị bóp méo

 “Sân khấu hóa và lợi dụng di sản, lợi dụng thanh đồng, lợi dụng “khăn áo”, trang phục… và cả uy tín, danh hiệu của di sản để trục lợi, làm ảnh hưởng tới tính thiêng của di sản, xúc phạm cộng đồng tín ngưỡng. Nếu không bị nhắc nhở, sẽ tiếp tục diễn ra các hoạt động dựa vào sân khấu hoá để tổ chức trình diễn hầu đồng, cũng như trang phục và nhiều thành tố khác của di sản”, nghệ nhân Kim Hùng nhấn mạnh.

Đặt câu hỏi làm sao để cộng đồng hiểu đúng giá trị, hiểu rõ các thành tố của di sản, GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam nêu, mỗi di sản văn hoá phi vật thể cần có một cách quảng bá khác nhau, để người xem, người nghe hiểu đúng di sản. “Hiện tại, trên một số cơ quan truyền thông có đưa ra khái niệm “trình diễn di sản”, coi như biện pháp để cộng đồng, nhất là người nước ngoài hiểu rõ về di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam. Tôi nghĩ không có một thuật ngữ như thế, bởi các hình thức di sản văn hoá phi vật thể mà Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản Văn hoá thì không phải hình thức nào cũng có thể trình diễn”, GS. Nguyễn Chí Bền nhấn mạnh.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh: Ứng xử phù hợp với di sản - Anh 7

Ông cũng lưu ý, trong quảng bá di sản hay tính xác thực của di sản, rất cần quan tâm đến nguyên tắc đạo đức dành cho bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Mô phỏng, tái tạo di sản văn hoá phi vật thể, nhất là Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đặc biệt cần quan tâm đến vấn đề này. Không gian thiêng và không gian thế tục của nơi thờ tự cần được chú trọng khi xem xét, đánh giá hoạt động mô phỏng, tái tạo di sản văn hoá phi vật thể.

Đề cập đến vai trò của truyền thông trong việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh, TS. Vương Anh, Báo Nhân Dân lưu ý, việc đưa hình ảnh của di sản giới thiệu ra ngoài cộng đồng sở hữu để góp phần quảng bá di sản cần đặc biệt chú ý tới không gian văn hóa mà di sản tồn tại. Cần phân biệt rõ khái niệm Trình diễn và Thực hành di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt ở loại hình tôn giáo, tín ngưỡng.

“Ra khỏi không gian văn hóa mà nó tồn tại thì di sản không còn là di sản nữa. Bên cạnh đó, truyền thông cần tôn trọng cộng đồng và nhấn mạnh sự đồng thuận của cộng đồng…”, TS Vương Anh nhấn mạnh.

PHƯƠNG ANH; ảnh: KHIẾU MINH

Ý kiến bạn đọc